Đề nghị bị cáo Đinh La Thăng 14-15 năm tù, tiếp tục ‘nóng’ tại BOT Sóc Trăng và vỉa hè quận 1

12:49 14-01-2018 | :361

Laocaitv.vn - Tuần qua, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hàng loạt trạm BOT (Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Thuận) liên tiếp phải xả trạm và việc đình chỉ 48 bãi giữ xe ở quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cũng “nóng” các trang báo trong tuần.

Viện kiểm sát đề nghị phạt tù chung thân với bị cáo Trịnh Xuân Thanh
 
Chiều 11/1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm chuyển sang phần tranh tụng công khai. Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) từ 13-14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; xử phạt tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”; tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.
 
Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng (SN 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) từ 14 - 15 năm tù.
 

Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa cho mình. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bị cáo Vũ Đức Thuận (sinh năm 1971, nguyên Tổng Giám đốc PVC) bị đề nghị xử phạt từ 8-9 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 18-19 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là từ 26-28 năm tù.
 
Sáng 8/1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản" trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong hai tuần.
 
Hỗn loạn tại các trạm thu phí BOT 
 
Việc thu phí tại các trạm BOT tại một số địa phương: Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Thuận tiếp tục gặp phải sự phản đối của các tài xế và buộc phải xả trạm.
 
Cụ thể, tại trạm BOT Sóc Trăng Trăng (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), mặc dù từ 0 giờ ngày 12/1, chủ đầu tư Dự án BOT Sóc Trăng đã giảm giá vé theo công văn hỏa tốc của Bộ Giao thông Vận tải nhưng tình hình tại trạm thu phí trên Quốc lộ 1, qua Sóc Trăng vẫn không bớt căng thẳng. Các tài xế vẫn không chấp nhận khung giá mới với nhiều lý do.
 

Tình trạng kẹt xe tại BOT Sóc Trăng sáng 11/1. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Ngày 11/1, Bộ Giao thông Vận tải có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục Đường bộ và chủ đầu tư về việc chính thức đồng ý phương án giảm giá vé qua trạm BOT Sóc Trăng. Theo đó, miễn 100% phí đối với các loại xe buýt. Các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh: giảm 50%, trường hợp đặc biệt giảm 100% trên cơ sở xem xét nếu đảm bảo khả thi về phương án tài chính. Các loại phương tiện khác giảm 20%.
 
Dự án BOT Sóc Trăng dài 16,22 km, tổng vốn đầu tư 1.419,2 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm 9 tháng. BOT Sóc Trăng đi vào thu phí chính thức từ ngày 1/6/2017, sau hơn 6 tháng hoạt động, từ ngày 7/1, trạm thu phí này đã bị các tài xế phản ứng. Trong 5 ngày liên tiếp (từ 7/1 đến 11/1), tại trạm BOT Sóc Trăng đã diễn ra tình trạng đóng - xả trạm diễn ra liên tục trong buổi sáng. 
 
Tình trạng trạm BOT bị lái xe phản ứng cũng diễn ra tại trạm thu phí BOT T1 trên Quốc lộ 91 (phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ). Sáng 13/1, nhiều tài xế điều khiển ô tô đã không chịu trả tiền mua vé, tắt máy, rời khỏi phương tiện nhằm phản đối việc thu phí tại đây. Việc này đã khiến giao thông trên Quốc lộ 91 hướng Cần Thơ đi An Giang ùn tắc nhiều km.
 
Cùng với "điểm nóng" ở Cần Thơ và Sóc Trăng, cuối tuần qua, trạm BOT Sông Phan trên Quốc lộ 1A (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cũng bị các tài xế phản ứng quyết liệt. Khoảng 10 giờ ngày 13/1, trạm thu phí này phải xả trạm vì kẹt xe. Trước đó, vào ngày 6/1, trạm thu phí Sông Phan cũng phải xả trạm gần 30 phút do tài xế phản đối, kiên quyết không chịu mua vé qua trạm vì cho rằng đã đóng phí giao thông trên Quốc lộ 1A và yêu cầu phải xả trạm.
 
Đình chỉ 48 bãi giữ xe ở quận 1, TP Hồ Chí Minh
 
Thông tin từ báo chí, sáng 13/1, hầu hết các bãi xe trên vỉa hè các tuyến đường ở trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh đã được dẹp bỏ, trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ sau chỉ đạo của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1.
 
 
Xe ô tô đỗ lấn chiếm vỉa hè trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (chụp ngày 9/1, trước khi ông Đoàn Ngọc Hải yêu cầu giải tỏa trắng các bãi giữ xe không phép). Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
 
 
Trước đó, chiều 11/1 ông Đoàn Ngọc Hải đã ký văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND 10 phường trên địa bàn thực hiện việc giải tỏa trắng các bãi giữ xe không phép chiếm vỉa hè và đình chỉ các bãi giữ xe thuộc các phòng, ban, đơn vị của quận 1 nằm trên vỉa hè.
 
Trước đó, như báo Tin tức đã đưa, vào ngày 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải đã bất ngờ gửi đơn xin từ chức với lý do không thực hiện được lời hứa lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ. Ngày 20/2/2017, ông Hải cũng đã tuyên bố nếu không lấy lại được vỉa hè trung tâm quận 1 cho người đi bộ, ông sẽ "cởi áo về vườn", chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng.
 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết