Lào Cai phát huy nội lực, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

09:23 01-01-2018 | :1156

Laocaitv.vn - Kết thúc năm 2017, trong niềm vui của 01 năm kế hoạch hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, Lào Cai có thêm tin vui mới khi có thêm 07 xã được Hội đồng thẩm định tỉnh đánh giá xét duyệt  công nhận đạt chuẩn nông thôn mới- Nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh lên 35 xã. Tất cả các xã còn lại đều có thêm nhiều tiêu chí nữa hoàn thành, cùng tiến dần về đích. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới phát động cách đây 6 năm đang tiếp tục được nhân lên, lan toả.

Thêm 7 xã được Hội đồng thẩm định của tỉnh thống nhất bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào những ngày cuối cùng của năm kế hoạch 2017, gồm xã Mường Vi (huyện Bát Xát), xã Võ Lao, Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn), xã Sín Chéng, Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai), xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên), xã Na Hối (huyện Bắc Hà). Như vậy, nếu không có gì thay đổi, Lào Cai sẽ có 35/144 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tại những địa phương này, nhiều tiêu chí đạt chuẩn vững chắc như: giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa.  Số tiêu chí đạt bình quân trên một xã của toàn tỉnh (theo chuẩn mới) đạt 10,02 tiêu chí, tăng 0,76 tiêu chí so với cùng kỳ. Lào Cai tiếp tục  là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc về tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhìn lại năm 2011, năm đầu triển khai chương trình, mới thấy được sự đổi thay to lớn đến nhường nào. Khi đó, toàn bộ 144 xã của tỉnh Lào Cai, chưa xã nào có quá 10 tiêu chí trên tổng số 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Có xã mới đạt được 1 tiêu chí, còn bình quân chung mỗi xã trong toàn tỉnh là 3,3 tiêu chí.

Vậy nhưng sau 06 năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã đổi khác. Điểm dễ nhận thấy nhất trong quá trình 6 năm xây dựng nông thôn mới và trong năm 2017 vừa qua là những kết quả đạt được trong xây dựng đường giao thông nông thôn ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Dù Lào Cai trước đó đã làm rất tốt việc mở đường về xã, về thôn, thế nhưng, nhiều con đường chỉ đi được một mùa. Còn bây giờ, đường về gần 2 nghìn thôn trong tỉnh cơ bản đã đổ bê tông êm thuận. Muốn làm đường, yếu tố đầu tiên là kinh phí- Lời giải đã có khi tỉnh xây dựng cơ chế sẽ hỗ trợ xi măng, cát sỏi, người dân góp công để làm. Yếu tố thứ hai: Làm đường, mở rộng đường sẽ đi qua nhà, qua vườn, qua ruộng của dân- lấy gì mà đền bù. Bằng các giải pháp động viên, thuyết phục, tuyên truyền, các địa phương trong tỉnh đã dấy lên phong trào “ mở đường làng đất vàng cũng hiến”. Người vài chục mét đất, người mấy chục cây ăn quả. Thậm chí có người hiến tới vài nghìn mét vuông đất dù những tấc đất sản xuất ở vùng cao vô cùng quý giá đối với người dân. Theo những con đường ngày thêm mở rộng, người Lào Cai dệt nên bao câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Nhiều hộ gia đình đã hiến khá nhiều đất, từ đất nương, vườn, đất ruộng cho tới một phần đất ở.

Những con đường êm thuận đã giúp các địa phương vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế - xã hội

Tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát – địa phương nằm trong danh sách các xã  hoàn thành chương trình nông thôn mới năm 2017, Ban chỉ đạo nông thôn mới và bà con trong xã đồng thuận đặt mục tiêu là sẽ “ cán đích” nông thôn mới đúng lộ trình. Đặt mục tiêu là để phấn đấu và cả xã hăng hái bắt tay vào thực hiện. Năm 2011, khi bắt đầu triển khai chương trình nông thôn mới, toàn bộ các  tuyến đường liên thôn, đường trục thôn của Mường Vi là đường đất. Nay tiêu chí này xã đã thực hiện xong: Toàn xã bê tông được 11 km đường trục xã, 1,5 km đường trục thôn, gần 1,4  km đường ngõ xóm, 1,1 km đường nội đồng. Về thuỷ lợi, xã có 12 km kênh mương cơ bản bê tông “cứng hoá”. 60% số hộ dân trong xã tự đầu tư mua máy cày, máy gặt đập để phục vụ sản xuất, góp phần cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Cánh đồng Mường Vi nổi tiếng “ gạo trắng nước trong” được gieo cấy “một giống” Séng cù, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 1500 tấn thóc đặc sản, mang lại khoản thu 22 tỷ đồng. Qua 06 năm nông thôn mới, người dân Mường Vi đã hiến hơn 10.000m2 đất để mở rộng và làm mới các tuyến đường. Khoản tiền nhân dân đóng góp để làm đường lên tới 2 tỷ 500 triệu đồng.

Nói về sức dân, so sánh thì mới thấy: Năm 2017, tỉnh đã huy động được gần 1.341 tỷ đồng đầu tư  xây dựng nông thôn mới, trong đó có trên 11 tỷ đồng  tiền mặt được huy động từ nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp, tăng trên 2 tỷ đồng so với cùng kì năm 2016. Nhân dân cũng đã đóng góp khoảng  63.700 ngày công lao động, trên 100 nghìn m2 đất để xây dựng nông thôn mới.  Nhờ đó, toàn tỉnh đã làm được trên 708 km đường giao thông, tăng gần 140 km so với cùng kỳ năm 2016.

Cũng trong năm 2017, 05 nhiệm vụ trọng tâm gắn với phong trào thi đua “Lào Cai chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng rộng rãi của nhân dân. Chính vì vậy, nhiều tiêu chí nông thôn mới sau khi Chính phủ có sự điều chỉnh nâng cao tưởng như rất khó thực hiện song đã được một số địa phương, gồm cả các xã vùng cao thực hiện rất tốt. Cụ thể như tiêu chí bình quân thu nhập đầu người ( mức chuẩn được nâng  từ 18 triệu  lên 26 triệu đồng/đầu người  vào năm 2017 và tiếp tục tăng vào những năm tiếp theo). Để đạt được tiêu chí này, việc chuyển dịch sản xuất, áp dụng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao đưa các loại cây trồng thế mạnh, cho năng suất chất lượng cao vào gieo trồng tập trung, gắn với việc xây dựng các mô hình liên doanh,liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã đã được các địa phương vận dụng nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực tế này được minh chứng ngay tại xã Bản Xèo, huyện Bát Xát. Thông qua mô hình Hợp tác xã Thành Sơn, Bản Xèo đã khôi phục lại nghề làm Miến Dong nổi tiếng trước đây, xây dựng vùng nguyên liệu Miến dong lên tới gần 400 ha, đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã và một số địa phương lân cận. Với 03 mô hình hoạt động rất hiệu quả: gồm Hợp tác xã Miến Dao Thanh Sơn; Hợp tác xã Rượu Shan Lùng và Hợp tác xã kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất gạch không nung, bình quân thu nhập đầu người của địa phương vùng cao này đã đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia nông thôn mới.

Sản phẩm miến dong mang thương hiệu Thành Sơn hiện được ưa chuộng trên thị trường

Cũng được đánh giá là những tiêu chí rất khó thực hiện trong một sớm, một chiều bởi còn phụ thuộc vào thói quen, tập quán sinh hoạt khó thay đổi của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao, song trong năm 2017, các tiêu chí về nhà ở dân cư, vệ sinh môi trường nông thôn đã được các xã trên địa bàn toàn tỉnh đẩy mạnh. Với sự vào cuộc của các tổ chức hội như: Hội cựu chiến binh;Hội  Nông dân, Hội Phụ nữ..đã có 5.744 nhà tiêu hợp vệ sinh, gần 4 nghìn chuồng trại nuôi nhốt gia súc được nhân dân đầu tư  xây dựng; bà con cũng đào trên 7.400 hố rác gia đình. Phong trào nhà sạch vườn đẹp đã và đang len lỏi đến từng thôn bản, khiến đường làng, ngõ xóm trở phong quang, sạch sẽ hơn.

Một  kết quả cần nhắc đến trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2017 của tỉnh ta là việc triển khai thực hiện mô hình “Thôn nông thôn mới” đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và “Thôn kiểu mẫu” đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới.  Theo đăng ký,  toàn tỉnh có 201 thôn đăng thực hiện mô hình, trong đó có 45 thôn đăng ký “Thôn Kiểu mẫu”, 156 thôn đăng ký “Thôn Nông thôn mới”. Đến hết tháng 9, riêng Thành Phố Lào Cai đã ban hành quyết định công nhận “Thôn Kiểu mẫu” cho 3 thôn, gồn thôn Cóc 1, thôn Cóc 2, xã Tả Phời và thôn  Dạ 2, xã Cam Đường.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của toàn xã hội và sự tham gia nhiệt tình của người dân, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lào Cai năm 2017 đã đạt những kết quả quan trọng, tạo đà để năm 2018- năm  thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá 15, Lào Cai tiếp tục có thêm nhiều xã về đích chương trình nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng cao hơn nữa./.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết