Laocaitv.vn - Theo ĐBQH Giàng Thị Bình (Lào Cai), qua giám sát tại địa phương và ý kiến kiến nghị của cử tri cho thấy, hệ thống cơ quan BHXH các cấp gần gũi với người dân, phục vụ đối tượng thuận tiện…
Laocaitv.vn - Theo ĐBQH Giàng Thị Bình (Lào Cai), qua giám sát tại địa phương và ý kiến kiến nghị của cử tri cho thấy, hệ thống cơ quan BHXH các cấp gần gũi với người dân, phục vụ đối tượng thuận tiện…
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội vào sáng (26/5), Đại biểu Giàng Thị Bình nhận định, hệ thống BHXH các cấp được thành lập theo ngành dọc, gắn với địa giới hành chính, nên đã tiếp cận được xu hướng phát triển BHXH trên thế giới, gắn bó chặt chẽ, gần gũi với người dân, phục vụ người dân tham gia thụ hưởng chính sách được dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Nghị quyết Trung ương 7 cũng đã khẳng định, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội cũng như đời sống nhân dân và phát triển bền vững đất nước. Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những NLĐ cùng thế hệ và giữa các thế hệ cùng tham gia BHXH.
Dẫn chứng báo cáo của BHXH Việt Nam, đại biểu Giàng Thị Bình chỉ rõ: Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật ngày càng được mở rộng, số người được hưởng BHXH ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2017, toàn quốc có 13,9 triệu người tham gia, tăng 2,3 lần so với thời điểm thực hiện Luật BHXH (1/1/2007); 11,7 triệu người tham gia BH thất nghiệp; trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí và mỗi năm có khoảng 10 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, TNLĐ-BNN. Tổng số thu- chi BHXH hằng năm đều có sự gia tăng, trong đó năm 2017 số thu là 196.000 tỉ đồng, số chi là 181.736 tỉ đồng; tỉ lệ chi từ quỹ BHXH tăng và tỉ lệ chi từ ngân sách ngày càng giảm.
Đáng chú ý, việc quản lý quỹ BHXH thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH được tăng cường, góp phần bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, hiện đại hóa CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng, nhằm góp phần cải cách TTHC, hướng tới sự hài lòng của DN và người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn những tồn tại, hạn chế như: Quy mô tham gia BHXH còn thấp. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn còn xảy ra và chậm được khắc phục. Đặc biệt, việc xử lý tiền nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp kéo dài của các đơn vị, DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn hết sức khó khăn và chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể. Ngoài ra, đến nay Chính phủ cũng chưa có hướng dẫn về việc lao động người nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam...
Để Nghị quyết Trung ương 7 sớm đưa vào cuộc sống, đại biểu Giàng Thị Bình đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, cần tăng cường đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, quyết tâm thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Đặc biệt, với những kết quả mà ngành BHXH đã đạt được, đại biểu Bình đề nghị Nhà nước tiếp tục duy trì mô hình BHXH theo hệ thống từ trung ương đến địa phương như hiện nay là hoàn toàn phù hợp.
Theo Báo Bảo hiểm xã hội
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết