'Lợi ích nhóm' thể hiện rõ trong sai phạm của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

16:03 15-01-2018 | :724

Laocaitv.vn - Sáng 15/1, Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) được tiếp tục với phần tranh tụng công khai. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã tham gia đối đáp với các luận điểm gỡ tội của các luật sư bào chữa.

PVC không đủ năng lực làm tổng thầu EPC 

Đại diện Viện Kiểm sát phân tích: Theo tài liệu có trong hồ sơ, ngay từ năm 2010, PVC đã khó khăn về nguồn vốn để nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Tổng Công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) tại một số dự án. 

Công văn số 3894/XLDK-TCKT ngày 9/9/2011 của PVC gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của PVC 8 tháng đầu năm 2011 có nêu: “… Các dự án PVC nhận chuyển nhượng từ PVFC đa số là các dự án bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, dự án đình trệ, tiền bán hàng thu hồi chậm, ảnh hưởng lớn tới dòng tiền và tình hình sản xuất kinh doanh của PVC và các đơn vị thành viên. Do đó, để duy trì và triển khai các dự án này, PVC đã phải hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh và trả lãi khoản vay thay cho các đơn vị…”. 

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường trình bày quan điểm đối đáp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ban lãnh đạo PVC đã biết về thực trạng tài chính của PVC và PVN được biết tình hình tài chính của PVC là không lành mạnh khi chỉ định thầu đối với PVC. Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) đã khai có Báo cáo số 81 báo cáo Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc PVC về tình trạng yếu kém tài chính của PVC. 

Tính đến thời điểm ký kết Hợp đồng EPC số 33 ngày 28/2/2011, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của PVC các năm 2009 và 2010 (năm cuối cùng gần nhất năm ký Hợp đồng EPC số 33) đều < 1, không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính. Đáng lưu ý, trong báo cáo PVN xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ định PVC không nêu vấn đề này. 

Đến thời điểm ngày 24/2/2011, chính bị cáo Đinh La Thăng đã ký và biết được dự án đầu tư điều chỉnh chưa được lập, do thiết kế cơ sở là bước thiết kế đầu tiên làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư. Vậy mà chỉ 4 ngày sau, ngày 28/2/2011, Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPOWER) và PVC đã ký Hợp đồng EPC số 33. Thời điểm này chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, chưa có thiết kế kỹ thuật, chưa có tổng dự toán, chưa có hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu theo quy định. Do đó, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: Hợp đồng EPC số 33 có nhiều nội dung được điền trong hợp đồng nhưng không có thật. 

Về năng lực kinh nghiệm, theo Viện Kiểm sát, PVC không đáp ứng kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự của nhà thầu (được thực hiện với tư cách là nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ trong vòng 5 năm trở lại) theo yêu cầu của Hồ sơ yêu cầu. Cụ thể: Hồ sơ yêu cầu quy định đối với kinh nghiệm về thiết kế là một hợp đồng tương tự. Tuy nhiên, trong số các hợp đồng cung cấp trong Hồ sơ đề xuất của nhà thầu PVC không có hợp đồng thiết kế cho dự án Nhà máy nhiệt điện để đảm bảo tính chất tương tự. Hai hợp đồng liên quan đến dự án nhiệt điện là dự án Nhiệt điện Vũng Áng và dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, PVC chỉ thi công các hạng mục xây dựng, không thực hiện công tác thiết kế. 

Chính bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa thừa nhận PVC không đủ năng lực thực hiện EPC Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình II, thời điểm đó chỉ có Lilama là có đủ năng lực. 

Đại diện Viện Kiểm sát đã chỉ ra hệ lụy từ việc không có năng lực tổng thầu là rất lớn, đó là việc dự án thi công kéo dài gấp đôi, nếu phạt Hợp đồng EPC sẽ lên tới hàng trăm triệu USD, bản thân PVC cũng chịu chi phí phát sinh rất lớn (Theo Báo cáo 117 ngày 6/1/2017, PVC chi phí phát sinh tới 155 tỷ đồng/năm). 

Trên cơ sở những phân tích trên, công tố viên khẳng định: Do PVC không đủ năng lực thực hiện dự án nên không thể ưu tiên PVC làm tổng thầu để thực hiện chủ trương “Ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Mối quan hệ mang tính “lợi ích nhóm” của các bị cáo 

Trong phần đối đáp, công tố viên đã nêu tại công văn số 906/VPCP-KTN ngày 17/2/2011 của Chính phủ trả lời văn bản số 817/DKVN-HĐQT ngày 28/1/2011 của PVN (do bị cáo Đinh La Thăng ký nội dung đề xuất cho PVC là tổng thầu dự án) đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu, có hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện dự án và hiệu quả kinh tế. Như vậy, có cơ sở khẳng định, Chính phủ không có bất cứ văn bản nào nêu đồng ý cho PVN lựa chọn PVC làm tổng thầu như một số luật sư đề cập mà yêu cầu PVN phải lựa chọn nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm thực hiện Hợp đồng EPC. 

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: An Đăng/TTXVN

 
Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát, mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn về tài chính, không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm thực hiện thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, để tạo điều kiện cho PVC, Đinh La Thăng vẫn ưu ái bỏ qua các quy định của pháp luật để chỉ định PVC làm tổng thầu, sau đó chỉ đạo các bị cáo tại PVN và các đối tượng liên quan tại Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) ký hợp đồng EPC và tạm ứng tiền cho PVC để bị cáo Thanh và các đồng phạm tại PVC sử dụng trái mục đích gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước. Qua đó cho thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm của các bị cáo. 

Việc tạm ứng và chi tạm ứng hoàn toàn trái quy định 

Theo như phân tích, Hợp đồng EPC số 33 là không đủ điều kiện để ký. Do vậy, việc PVN tạm ứng tiền cho PVC là trái quy định pháp luật, cho thấy thực chất việc ký hợp đồng không phải là để PVN tạm ứng cho PVC thực hiện thi công gói thầu Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mà chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa việc chuyển tiền cho PVC sử dụng sai mục đích. 

Hội đồng xét xử. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Việc thu PVC thu hồi 1.240 tỷ đồng (tính đến ngày 13/9/2016) là thu hồi nội bộ tại PVC không liên quan việc thu hồi tiền tạm ứng của chủ đầu tư (PVN) đối với số tiền đã ứng cho PVC nhưng không sử dụng vào Dự án. Đến ngày 20/3/2012, chủ đầu tư mới thu hồi được 172 tỷ đồng trong tổng số 196 tỷ đồng và 6,6 triệu USD sử dụng vào Dự án. Như vậy, trong thời gian từ ngày PVN ứng tiền cho PVC cho đến ngày PVN có công văn thu hồi tiền tạm ứng PVC sử dụng sai mục đích (23/5/2011-20/3/2012), PVC đã chiếm dụng của PVN 1.115 tỷ đồng. Số thiệt hại được tính trong Kết luận giám định chỉ dừng lại tại ngày 20/3/2012, cách xa thời điểm PVN thu hồi gần đủ số tiền tạm ứng cho PVC là ngày 20/11/2017 (với số tiền 1.087 tỷ đồng). 

Như vậy, theo công tố viên, không có căn cứ nào cho rằng, PVN đã thu hồi thừa số tiền tạm ứng như các luật sư và bị cáo nêu. 

Mặt khác, trong số tiền thu hồi tiền tạm ứng 1.240 tỷ đồng của PVC có nguồn: Sử dụng tiền tăng vốn điều lệ PVC là 317,2 tỷ đồng, thu hồi từ việc thoái vốn và thu hồi từ các dự án khác là 515,3 tỷ đồng. Theo Viện Kiểm sát, về nguyên tắc, việc coi số tiền thoái vốn do chuyển nhượng các khoản đầu tư của PVC là tiền thu hồi tiền tạm ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là không hợp lý. 

Điều chỉnh hợp lý qua diễn biến tại phiên tòa 

Dựa trên thực tế quá trình thẩm vấn và tranh luận công khai tại phiên tòa, Viện Kiểm sát đã có bổ sung và thay đổi một số quan điểm luận tội, phù hợp với diễn biến phiên tòa và lời khai của các bị cáo. 

Cụ thể, theo Viện Kiểm sát, đối với bị cáo Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC), quá trình điều tra và tại phiên tòa ngoài các tình tiết giảm nhẹ được nêu trong luận tội của Viện Kiểm sát, bị cáo Hiển còn có tình tiết giảm nhẹ là tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Bị cáo Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) vai trò phạm tội có mức độ; bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) và Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt là thái độ tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật giải quyết sớm vụ án. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho các bị cáo so với mức đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát. 

Đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC), đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét giảm nhẹ hình phạt. 

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử không buộc các bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Lê Đình Mậu, Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), Phạm Tiến Đạt phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại 119.804.660.196 đồng. 

Còn các vấn đề khác, Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm như đã đề cập trong phần luận tội./.
 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết