Khám phá sắc màu Tết âm lịch trên thế giới

12:53 16-02-2018 | :1044

Laocaitv.vn - Hàng năm, có tới 1/6 dân số thế giới cùng tổ chức Tết âm lịch - sự kiện truyền thống đặc biệt để tôn vinh tình thân gia đình, tưởng nhớ tổ tiên, chào đón năm mới...

 
Nghi lễ thờ cúng tổ tiên (trái) và tặng tiền mừng cho trẻ em trong dịp Seollal tại Hàn Quốc.
 
Ở Việt Nam, lễ mừng năm mới tính theo lịch âm được gọi là Tết Nguyên Đán, trong khi tại Hàn Quốc dịp này lại mang tên Seollal. Trung Quốc gọi đó là Xuân Tiết (Cun Jie), trong khi người Mông Cổ đặt tên cho Tết âm lịch là Tsagaan Sar. Mặc dù có cái tên khác nhau nhưng sự kiện này đều được tổ chức cùng ngày ở các quốc gia, dựa trên lịch âm tính theo chu kỳ của tuần trăng. Tết Nguyên đán không chỉ đánh dấu khởi đầu một năm mới theo lịch âm mà còn là sự chuyển giao từ đông sang xuân khi người nông dân bắt đầu mùa vụ trồng trọt mới. 

Vào dịp này, một “mẫu số chung” giữa các quốc gia cùng tổ chức là mọi người mua sắm, sửa soạn cho Tết âm lịch từ trước đó vài ngày, những người con xa quê sẽ sắp xếp để đoàn tụ với gia đình. Vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm theo âm lịch, mọi người sum họp bên gia đình, chế biến và thưởng thức các món ăn truyền thống mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, tham gia lễ hội... Đỏ thường là màu trang trí được ưu ái trong dịp này bởi tượng trưng cho may mắn trong văn hóa châu Á. Múa lân cũng khá phổ biến tại nhiều quốc gia. 

Tết âm lịch được lưu truyền ở Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và nay còn xuất hiện tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia... do cộng đồng người gốc châu Á ở các quốc gia này tổ chức. Theo NBC News, trên thực tế, Tết âm lịch được cộng đồng người gốc châu Á tổ chức tại Mỹ trong hơn 150 năm qua, và thậm chí tại thành phố San Francisco và New York đây còn là ngày nghỉ lễ của các trường học. 

Nguồn gốc Tết âm lịch 

Lịch âm được cho đã ra đời từ thế kỷ 14 trước Công nguyên dưới thời cai trị của triều đại nhà Thương ở Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng Tết âm lịch bắt nguồn từ cuộc đối đầu giữa con người với quái vật có tên gọi Nian, thường xuất hiện vào ngày đầu năm và ăn thịt trẻ em, vật nuôi. Để tự bảo vệ mình khỏi Nian, dân làng quyết định đặt thức ăn trước cửa nhà, tin rằng sinh vật này sẽ chén những món đó và bỏ qua mọi thứ khác. Ngoài ra còn có niềm tin rằng Nian sợ màu đỏ và pháo hoa do vậy người dân sẽ treo đèn lồng trước nhà và đốt pháo. 

Theo kênh CNN (Mỹ), truyền thuyết tại Trung Quốc kể rằng Ngọc Hoàng yêu cầu muôn loài dưới hạ giới đến gặp ông trong ngày đầu năm mới và sẽ đặt tên các năm dựa trên 12 con vật xuất hiện đầu tiên. Cuối cùng, mỗi năm trong lịch hoàng đạo lại được tượng trưng bởi một trong 12 con giáp là chuột, trâu, hổ, thỏ (tại Việt Nam là mèo), rồng, rắn, ngựa, cừu (ở Việt Nam là dê), khỉ, gà, chó và lợn. 

Cũng theo quan niệm xa xưa, con người sinh ra trong năm của con giáp nào sẽ thường mang đặc điểm loài vật đó.  Năm 2018 âm lịch kéo dài từ 16/2 đến hết ngày 4/2/2019 (Dương lịch) và loài chó là con giáp tượng trưng. Đây được coi là năm nhiều may mắn với Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi ông cũng sinh ra vào năm Tuất. Ông chủ Nhà Trắng thứ 45 Donald Trump sinh năm 1946, cùng con giáp với các cựu Tổng thống Mỹ là George W. Bush và Bill Clinton. Những người sinh năm Tuất được đánh giá thường mang đặc điểm nghiêm túc, cởi mở và có trách nhiệm với công việc. 
 
 
Một gia đình Trung Quốc cùng làm há cảo chuẩn bị cho năm mới.
 
Phong tục truyền thống và ẩm thực 

Mặc dù có nhiều tương đồng giữa các quốc gia mừng năm mới theo lịch âm nhưng mỗi nơi vẫn mang truyền thống, phong tục đặc trưng.  

Vào đêm giao thừa ở Trung Quốc, các thành viên trong gia đình cùng sum họp thưởng thức bữa tối đoàn viên và tặng quà cho nhau. Một truyền thống tại Trung Quốc là người lớn tuổi sẽ tặng trẻ em Hong Bao (phong bì đỏ) với tiền lì xì để chúc may mắn.  

Người Hàn Quốc có cũng có truyền thống tặng tiền mừng cho trẻ em nhưng thay vì phong bì đỏ, họ lại sử dụng bao nhỏ bằng lụa. Trong lễ Seollal, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống hanbok và quỳ lạy thể hiện lòng tôn kính với người cao tuổi, đến thăm người thân, bạn bè, chơi trò chơi truyền thống... Buổi sáng của ngày đầu tiên trong lễ Seollal, các gia đình thường tiến hành nghi lễ thờ cúng tưởng nhớ tổ tiên. 

Tsagaan Sar tại Mông Cổ có lúc được tổ chức cùng ngày với Tết âm lịch của Trung Quốc nhưng đôi khi lại diễn ra muộn hơn một tháng. Người Mông Cổ nấu nướng chuẩn bị cho Tsagaan Sar từ trước đó nhiều tuần với món đặc biệt như buuz - bánh bao hấp nhân hành và thịt bò, món từ thịt cừu có tên uuts và bánh quy boov. Trong tối năm mới, mọi người dọn dẹp nhà cửa, đốt nến tượng trưng cho sự khai sáng và đặt 3 mẩu băng đá trước cửa dành cho vị thần Baldanlham - người theo truyền thuyết sẽ đến thăm mỗi ngôi nhà 3 lần. Trong ngày đầu năm mới, người dân Mông Cổ thường mặc trang phục truyền thống deel và đến thăm người lớn tuổi để tỏ lòng thành kính. Có rất nhiều món ăn đặc trưng của Tết âm lịch dựa trên văn hóa, phong tục từng khu vực. 

Đối với người Trung Quốc, món cá nguyên con đại diện cho năm mới no đủ hoặc há cảo cũng rất phổ biến bởi món ăn này có hình dạng từa tựa các thỏi tiền bạc cổ. Trong khi đó, món ăn phổ biến của mọi nhà trong Tết Nguyên Đán của Việt Nam là chiếc bánh chưng xanh vuông vức được làm từ gạo nếp với nhân đậu xanh và thịt lợn bọc trong lá dong. 

Ở Hàn Quốc, canh bánh gạo tteokguk là món ăn không thể thiếu trong lễ Seollal.  Tại Trung Quốc, một trong những hành động kiêng kỵ trong ngày đầu tiên của năm mới theo âm lịch là không quét nhà bởi quan niệm cho rằng điều này đồng nghĩa với việc hất của cải ra ngoài dẫn đến khánh kiệt cả năm.
 
Người Trung Quốc cũng không tặng đồng hồ, kéo và quả lê trong năm mới. Vào ngày đầu năm, mọi người thường tránh cho vay tiền, đồng thời những người nợ tiền thường trả trước cuối năm...  

Sự kiện cuối cùng kết thúc cho Tết âm lịch tại Trung Quốc thường là lễ hội đèn lồng. Đó là cuộc diễu hành trên đường phố với các loại đèn lồng rực rỡ sắc màu, hình thù phong phú.  
 
Người châu Á ở New York (Mỹ) tham gia sự kiện mừng Tết âm lịch.

 
Ngoại lệ Nhật Bản 

Trong khi các nước châu Á đều có Tết âm lịch thì Nhật Bản lại không. Nhật Bản từng có truyền thống tổ chức Tết âm lịch nhưng đến thời đại Minh Trị năm 1873, điều này đã thay đổi. Khi đó, Nhật Bản chuyển đổi sử dụng từ lịch âm sang lịch phương Tây. Từ thời điểm đó, Nhật Bản chuyển các ngày lễ truyền thống theo âm lịch sang ngày tương ứng của lịch phương Tây mà không cần chú trọng tới chu kỳ sản xuất nông nghiệp dựa theo Mặt trăng. 

Vì vậy năm mới của Nhật Bản được tổ chức vào ngày 1/1. Tuy nhiên, năm mới tính theo âm lịch vẫn được tổ chức tại tỉnh Okinawa ở miền Nam Nhật Bản. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, một trong những nghi thức quan trọng nhất tại Nhật Bản là Joya no Kane - kéo dài trong 1 đến 2 giờ đồng hồ với 108 tiếng chuông ngân vang tại các ngôi chùa trên khắp quốc gia này.  Ngoài ra, trong đêm giao thừa, người Nhật Bản thường ăn món mì soba, truyền thống này đã có từ thời Edo. 

Những sợi mỳ soba dài và mỏng được tượng trưng cho cuộc sống trường thọ và mạnh khỏe. Bên cạnh đó, canh ozoni cùng bánh gạo mochi cũng rất phổ biến trong dịp năm mới ở Nhật Bản. Vào ngày đầu tiên của năm mới, sau bữa sáng với gia đình, người Nhật Bản thường đến các đền chùa để cầu nguyện.
 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết