Lào Cai dành sự đầu tư lớn cho vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn

07:11 12-01-2018 | :570

Laocaitv.vn - Hết năm 2017, tỉnh ta giảm được 5,5% số hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh còn gần 22%- Đây là tỷ lệ thấp so với các tỉnh trong khu vực. Kết quả này cho thấy chủ trương, biện pháp giảm nghèo của tỉnh đúng và hiệu quả. Đảng bộ tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, tỉnh dành tới 70% ngân sách để đầu tư cho khu vực này.

Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đầu tư cho vùng cao, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc bằng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh đến nay, các chương trình công tác trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn xác định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, lấy đó là trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Hằng năm, tỉnh luôn dành từ 70% trở lên nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Các ngành, địa phương nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo… Đồng thời, tỉnh cũng ban hành thêm hàng loạt chính sách, chương trình hỗ trợ khác, tổng cộng 5 năm qua, có tới 50 chính sách đã được ban hành, mà hầu hết các chính sách đó là dành cho nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, diện mạo vùng cao đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện…

Trên thực tế, hàng loạt các chương trình đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước, không những tạo ra nội lực quan trọng giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, mà điều quan trọng là những chính sách này còn trang bị cho đồng bào những kiến thức trong phát triển kinh tế, tiếp cận với các dịch vụ dân sinh, nâng cao đời sống tinh thần vốn còn nhiều thiếu thốn và gặp không ít trở ngại. Từ những gia đình thuộc diện đói nghèo, nhờ được vay vốn phát triển kinh tế, đến nay, nhiều hộ, nhiều thôn bản đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Vùng lúa đặc sản Séng Cù Mường Vi, Bát Xát đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của tỉnh

Một trong những thành tựu đặc biệt quan trọng của Lào Cai trong những năm qua là tỉnh đã làm rất tốt công tác định canh định cư. Chương trình đã làm thay đổi hẳn nhận thức của đồng bào về tập quán “ du canh, du cư”, giúp bà con yên tâm “an cư lạc nghiệp” gắn bó lâu dài. Việc vận động, đưa dân ở những vùng khó khăn về nơi ở mới thuận tiện hơn theo các chương trình định canh định cư, đưa dân ra vùng biên giới hay giãn dân, di chuyển ở những vùng khó khăn đến nơi ở mới an toàn… được tỉnh Lào Cai thực hiện chu đáo, đầu tư đồng bộ. Bà con luôn cảm nhận nơi ở mới tốt hơn, thuận lợi hơn rất nhiều và từ đó, hăng hái bắt tay vào sản xuất, phát triển kinh tế. Nhiều khu định cư trở thành vùng sản xuất hàng hóa nổi tiếng trong cả nước, như khu Na Lốc, Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương; vùng Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát…

Vùng chuối hàng hóa ở Bản Lầu, Mường Khương

Nhờ lồng ghép tốt các chương trình, dự án cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng tới các công trình hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông, trường học, thủy lợi, nhà văn hóa, điện lưới… Đến nay, các xã đã có đường đến trung tâm được trải nhựa hoặc đổ bê tông; 100% thôn, bản trong tỉnh có đường ô tô hoặc xe máy lưu thông được; 100% xã có điện lưới Quốc gia…Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, các công trình văn hóa thì hàng loạt các chương trình có tác động trực tiếp đến an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai như: hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất cho bà con dân tộc thiếu đất sản xuất, đầu tư xây dựng hàng ngàn công trình cấp nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc… tất cả đều góp phần cải thiện điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt cho đồng bào.

Những con đường trải bê tông êm thuận đã giúp các địa phương phát triển kinh tế -xã hội

Sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện từ cơ sở hạ tầng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của Đảng bộ tỉnh đã đưa nông thôn, vùng cao của tỉnh nhà ngày càng phát triển. Điều đáng quý là đồng bào cũng đang dần thay đổi nhận thức, từ chỗ trông chờ vào Nhà nước, nay đã biết tự chủ trong làm ăn, trong kiến thiết nhà cửa, bản làng.

Tuy đạt được những thành quả hết sức to lớn, nhưng trên thực tế, việc đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc ít người vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, bất cập. Chính sách dành cho đồng bào là rất lớn và được đầu tư một cách đồng bộ, nhưng qua triển khai cũng cho thấy: các chương trình đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người ở Lào Cai chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó, một bộ phận đồng bào vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa thực sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Để triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho biết, năm 2018, mặc dù tình hình ngân sách còn nhiêu khó khăn, nhưng đảng bộ, chính quyền tỉnh vẫn tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí nêu rõ quan điểm chỉ đạo của tỉnh là: “ Vùng cao vùng nông thôn trọng tâm xuyên suốt là đầu tư xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước”.

Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai là một chiến lược lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. 4 chương trình công tác trọng tâm với 19 đề án mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng cho toàn nhiệm kỳ 2016- 2020 đã thể hiện rõ điều đó./.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết