Laocaitv.vn - Bệnh đái tháo đường hiện đang là thách thức lớn trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Số người mắc đái tháo đường tăng nhanh, chi phí điều trị lớn, kéo dài, trở thành gánh nặng y tế đối với nhiều quốc gia. Nhằm nâng cao công tác chẩn đoán và điều trị căn bệnh này, chiều ngày 11/6, Sở Y tế Lào Cai đã tổ chức hội nghị khoa học về kiểm soát, điều trị bệnh đái tháo đường cho đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Hội nghị có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên Bộ môn Nội tiết, Đại học Y Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị.
Đái tháo đường có thể coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20 đến 40 lần so với các bệnh lây nhiễm. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, cụt chi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Tại Việt Nam, theo báo cáo điều tra kết quả các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm năm 2015, tỷ lệ có rối loạn đường huyết lúc đói là 3,6% và tỷ lệ đái tháo đường là 4,1%. Tuy nhiên, con số đáng lo ngại là tỷ lệ người được phát hiện, quản lý điều trị đái tháo đường hiện còn rất thấp. Trong số người đái tháo đường, chỉ có 31,1% từng được chẩn đoán bởi bác sỹ trước đó, (như vậy còn gần 69% chưa được phát hiện).
Đối với tỉnh Lào Cai, sự phát triển về kinh tế - xã hội, thu nhập, mức sống cũng đang dẫn đến sự thay đổi nhanh về thói quen ăn uống, lao động và sinh hoạt của người dân theo hướng có hại cho sức khỏe. Đặc điểm này lại kết hợp với yếu tố chủng tộc, là nguyên nhân gây gia tăng nhanh số người bị mắc đái tháo đường. Cụ thể, năm 2008, tỉnh Lào Cai có trên 8.000 người mắc, chiếm 1,37% dân số, đến năm 2014, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh đã có trên 12.000 người mắc, chiếm 1,83% dân số. Trong khi đó, việc điều trị đái tháo đường trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa còn thiếu, người bệnh thường được phát hiện muộn, khi đã có nhiều biến chứng, dẫn đến chi phí điều trị tốn kém.
PGS, TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường.
Chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường, tại hội nghị khoa học này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện Bạch Mai đã làm rõ những nội dung liên quan đến kiểm soát, đặc biệt là các phác đồ, sự lựa chọn thuốc trong điều trị đái tháo đường hiện nay, như: Tổng quan về insulin; phân biệt tác dụng, các phác đồ điều trị của từng loại insulin; vai trò của insulin trong điều trị đái tháo đường; lựa chọn các phác đồ insulin trên thực hành lâm sàng. Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được tìm hiểu về thực trạng đái tháo đường thai kỳ tại tỉnh Lào Cai và đề xuất các giải pháp. Trong đó, một số khuyến nghị đáng lưu ý đối với đái tháo đường thai kỳ thuộc diện có nguy cơ cao. Giải pháp được khuyến nghị là tăng cường hỗ trợ của chính quyền về cơ chế chính sách; đẩy mạnh truyền thông và vận động xã hội trong phòng chống đái tháo đường; tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế; nâng cao năng lực phòng chống đái tháo đường thông qua đội ngũ cán bộ y tế.
Hội nghị khoa học về kiểm soát, điều trị đái tháo đường trên địa bàn tỉnh Lào Cai là hoạt động y khoa bổ ích và hết sức thiết thực, qua đó, giúp cho các đơn vị y tế, đội ngũ y, bác sỹ nội tiết nắm bắt được những diễn biến của bệnh, đặc biệt là các phương pháp tiếp cận, điều trị bệnh, sử dụng thuốc đúng cách nhằm phát huy tác dụng cao nhất trong kiểm soát, điều trị bệnh đái tháo đường, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Tiến Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết