Laocaitv.vn - Lào Cai tiếp tục ưu tiên tối đa nguồn lực nhằm thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đặng Xuân Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện đổi mới giáo dục Lào Cai tại hội nghị đánh giá thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 vừa diễn ra chiều qua, ngày 20/12. Dự hội nghị còn có đồng chí Đặng Xuân Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục, Trưởng Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục tỉnh cùng hơn 200 cán bộ làm công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Thực hiện đổi mới giáo dục, đến nay quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp tại Lào Cai tiếp tục cơ bản phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 647 cơ sở giáo dục với 1.414 điểm trường và có trên 200 nghìn học sinh theo học ở 3 cấp. Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ nét: Giáo dục mầm non tiếp tục được quan tâm đầu tư, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được nâng lên rõ rệt; huy động trẻ ra lớp tăng nhanh; Giáo dục tiểu học chú trọng đổi mới phương pháp, áp dụng hiệu quả các mô hình giáo dục tiên tiến, đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ, tích cực hội nhập. Chất lượng giáo dục THCS, THPT vững chắc hơn. Đến nay toàn tỉnh đã có 330/637 (chiếm 52%) trường đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng đào tạo nghề từng bước được cải thiện để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Có nhiều mô hình giáo dục hiệu quả: Trường học mới, trường học gắn liền với thực tiễn thực hiện phương châm học đi đôi với hành như mô hình trường học “Nông trường, nông trại” trường học “Du lịch, sinh thái” trường học “Đa văn hóa”... Song song với đó, cơ sở vật chất trường, lớp học; cơ sở đào tạo nghề tiếp tục được chú trọng đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa và chuẩn hóa; nhiều trường vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan đẹp, hoạt động giáo dục sôi nổi, chất lượng.
Đối với công tác phổ cập, năm 2017, tỉnh Lào Cai duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đến nay đã có 158/164 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập mức độ 3; 144 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đối với công tác hướng nghiệp, phân luồng được chú trọng với con số 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT; 13% là đi học nghề...
Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong công tác đổi mới giáo dục như: Nhiều nơi chưa thực sự chú trọng đến việc đổi mới, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên chuyên biệt nhưng lại thừa giáo viên THCS các môn Toán, Lý, Văn, Sử. Còn có giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhà giáo; Tỷ lệ học sinh phổ thông được học môn tin học, ngoại ngữ còn thấp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học chưa đồng bộ. Một thực trạng đáng buồn đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng cao đó là tỉ lệ học sinh bỏ học vẫn rất cao; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đối với hệ trung cấp nghề, cao đẳng nghề còn thấp…
Đồng chí Đặng Xuân Phong - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành giáo dục trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Ngành giáo dục cần phải nhận diện đúng, đánh giá đúng so với mặt bằng chung của cả nước, tránh chạy theo thành tích, để có cái nhìn khách quan, từ đó mới đưa ra được những giải pháp tháo gỡ khó khăn mà ngành đang gặp phải. Đối với công tác phổ cập giáo dục cần phải được duy trì bền vững, công tác xóa mù chữ cần phải đặt ra mục tiêu cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu lên thực trạng "thừa thầy - thiếu thợ", đào tạo không gắn với nhu cầu thực tế, khiến tình trạng học sinh ra trường không có việc làm. Điều này cho thấy những yếu kém trong công tác phân luồng học sinh. Bởi vậy, thời gian tới, việc phân luồng học sinh là hết sức cần thiết, cần được đặc biệt chú trọng ngay từ trong trường THCS, quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong cũng cho rằng: các địa phương tích cực huy động nguồn xã hội hóa cho giáo dục trong điều kiện nguồn đầu tư của Nhà nước còn eo hẹp. Với đề nghị của ngành giáo dục liên quan đến nguồn lực để đầu tư như: mua sách giáo khoa; điều chỉnh, sắp xếp mạng lưới trường lớp học; xóa phòng học tạm; đầu tư nhà tắm, nhà vệ sinh bán trú; xây dựng mới 2 trường nội trú cấp huyện; đổi mới mua sắm trang thiết bị… quan điểm của tỉnh sẽ ưu tiên tối đa nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất nhưng căn cứ vào khả năng tài chính của tỉnh, đồng thời tích cực huy động nguồn từ xã hội hóa. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng: Việc giải quyết bài toán thiếu biên chế ở một số cơ sở giáo dục là điều không thể, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết TW 6. Bởi vậy, ngành giáo dục cần sớm đề xuất xây dựng những cơ chế, sắp xếp, cơ cấu, tinh gọn bộ máy.
Trung Kiên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết