Đánh học sinh, ép học thêm, giáo viên có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

13:56 02-10-2018 | :694

Laocaitv.vn - Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ GD-ĐT, giáo viên có hành vi đánh học sinh, ép học thêm sẽ bị phạt tiền, công khai xin lỗi...

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến góp ý.

Trong nghị định xử phạt đã đề xuất nhiều mức phạt hành chính ở mức cao đối với các quy định về tổ chức dạy thêm cũng như xúc phạm nhân phẩm, danh dự giáo viên, học sinh.

Điều 8 dự thảo quy định xử lý vi phạm về dạy thêm, theo đó, các tổ chức bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất.

Bộ GD-ĐT đề xuất nhiều mức phạt khác đối với các quy định về tổ chức dạy thêm cũng như xúc phạm nhân phẩm, danh dự giáo viên, học sinh. (Ảnh minh họa)

Đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm bị phạt từ 2- 4 triệu đồng. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa.

Về hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng.

Phạt tiền từ 8-10 triệu đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm. Phạt tiền từ 10 -15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Nghị định cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với những vi phạm quy định dạy thêm như tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6-12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 điều này.

Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12-24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 điều này…

Tại Điều 9 của dự thảo Nghị định nêu rõ đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng. Đồng thời, phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người dạy thêm không đạt trình độ chuẩn. Từ 5 - 6 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày.

Riêng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa sẽ có mức phạt tiền từ 6 -8 triệu đồng.

Chửi học sinh có thể bị phạt 20 triệu đồng

Các vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục và xúc phạm người học đều bị phạt hành chính ở những mức độ khác nhau.

Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục; từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. Đi kèm với nộp phạt là xin lỗi công khai.

Còn người có hành vi xâm phạm người học sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng (đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự) hoặc 20-30 triệu đồng (đối với hành vi xâm phạm thân thể). Ngoài việc xin lỗi công khai, giáo viên cũng sẽ bị đình chỉ giảng dạy từ 1-6 tháng.

Thuê, viết thuê luận án bị phạt 20 triệu đồng

Mục 6 của dự thảo quy định khá chi tiết các hình thức xử phạt về sai phạm trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Theo đó, việc thông tin sai sự thật về kỳ thi sẽ bị phạt từ 3-6 triệu đồng; làm mất bài thi bị phạt từ 10-12 triệu đồng; mang vật không được phép vào chỗ thi bị phạt 1-2 triệu đồng; làm bài hộ hoặc trợ giúp thí sinh làm bài bị phạt từ 2-3 triệuđồng; thi thay hoặc thi kèm bị phạt từ 3-5 triệu đồng; viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi, sửa điểm, nhập điểm sai bị phạt từ 10-15 triệu đồng; đánh tráo bài thi bị phạt từ 15-20 triệu đồng; chấm thi sai bị phạt từ 20-25 triệu đồng; làm lộ bí mật đề thi hoặc đưa đề trong thời gian làm bài ra ngoài bị phạt từ 20-30 triệu đồng; ra đề sai quy định bị phạt từ 30-50 triệu đồng.

Dự thảo cũng đề cập tới hình phạt cho việc làm công trình tốt nghiệp thuê. Cụ thể, phạt tiền từ 8-12 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đánh giá khóa luận, đồ án tốt nghiệp, báo cáo thực hành tốt nghiệp, luận văn, luận án không đúng quy định về thành phần hội đồng hoặc chuyên môn của thành viên hội đồng hoặc điều kiện để được phép bảo vệ của người học; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi viết khóa luận, đồ án tốt nghiệp, báo cáo thực hành tốt nghiệp, luận văn, luận án thuê cho người khác hoặc thuê người khác viết khóa luận, luận văn, luận án cho mình.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu khóa luận, đồ án tốt nghiệp, báo cáo thực hành tốt nghiệp, luận văn, luận án; buộc hủy bỏ kết quả thi, kết quả đánh giá môn học, kết quả bảo vệ luận văn, luận án…

Dự thảo còn quy định khá chi tiết mức phạt hành chính cho các hành vi vi phạm quy định về tư vấn du học, văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; hoạt động tuyển sinh; mở ngành đào tạo; nội dung chương trình đào tạo; thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập; quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ;quy định đối với nhà giáo và người học; quy định về cơ sở vật chất, tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Dự thảo sẽ lấy ý kiến đến hết ngày 25/11./.

Nguyễn Trang/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết