Giảm nghèo bền vững – thành tựu và thách thức

15:56 15-02-2018 | :2573

Laocaitv.vn - Đề án số 09 về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, 1 trong 19 Đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XV đang được các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương quan tâm triển khai. Sau 2 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì mục tiêu giảm nghèo bền vững của Lào cai cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

 

Cây chè luôn là thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Mường Khương

Vùng đất Bản Lầu – huyện Mường Khương vốn là khu vực có nhiều lợi thế về canh tác cây công nghiệp ngắn ngày, điển hình như cây chè. Những năm trước đây, gia đình ông Nông Văn Bình ở thôn Na Pao vẫn giữ thói quen canh tác một số cây trồng truyền thống như: Sắn, ngô địa phương, hiệu quả kinh tế rất thấp. Từ khi chuyển sang trồng ngô cao sản, đăc biệt là mở rộng diện tích cây chè, gia đình ông Bình đã có nguồn thu tăng đáng kể, đến nay, không những thoát nghèo mà còn có điều kiện vươn lên làm giàu. Theo ông Nông Văn Bình thì từ cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho hộ nghèo được triển khai đồng bộ, đã tạo cho gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác trong thôn thay đổi cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo một cách bền vững.

Triển khai Đề án 09 về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 -2020, tỉnh đặt mục tiêu tổng quát là: Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hoá việc làm, tăng thu nhập… Mục tiêu cụ thể Đề án đặt ra đó là: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh mỗi năm từ 4 đến 5%; tỷ lệ tái nghèo bình quân dưới 1%; phấn đấu giảm trên 2 nghìn hộ cận nghèo/năm. Để cụ thể hoá các mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Đề án, tỉnh đã chỉ đạo, khởi động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chú trọng đổi mới phương thức và cách làm trong hỗ trợ người dân xoá đói giảm nghèo. Bảo đảm việc làm, tạo thu nhập của người nghèo, hộ nghèo bằng những giải pháp cụ thể như: Đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, thu hút, tạo việc làm tăng thêm cho người lao động; tập trung đào tạo nghề; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất. Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo triển khai hỗ trợ người nghèo thiếu hụt 5 nhu cầu xã hội cơ bản theo tiêu chí nghèo đa chiều, gồm: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin. Những nội dung hỗ trợ này đều có lộ trình, chỉ tiêu cụ thể trong tổ chức thực hiện ở từng quý, từng năm...

Mô hình nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế ở thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa

Trên thực tế, chủ trương giảm nghèo trong 2 năm đầu thực hiện Đề án đã gặp không ít những tác động bất lợi. Nổi lên là tình hình kinh tế khó khăn, vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, trực tiếp là cho các chương trình, đề án giảm nghèo sụt giảm, hoặc chậm tiến độ. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh cũng chịu những thiệt hại đáng kể do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ, mục tiêu giảm nghèo đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Hết năm 2017, toàn tỉnh còn trên 36 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 22%. Như vậy, trong 2 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của tỉnh là gần 6%, vượt mục tiêu Đề án. Đặc biệt, kết quả chủ yếu về 4/5 tiêu chí nhu cầu xã hội theo chuẩn nghèo đa chiều (gồm: Giáo dục đào tạo; y tế; nước sạch vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin), đây đều là những tiêu chí rất khó khăn ở cơ sở nhưng đến nay cơ bản đảm bảo kế hoạch.

Đối với các địa phương, khi đã có chủ trương thì vấn đề quan trọng là trong tổ chức triển khai phải gắn với điều kiện thực tiễn, đặc thù vùng miền, từ đó, xác định trúng, đúng những nội dung đột phá trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tại huyện Mường Khương, 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh, cách thức triển khai cũng được tính toán khá bài bản. Cụ thể, huyện chú trọng điều tra kinh tế hộ, xác định rõ nguyên nhân đói nghèo, đặc thù kinh tế xã hội, tiềm năng thế mạnh của từng vùng miền để có kế hoạch triển khai phù hợp. Đối với nguồn lực, huyện chỉ đạo triển khai có hiệu quả, tranh thủ tốt các chương trình, đề án đầu tư của Trung ương, của tỉnh dành cho huyện nghèo. Sau 2 năm thực hiện Đề án, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao do đặc thù, nhưng Mường Khương cũng đã dành được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh cũng cho thấy nhiều khó khăn thách thức. Câu chuyện giảm nghèo ở xã Bản Khoang – huyện Sa Pa là một ví dụ. Với tổng số 513 hộ, trên 2 nghìn 700 nhân khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 100%; tổng diện tích tự nhiên khá lớn, trên 5 nghìn 650ha, nhưng Bản Khoang chỉ có 360ha đất nông nghiệp. Đặc biệt, với một địa bàn mà địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, giao thông đi lại khó khăn, diễn biến thời tiết khá khắc nghiệt.... tất cả đều là nguyên nhân không những khiến cho tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này còn rất cao mà mục tiêu giảm nghèo cũng hết sức gian nan. Hiện tổng số hộ nghèo của xã chiếm trên 58%, hộ cận nghèo trên 21%. Như vậy, mục tiêu xóa nghèo ở Bản Khoang đang đặt ra nhiều thách thức đối với cấp ủy, chính quyền sở tại.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lào Cai, kết quả giảm nghèo trong 2 năm 2016 - 2017 theo tinh thần Đền án số 09 tuy cao, bình quân gần 6%/năm, nhưng điều đáng quan tâm là thiếu tính bền vững do các hộ nghèo chủ yếu là thuần nông, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Trong khi thiên tai khó lường khiến cho ranh giới nghèo và thoát nghèo trở nên rất mong manh. Đặc biệt, nhiều khó khăn, trở ngại hội tụ từ chính nhận thức của người nghèo, đa phần bà con còn rất lung túng trong việc tự lựa chọn sinh kế để thoát nghèo; còn nhiều cơ chế chính sách mang tính hỗ trợ trực tiếp dẫn đến người nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Hiện tại, toàn tỉnh vẫn có tới 4 huyện gồm: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai và Sa Pa có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%. Đặc biệt là toàn tỉnh vẫn còn tới 54 xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%.

Năm 2018, năm thứ 3 thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, trong 19 Đề án trọng tâm của BCH Đảng bộ tỉnh cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội thì quan điểm nhất quán của tỉnh là tập trung cho cơ sở. Trong đó, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt mà các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể phải tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong khi cơ chế chính sách của Đảng, Chính phủ cũng như của tỉnh là khá rõ ràng, vấn đề quan trọng chính là công tác tuyên truyền vận động để người nghèo nỗ lực vươn lên, khi đó mục tiêu giảm nghèo mới thực sự bền vững./.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết