Laocaitv.vn - Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại biểu một số bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và đại biểu tại các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Nguyễn Hữu Thể - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố tham dự hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Sau khi Nghị quyết tam nông được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, 9 Đề án quy hoạch và 36 Đề án chuyên ngành. Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc đạt nhiều kết quả mang tính đột phá, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông chính là “Hội nghị Diên Hồng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nền nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về quy mô và trình độ sản xuất. Giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 3,9% năm; tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển biến tích cực. Số hộ nông thôn tham gia các hoạt động công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm hơn 40%. Xây dựng NTM trở thành phong trào sâu rộng, kết cấu hạ tầng được nâng cấp theo hướng hiện đại. Sau 7 năm thực hiện chương trình, tính đến tháng 6 năm 2018, cả nước có 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 35%. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn từ 9,15 triệu đồng năm 2008 đã tăng lên 32 triệu đồng năm 2017, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.
Đối với tỉnh Lào Cai, trong một thập niên vừa qua luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của địa phương. Sau 10 năm, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt mức cao so với bình quân chung của cả nước, trên 6%/năm. So với năm 2008, các chỉ tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp đều vượt gấp nhiều lần. Giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị ha canh tác năm 2017 đạt trên 62 triệu đồng, tăng gấp 3,47 lần. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và hiện đại hóa đô thị tạo thành phong trào lớn, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Tới thời điểm này, Lào Cai đã có 36/143 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và được Trung ương đánh giá là địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc thực hiện chương trình lớn của quốc gia.
Tại hội nghị, ý kiến phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, đại biểu tham dự, các điểm cầu trên địa bàn cả nước đều khẳng định: Đây là Nghị quyết đúng đắn, hết sức quan trọng, phạm vi tác động rộng lớn bởi nó liên quan đến gần 70% dân số và khoảng 43% lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, những tồn tại sau 10 năm thực hiện Nghị quyết rất cần được quan tâm, đó là: phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thiếu ổn định, chưa đồng đều; hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân nhìn chung vẫn thấp; khả năng thích ứng biến đổi khí hậu thấp, ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn có xu hướng gia tăng… Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị: mấu chốt là phải ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; khơi gợi tinh thần tự lực của nông dân; đồng thời có giải pháp đồng bộ về nước sạch và môi trường, chính sách tín dụng đặc thù khuyến khích phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức, quan điểm lãnh đạo của Đảng ta. Khẳng định tính đúng đắn, tính khoa học bởi Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, củng cố niềm tin vào vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng. Thủ tướng cũng đề cập hàng loạt những khó khăn, thách thức, vấn đề đặt ra trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh: mục tiêu là phải xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sạch, có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; kinh tế nông thôn phát triển đa dạng; nông thôn phồn thịnh và văn minh; cải thiện nhanh đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu cần khắc phục tư tưởng lạc hậu, sản xuất manh mún, tư duy chậm đổi mới trong một bộ phận nông dân; từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương phải có tầm nhìn cho nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập; chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp đồng thời với phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; quan tâm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền sản xuất quy mô lớn,chuyên nghiệp, hiện đại. Tiếp tục đổi mới tư duy trong lãnh đạo, nhận diện rõ thời cơ, thách thức để nâng cao vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ngọc Hà – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết