Khi trộm vào nhà, chủ nhà cần làm gì để không... phạm tội?

08:33 05-12-2017 | :742

Laocaitv.vn - Phát hiện bóng đen trong nhà mình, ông Phương dùng kiếm chém loạn xạ đến khi bóng đen gục xuống. Ông Phương sau đó bị khởi tố hành vi giết người

Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Minh Phương (50 tuổi, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra về hành vi giết người.

Lê Minh Phương (ảnh nhỏ) và hung khí ông này dùng đánh trộm (Ảnh: ANTĐ)

Theo xác minh của Công an quận Bắc Từ Liêm, ông Phương là người đã chém Nguyễn Đăng Tùng (15 tuổi, cùng ở phường Tây Tựu) khi Tùng lẻn vào cửa hàng nhà ông Phương trong đêm. Kết quả giám định thương tích, Tùng bị tổn hại 61% sức khỏe.  

 Điểm đáng chú ý, theo thông tin trên An ninh Thủ đô, căn cứ tỷ lệ thương tổn sức khỏe 61% của Nguyễn Đăng Tùng, VKSND cùng cấp đồng ý với quan điểm của Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm, thay đổi tội danh của Phương từ "Cố ý gây thương tích" sang tội danh "Giết người" theo điều 93 Bộ luật Hình sự.

Phân tích làm rõ hơn tình huống pháp lý này, Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật TNHH Tam Anh) cho rằng, trong trường hợp này nên xem xét Lê Minh Phương theo tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại điều 96 Bộ luật Hình sự 2009 với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (nếu làm rõ được đối tượng Tùng có ý thức chủ quan mong muốn tước đoạt tính mạng của chủ nhà).

"Thực tế, khi phát hiện nhà có người lạ đột nhập trong đêm, ông Phương ngay lập tức không thể ý thức được phản ứng như thế nào là cần thiết, phù hợp trong khi thực tế diễn biến từ tội trộm cắp sang giết người, cướp tài sản rất ngắn, khó lường. Bản chất hành vi của ông Phương trong trường hợp này là để buộc đối tượng Tùng dừng hành vi vi phạm pháp luật và cũng có thể là để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Tuy nhiên, vì khó nhận thức được hành động như thế nào là cần thiết nên ông Phương đã vượt qua giới hạn phòng vệ. Thiết nghĩ việc xử lý ông Phương như trên đã đủ nhắc nhở và răn đe về mặt pháp luật", luật sư Chi phân tích.   

Trước đó, cơ quan có thẩm quyền khởi tố ông Phương với tội danh cố ý gây thương tích với mức thương tật là 61% là tương đương với khoản 5 Luật Hình sự 2015 mức hình phạt là 10-15 năm. Còn theo điều 104 Luật Hình sự 2009 thì mức hình phạt quy định tại khoản 3 từ 5-15 năm. Sau chuyển tội danh sang tội giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự 2009, nhiều khả năng ông Phương sẽ bị xét xử theo khoản 2 mức hình phạt từ 7-15 năm vì người bị hại có hành vi vi phạm pháp luật (việc này cần làm rõ xem đối tượng mà kẻ trộm hướng đến, kế hoạch cụ thể là như thế nào, chuẩn bị ra sao... để xác định hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng trộm)./.

 

Điều luật quy định về cơ sở để người dân tự vệ trong trường hợp cần thiết khi có hành vi bị xâm hại: 

Điều 15 Bộ luật Hình sự 1999 

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 

Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ:

“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.”

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

 An Minh/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết