Laocaitv.vn - Từng được ví như “cây vàng, cây bạc”, thảo quả đã giúp rất nhiều người dân vùng cao của Lào Cai có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỷ mỗi năm, nhiều người đã thoát được cảnh đói nghèo, nhiều xã cũng đã hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nhờ loại cây này. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cây thảo quả sang trồng những loại cây khác có thế mạnh hơn, bởi theo nhiều nhận định, trồng thảo quả “lợi 1 mà hại 10”.
Trước tiên, có thể khẳng định, thảo quả là loại cây có giá trị cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Lào Cai, đây là loài cây lâm sản ngoài gỗ, được trồng chủ yếu dưới tán rừng tự nhiên. Với giá trị về kinh tế cao, lại dễ trồng nên những năm gần đây, thảo quả được nhiều người dân ở Lào Cai đua nhau trồng. Tuy nhiên, thảo quả phát triển đến đâu thì nguy cơ mất rừng đến đó. Do đặc tính tự nhiên của cây thảo quả là cây sống dưới tán rừng, thích hợp với ánh sáng tán xạ nên người trồng thảo quả đã phát dọn những cây nhỏ, cây tái sinh và lớp thảm thực bì, chỉ để những cây to, tán rộng làm tàn che cho cây thảo quả. Ông Ngô Kiên Trung, Phó hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện kiêm Trưởng Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Những người trồng thảo quả phải dọn, phát rừng rất sạch, trong diện tích rừng trồng thảo quả, các cây mọc tự nhiên không có thế hệ tiếp nối, khi những cây to đến lúc già gãy đổ, thì diện tích đó sẽ biến mất. Từ đó, diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng và khả năng phòng hộ của rừng suy giảm theo thời gian, chất lượng rừng ngày càng nghèo đi, nguy cơ mất rừng vì khả năng tái sinh của rừng không còn.
Bà con người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát (Lào Cai) thu hoạch thảo quả. (Ảnh: dantocmiennui.vn)
Hiện Bát Xát có trên 4000 ha trồng thảo quả, đa phần diện tích thảo quả này nằm dưới tán rừng tự nhiên, nên gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các cơ quan chức năng. Phải khẳng định, không loại cây nào dễ trồng như thảo quả, bà con chỉ việc bỏ ít tiền mua giống về trồng, cộng vài ba lần phát quang cây cối xung quanh rồi đợi đến tuổi thu hoạch mà không phải đầu tư bất cứ khoản chi phí nào khác. Năm nay, trước khi vào vụ thu hoạch thảo quả, huyện Bát Xát đã tổ chức các buổi đối thoại với người dân về chủ đề này, đa phần ý kiến trong các cuộc họp đều nhất trí chuyển đổi sang trồng loại cây khác. Nhưng chính vì dễ trồng, lợi nhuận cao nên để thay thế, hoặc tìm một loại cây trồng nào có giá trị ngang bằng với cây thảo quả lại đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền địa phương.
Từng là địa phương có diện tích thảo quả lớn nhất huyện, với gần 700 ha, nhờ thảo quả, mà nhiều gia đình ở Nậm Cang, huyện Sa Pa thoát được đói nghèo, có gia đình còn có thu nhập cả tiền tỷ. Nhờ vậy, mà Nậm Cang từ một xã nghèo, đã trở thành một trong những xã dẫn đầu của cả huyện Sa Pa, đây cũng là địa phương hoàn thành chương trình nông thôn mới đầu tiên của cả tỉnh. Nhờ thảo quả mà Nậm Cang phát triển được như ngày nay, thế nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, sau những đợt mưa tuyết, gần như 100% diện tích thảo quả của Nậm Cang bị thiệt hại hoàn toàn, tiêu chí thu nhập của Nậm Cang lúc này cũng đã không đạt chuẩn. Để giảm sự phụ thuộc vào loại cây này, hiện tại, chính quyền xã Nậm Cang đang tích cực vận động, hướng dẫn người dân nhân rộng những mô hình phát triển chăn nuôi, làm kinh tế trang trại, đưa những cây, con giống mới vào thử nghiệm, như mô hình nuôi cá nước lạnh, bước đầu, đã cho những tín hiệu hết sức khả quan. Những định hướng trên được chính quyền xã Nậm Cang hy vọng sẽ là những giải pháp hữu hiệu, giúp phát triển kinh tế bền vững, tăng thu nhập cho người dân, giảm dần sự phụ thuộc từ những rừng cây thảo quả.
Hiện diện tích thảo quả của cả tỉnh đang vào khoảng 12 nghìn ha và chủ yếu được trồng dưới những tán rừng tự nhiên. Ngày 3/1/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định số 12 Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh thảo quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, đưa ra những quy định chung, chi tiết về quản lý sản xuất giống, quá trình thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế tác động vào rừng, giảm nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng từ trồng cây thảo quả. Chủ trương của tỉnh là không khuyến khích mở rộng diện tích trồng cây thảo quả mà chỉ khuyến khích tăng cường các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tăng năng suất cây thảo quả hiện có. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Bàn cho biết: Chủ trương đưa ra là rất đúng, bởi trồng thảo quả “lợi 1 mà hại 10”. Để chuyển đổi loại cây này thì không phải chuyện “một sớm, một chiểu” bởi đa phần diện tích đất của người dân đã chủ yếu trồng thảo quả. Hiện tại, huyện đang thử nghiệm một số loại cây dược liệu mới như sa nhân, tam thất hoang… tuy nhiên, hiện vẫn chưa có công ty nào đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con, thêm nữa là để trồng các loại dược liệu này cần có những quy trình nhất định, nếu không được hướng dẫn và giúp đỡ về giống cây trồng sẽ rất khó được người dân hưởng ứng.
Trồng thảo quả sẽ không giữ được rừng, đó chính là thực tế mà các cấp chính quyền địa phương đang phải đối mặt, lời giải cho bài toán thảo quả chính là giảm sự phụ thuộc vào loại cây này, tìm được một loại cây trồng phù hợp và có giá trị ngang bằng hoặc cao hơn thảo quả, đây cũng chính là mong muốn của người dân. Công việc này xin dành cho các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách để có thể mang lại giá trị lớn nhất cho người dân, hình thành chuỗi giá trị cho sản phẩm nông sản của Lào Cai .
Thế Long
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết