Hiệu quả từ những mô hình giáo dục thực tiễn ở Văn Bàn

15:32 27-09-2017 | :639

Những năm qua, Lào Cai luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào đổi mới công tác giáo dục theo mô hình trường học mới VNEN. Ngoài đổi mới phương pháp dạy và học, các nhà trường còn tích cực xây dựng các mô hình trường học gắn với thực tiễn, đã tạo nên những sự thay đổi quan trọng ở các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù không có không gian rộng, nhưng trường THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn đã có nhiều cách làm sáng tạo để thực hiện mô hình trường học nông trại- gắn với sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những khoảng vườn đất nhỏ sau trường, được thầy, cô và các em học sinh nhà trường trồng các loại rau để phục vụ bếp ăn bán trú, nhà trường còn tận dụng không gian trên sân thượng của các dãy nhà để kết hợp nuôi gà và chim bồ câu; đòng thời truiwngf còn thuê đất phụ cận để đào ao thả cá, nuôi vịt. Tất cả được kết hợp và tính toán kỹ lưỡng, thành một chu trình chăn nuôi kép kín khoa học. Mô hình này đã giúp các em học sinh gắn lý thuyết môn học với thực tế, tích hợp kiến thức các bộ môn để ứng dụng vào thực tế đời sống nông nghiệp. Sản phẩm các em làm ra sẽ cải thiện cho bữa ăn hằng ngày của chính các em.

Thầy giáo Vũ Văn Lượng – Phó hiệu trưởng trường THCS Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn cho biết: “Mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh đã tạo ra môi trường học tập thân thiện, giúp các em hiểu giá trị của lao động, chia sẻ với những khó nhọc của bà con nông dân, tạo được không khí học tập thoải mái, phát huy được tính sáng tạo, tích cực của học sinh, gắn những lý thuyết đã học với thực tiễn lao động, sản xuất. Giúp học sinh phát triển toàn diện, nâng cao kiến thức kỹ năng sống, bổ sung về kiến thức thực tế, vốn sống. Một phần kinh phí từ hoạt động của mô hình sẽ quay vòng lại để sản xuất và hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục cho học sinh, động viên thăm hỏi các em có hoàn cảnh khó khăn, động viên khen thưởng các em có thành tích trong học tập.

Để việc triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn đạt hiệu quả cao, điều cần nhất, đó chính là sự chủ động, vận dụng sáng tạo với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương. Trường tiểu học số 1 Khánh Yên Thượng nằm bên dưới khu di tích du kích Pú Gia Lan, nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng, đây chính là lý do để nhà xây dựng cho mình mô hình trường học gắn với lịch sử. Với các mô hình, sa bàn thu nhỏ được xây dựng ngay sau khuôn viên nhà trường, sẽ giúp các em có cái nhìn trực quan hơn, sống động hơn về những sự kiện lịch sử của đất nước, dân tộc. Để xây dựng thành công mô hình, ban giám hiệu nhà trường, các thầy, cô giáo đã cùng phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã, từ các nguồn quỹ xã hội hóa đã thiết kế và xây dựng những mô hình lịch sử thu nhỏ trong khuôn viên nhà trường. Những tiết học lịch sử, giờ đây sẽ không bị bó buộc bên trong 4 bức tường, các em học sinh cũng thích thú hơn khi được học lịch sử qua những tiết học ngoại khóa như thế này.

Có thể thấy, áp dụng những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường vào thực tiễn cuộc sống có vai trò quan trọng trong phát triển khả năng nhận thức và nhân cách học sinh. Quan trọng hơn, các em có sự quan tâm đến những vấn đề, sự kiện diễn ra trong thực tiễn xã hội, giúp các em có vốn sống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là phương pháp giáo dục tốt để các em từng bước hình thành và phát triển nhân cách bền vững sau này.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết