Laocaitv.vn - Là một trong những phóng viên của Đài PT-TH Lào Cai nhiều lần được tháp tùng đi công tác cơ sở cùng đồng chí Giàng Seo Phử, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, tôi có nhiều kỷ niệm về vị lãnh đạo luôn gần gũi, quan tâm, sâu sát cơ sở, ra chủ trương lãnh đạo trúng, đạt kết quả cao, mang lại sự đổi thay phát triển mạnh mẽ từ đô thị tới nông thôn vùng cao Lào Cai.
Một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất là chuyến đi công tác, thị sát (đi bộ 7 ngày liền) của đồng chí Giàng Seo Phử, khi đó là Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới 5 xã vùng cao biên giới của huyện Bát Xát hồi tháng 5/1998.
Khi đó, tôi là phóng viên trẻ mới vào nghề, không phải là dân vùng cao, chưa một lần đi bộ tới quá cây số. Trước chuyến đi của đồng chí Giàng Seo Phử cũng đã có một vài phóng viên của Đài tháp tùng lãnh đạo tỉnh đi bộ tuyến biên giới Bát Xát, nhưng cũng chỉ là đi một chặng đường ngắn từ Dền Sáng tới Y Tý. Còn chuyến đi này tới toàn bộ các xã vùng cao biên giới Bát Xát, tức là từ phía Tây sang phía Bắc của huyện. Bao nhiêu lo lắng, bao nhiều câu hỏi liệu mình có vượt núi, băng đèo cùng đoàn cán bộ tỉnh hoàn thành nhiệm vụ. Anh em đồng nghiệp động viên: “Không lo, đi với sếp Phử tâm lý lắm, chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.
6h sáng, chiếc xe ô tô U oát của Văn phòng UBND tỉnh khởi hành, đưa đoàn cán bộ của tỉnh tới xã Dền Sáng. Ngồi trong xe, chỉ có tôi là thành viên mới, chưa quen mặt. Đồng chí Phử nhẹ nhàng hỏi:
-Cháu là phóng viên mới à, đã đi bộ vùng cao bao giờ chưa?
- Dạ cháu chưa đi bộ đường dài bao giờ ạ, tôi trả lời.
- Chuyến đi này, xe ô tô chỉ đến được Dền Sáng, còn từ Dền Sáng qua các xã Y Tý, Ngài Thầu, A Lù, A Mú Sung, Nậm Chạc dài tới trên một trăm cây số chưa có đường, phải đi bộ, núi đồi cheo leo vất vả, nhưng bà con dân bản ở đó đi được thì chúng ta là cán bộ cũng phải đi được. Đoàn chúng ta động viên, giúp đỡ nhau để về tới đích nhé, đồng chí Phử phấn chấn nhìn vào tôi nói.
Hành trình đi bộ vượt núi, xuyên rừng còn có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo huyện Bát Xát. Đi được khoảng 20 cây số là tới giữa rừng già Y Tý. Sự thấm mệt biểu hiện trên từng khuôn mặt của các thành viên trong đoàn, duy có đồng chí Phử là chưa biểu hiện gì.
- Tôi đi núi, đi rừng như thế này từ bé nên quen rồi, chưa thấy mệt. Anh em mệt thì thông báo để cả đoàn dừng nghỉ nhé. Đi bộ cả một tuần với chặng đường dài nên không cố một lúc được, phải vừa đi vừa nghỉ mới đảm bảo sức khỏe. Đồng chí Phử tươi cười nói và chỉ tay về hướng những cây cổ thụ trong rừng già giới thiệu tên cây, giới thiệu sự đa dạng sinh học của rừng già Y Tý.
Cứ như thế, hành trình đi bộ với đích đến ngày càng ngắn lại. Tới mỗi xã, trước khi làm việc ở trụ sở UBND nghe lãnh đạo xã báo cáo, đồng chí Giàng Seo Phử xuống tận thôn, vào nhà dân hỏi thăm cuộc sống của bà con, nghe bà con đề đạt ý kiến, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, với tỉnh, với huyện. Do giao thông đi lại khó khăn, nên cuộc sống của bà con vùng cao dường như khép kín, có người chưa một lần chạm chân tới đường nhựa, chưa một lần ngồi xe ô tô khách, nên rất phấn khởi khi được lãnh đạo tỉnh tới thăm, được nghe trực tiếp kế hoạch của tỉnh trong việc mở mới những tuyến đường giao thông.
Đồng chí Giàng Seo Phử (thứ tư từ trái sang phải) trao đổi với người dân xã Ngải Thầu năm 1998
Gần gũi với bà con, lại là người Mông, nói tiếng Mông và thông tỏ văn hóa bản địa, nên trong chuyến bộ hành tại các xã vùng cao biên giới Bát Xát, đồng chí Giàng Seo Phử luôn tạo được niềm tin yêu, quý mến của bà con. Tôi nhớ mãi buổi tối tại xã A Mú Sung. Do đã tiếp xúc ban ngày (khi xuống thôn) hoặc nghe tin có lãnh đạo tỉnh là người Mông về công tác, bà con cơm nước xong bữa tối đã rủ nhau tập trung rất đông tại trụ sở xã để giao lưu với đoàn cán bộ. Lời ca, tiếng hát, điệu múa, lời hàn huyên tâm sự giữa bà con với đồng chí Giàng Seo Phử bằng tiếng Mông cứ thế kéo dài mãi tới đêm khuya. Bà con không chịu ra về nên anh Nguyễn Cao Văn là cán bộ tăng cường xã A Mú Sung phải nói khéo: “Cảm ơn tình cảm của bà con, do lịch công tác của đoàn cán bộ tỉnh sáng mai phải đi sớm, nên mong bà con thông cảm, chúng ta tạm chia tay đêm nay”. Nói như thế, nhưng tới lúc bà con chia tay nhìn vào đồng hồ đã điểm 1 giờ sáng. Ai nấy đều vui, cảm động với tấm chân tình của bà con dân bản dành cho đoàn công tác, đặc biệt dành cho đồng chí Giàng Seo Phử.
Đồng chí Giàng Seo Phử (đứng giữa) thăm nơi ở của người dân xã Ngải Thầu năm 1998
Một tuần đi bộ tới các xã dường như là một tuần cả đoàn cán bộ ăn cơm gạo xay rời rạc, vì bà con thóc lúa không chỉ gối từ vụ này sang vụ khác (các xã vùng cao chỉ gieo cấy một vụ lúa) mà còn tích trữ đầy gác bếp tới vài năm. Tìm hiểu nguyên nhân mới biết bà con ở đây không chỉ có thói quen tích trữ thóc, gạo đề phòng mất mùa, mà căn cốt là do không có đường giao thông, không có thương lái tới thu mua nên sản xuất của bà con là tự sản tự tiêu. Rất nhiều những khó khăn khác như tỷ lệ học sinh ra lớp đạt thấp, các trường học chỉ mới mở tới lớp 5...mà nguyên nhân là bởi đường giao thông không có, việc đi lại của nhân dân rất khó khăn. Bàn luận về thực trạng này, không ít thành viên trong đoàn công tác đều cho rằng, khó có thể mở mới tuyến đường tới các xã biên giới bởi địa hình núi cao, vực sâu, hiểm trở và nguồn ngân sách địa phương khó khăn. Nhưng tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà con vùng cao, do không có đường giao thông, đồng chí Giàng Seo Phử nói một câu chắc nịch: “Khó mấy cũng phải làm, có thể làm dần từng bước. Đó là trách nhiệm, sự chăm lo của Đảng và Nhà nước tới đồng bào vùng cao biên giới”. Quyết tâm như vậy nên sau chuyến bộ hành, thị sát các xã vùng cao, biên giới Bát Xát, đồng chí Giàng Seo Phử đã đề xuất với tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng khảo sát địa hình, thi công mở mới tuyến đường từ Dền Sáng qua các xã Y Tý, Ngải Thầu, A Lù, Á Mú Sung tới Nậm Chạc. Ít năm sau đó, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và với chủ trương của tỉnh hướng mạnh về cơ sở, đồng chí Giàng Seo Phử đã thực hiện được lời hứa với bà con là hoàn thành tuyến Tỉnh lộ 156, 158 nối liền các xã biên giới phíaTây và phía Bắc của huyện Bát Xát.
Đồng chí Giàng Seo Phử chụp ảnh cùng người dân xã A Mú Sung năm 1998
Người dân vùng cao biên giới Bát Xát giờ không chỉ vượt qua đói nghèo, lạc hậu, mà còn vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và từ những quyết sách quan trọng trong đầu tư phát triển giao thông của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai, trong đó có bước đi in dấu thời gian, in dấu tình cảm sẻ chia, chung lo của đồng chí Giàng Seo Phử.
Phạm Quang Sản
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết