Hiệu quả thiết thực của mô hình Cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

09:43 28-05-2018 | :791

Laocaitv.vn - Để chăn nuôi đảm bảo phát triển bền vững, một trong những mục tiêu mà ngành Nông nghiệp Lào Cai đang hướng đến là xây dựng được những địa phương, những cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giúp các hộ chăn nuôi tránh được nhiều rủi ro, thiệt hại, tạo sản phẩm an toàn cho thị trường. Để đạt được mục tiêu này, từ năm 2012, ngành Thú y tỉnh Lào Cai đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh" . Qua gần 06 năm triển khai thực hiện, dự án đã thu được kết quả khả quan.

Với mức tăng trưởng luôn đạt trên 10%, hiện tỷ trọng chăn nuôi của tỉnh Lào Cai chiếm gần 41% cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, gà của tỉnh đến vẫn chưa thực sự phát triển bền vững. Trong đó yếu tố về dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng đàn và gây tổn thất kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Dù không bùng phát thành các đợt dịch lớn, nhưng lẻ tẻ các đợt dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn, dịch cúm gia cầm trên đàn gà, dịch lở mồm long móng trên đàn trâu bò… cũng làm thiệt hại rất nhiều. Để triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Lào Cai đến năm 2020” do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, từ năm 2012, ngành Nông nghiệp Lào Cai đã triển khai Dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh" tại một số địa phương có ngành chăn nuôi phát triển, nhằm xây dựng được những vùng, những cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh… tạo ra những vùng sản xuất chăn nuôi an toàn, bền vững, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi cho người dân.

tỷ trọng chăn nuôi của tỉnh Lào Cai chiếm gần 41% cơ cấu ngành Nông nghiệp

Trọng tâm của Dự án là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; củng cố, xây dựng mạng lưới thú y viên cơ sở và hỗ trợ trang thiết bị thú y cho các xã trong vùng dự án; thực hiện tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc; xây dựng và tổ chức thực hiện quy định về chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng điểm giết mổ, cơ sở giết mổ gia súc tập trung và đăng ký công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh... Qua gần 06 năm thực hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại 15 xã của 06 huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương và Văn Bàn. Đến nay, đã có 5 xã xây dựng thành công Mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, gồm Phong Niên (Bảo Thắng); Cam Cọn (Bảo Yên), Bảo Nhai (huyện Bắc Hà), Khánh Yên Trung (huyện Văn Bàn) và xã Mường Vi (huyện Bát Xát). 

Trang trại nuôi lợn rừng hữu cơ của anh Nguyễn Đức Huy, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai 

Tham gia dự án xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, người chăn nuôi thực hiện áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào trong chăn nuôi, tạo môi trường chăn nuôi khép kín, đảm bảo không cho dịch bệnh phát sinh và lây lan, giải quyết được bài toán về vệ sinh môi trường. Thực hiện nghiêm túc quy trình, sẽ giúp kiểm soát được dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả nhất, giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh, từ đó tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Đầu ra của sản phẩm luôn luôn được đảm bảo nhờ thương hiệu “sạch bệnh, an toàn”. Ông Phạm Minh Phương, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Đây là mô hình phòng, chống dịch bệnh động vật tiên tiến và hiệu quả, tránh được nhiều rủi ro, thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Lợi ích khi xây dựng Cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rõ rệt. Ông Lương Bá Hoành, ở thôn 1, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng cho biết, cuối năm 2011, khi dịch Lợn tai xanh xuất hiện, toàn bộ đàn lợn mấy trăm con, trong đó có hơn 100 con lợn nái của trang trại  gia đình ông bị tiêu hủy. Tuy nhà nước hỗ trợ một phần nhưng tính ra, nhà ông mất tới cả tỷ đồng, vì gây dựng đàn lợn nái tốn rất nhiều công sức. Sau dịch bệnh, được hướng dẫn của cán bộ thú y, ông tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, bắt tay vào gây dựng từ đầu. Năm 2014, ông là người đầu tiên ở thị trấn Phong Hải đăng ký thực hiện cơ sở an toàn dịch bệnh. Hiện trang trại của ông đang có 100 con lợn nái và thường xuyên có từ 200 con lợn thịt trở lên.

Từ những thành công bước đầu, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lào Cai đang mở rộng các Cơ sở an toàn dịch bệnh, tiến đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn toàn tỉnh, tạo sự phát triển bền vững cho lĩnh vực chăn nuôi.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết