Họp UBTV Quốc hội: Điều chỉnh tăng lương cần tính toán kỹ

15:27 16-10-2018 | :640

Laocaitv.vn - Tiếp tục Phiên họp thứ 28, sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo về ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội dự Phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

 

Siết chặt kỷ cương trong thu và chi tiêu ngân sách

Thẩm tra về sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016 - 2020), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tổng thu ngân sách Nhà ước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán (2017 và 2018) đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách Trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, cần phân tích, đánh giá nguyên nhân số thu nội địa tăng chậm, hụt dự toán trong những năm gần đây để có các giải pháp khắc phục hợp lý; đồng thời để xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước các năm sau khả thi hơn.

Về chi ngân sách Nhà nước 3 năm 2016-2018 ước đạt 54,39% kế hoạch 5 năm; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25-26%; tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải chỉ rõ: Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây nói chung, năm 2017 nói riêng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí (chưa giao đầu năm) hoặc chưa phân bổ. Việc triển khai thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm.

Đáng chú ý, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/ năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lương trong các năm gần đây chưa có lộ trình cụ thể, đã tạo áp lực lớn cho cân đối ngân sách Nhà nước, việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập. Vì thế, Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối ngân sách Nhà nước bền vững và chắc chắn.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày các báo cáo thẩm tra (tóm tắt) báo cáo về nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2017; ngân sách Nhà nước; kế hoạch tài chính quốc gia . Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

 

Đối với vấn đề quản lý và sử dụng vốn vay ODA, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, còn một số hạn chế như: Việc đàm phán, ký kết trong một số trường hợp chưa gắn chặt chẽ với khả năng trả nợ; việc huy động nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có khả năng vượt mức trần theo Kế hoạch Đầu tư công trung hạn… Thực trạng này đòi hỏi việc sử dụng vốn ODA phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa, nghiêm túc tuân thủ các quy định tại các nghị quyết và các văn bản pháp luật liên quan. 

Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương về quản lý thu ngân sách Nhà nước, nhất là ở cơ sở đối với khoản thu ngân sách Nhà nước từ thuế, phí, tiền sử dụng đất và từ quản lý tài sản công; thực hiện rà soát, có cơ chế quản lý chặt chẽ về ưu đãi đầu tư, chống chuyển giá ngay trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; sớm có giải pháp phù hợp và chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc quản lý thu nhập của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, tăng cường kỷ cương trong quản lý chi tiêu ngân sách Nhà nước; nghiên cứu bổ sung các chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ theo quy trình lập, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, sau 3 năm, thu ngân sách Nhà nước mới đạt khoảng 54% kế hoạch 5 năm, trong đó phần thu trung ương khả năng sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, không bảo đảm nguồn chi thường xuyên của trung ương. “Cần đánh giá liệu không hoàn thành thu ở trung ương có giảm chi thường xuyên ở trung ương không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi chính sách thu vừa qua chưa thật sự kịp thời, tỷ lệ huy động thuế và phí giảm dần... Trong khi đó, cơ cấu chi đầu tư công có nhiều tiến bộ nhưng có mặt chưa hợp lý, phân bổ vốn còn dàn trải, dải ngân chậm, sự điều hòa giữa các nguồn vốn còn có sự lúng túng như vốn ODA, trái phiếu Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý chặt chẽ bội chi và nợ công, tránh tình trạng bội chi của ngân sách địa phương làm thay đổi trần nợ công và kế hoạch đặt ra cho 2 năm cuối 2019 – 2020.

Đấu thầu công khai giao đất

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản thống nhất báo cáo của Chính phủ; nhấn mạnh trần nợ công và bội chi cương quyết giữ như định hướng. Trong dự phòng của Trung ương về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên và giao Chính phủ điều hành. Nhấn mạnh công trình phải thực sự cấp bách, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lưu ý các công trình giao thông ở khu vực miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, những khoản chi cho lĩnh vực quốc phòng – an ninh cũng nên ưu tiên.

Về khoản chi kiên cố hoá trường lớp học, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: Khoản chi này lẽ ra phải hoàn thành vào năm 2015, tuy nhiên đây là lĩnh vực giáo dục vùng sâu, vùng xa nên đề nghị cho kéo dài đến hết năm 2019 và các địa phương có trách nhiệm triển khai.

Liên quan đến ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ năm 2019 phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất thu tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại, bao gồm cả đất do doanh nghiệp nhà nước thuê hay có sở hữu tài sản trên đất, trừ trường hợp nhỏ, lẻ hay giao đất thực hiện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng dự án, công trình quan trọng.

Nếu cần thiết để tạo điều kiện đấu giá, ngân sách Nhà nước ứng vốn giải phóng mặt bằng theo tiến độ đền bù cho người dân, sau khi đấu giá xong thì hoàn trả ngân sách Nhà nước. “Nhà nước thất thoát nhiều trong vấn đề đất đai, không hẳn do tham nhũng mà do cơ chế quản lý. Làm được điều này sẽ quản lý tài nguyên quốc gia. Cái gì liên quan đất đai Nhà nước là phải đấu giá công khai”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tại phiên họp sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng biểu quyết thông qua việc thành lập thị trấn Tân Khai thuộc huyện Hớn Quản; thành lập phường Tiến Thành thuộc thị xã Đồng Xoài và thành phố Đồng Xoài thuộc tỉnh Bình Phước.

Theo Baotintuc.vn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết