Lý do nào khiến cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều chết yểu?

20:31 25-05-2018 | :677

Laocaitv.vn - Những vấn đề liên quan đến ngoại giao được cho là một phần nguyên nhân khiến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều không thể diễn ra.

Việc đổ vỡ kế hoạch tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều đã làm nảy sinh những ý kiến cho rằng về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump không biết ông đang làm gì.

ly do nao khien cuoc gap thuong dinh my trieu chet yeu hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Quartz.

 11 tuần đã trôi qua kể từ khi có thông tin về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho đến khi ông Trump gửi thư thông báo hủy cuộc gặp. Diễn biến này tạo ra một loạt các giả thiết về cách thức hành động sai lầm của Tổng thống Trump và các cố vấn của ông.

“Có một số vấn đề với thủ thuật ngoại giao. Tôi chắc chắn có nhiều câu hỏi đặt ra khi mà chính quyền Trump luôn nghĩ rằng họ ở vị thế số một”, Christopher Hill, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush nói với CNBC.

Ngày 8/3, các quan chức Hàn Quốc chứ không phải Mỹ tiết lộ với báo giới rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều dự định gặp nhau. Ông Trump khi đó đã khiến cấp dưới của mình bất ngờ khi chấp nhận ý tưởng về cuộc gặp ông Kim trước khi có một kế hoạch cụ thể.

“Ông Kim Jong-un đã nói về phi hạt nhân hóa với các đại diện phía Hàn Quốc, không chỉ là đóng băng. Một cuộc gặp đang được lên kế hoạch”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Richard Haass, cố vấn chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống George W. Bush, hiện đang điều hành Hội đồng Quan hệ Đối ngoại kết luận ngắn gọn: “Đó là một sự nhầm lẫn”.

“Nếu ông Trump không tự đắc và cho phép cố vấn an ninh quốc gia của mình xem xét lại lời đề nghị, ông ấy đã có thể hiểu được rằng Triều Tiên coi theo đuổi chính sách phát triển loại vũ khí hạt nhân như một sự bảo đảm cho an ninh của họ”, Robert Kelly - nhà khoa học chính trị của trường Đại học Pusan nói.

Nên nhớ rằng, trong năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6, bất chấp lời đe dọa của Tổng thống Trump nhấn chìm nước này trong “lửa và giận dữ”.

Đến năm 2018, Triều Tiên lại quay sang thể hiện thái độ khác hẳn, cho thấy sự hòa dịu bất ngờ. Điều này dường như đánh trúng vào tâm lý của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vốn luôn chủ trương cải thiện quan hệ với Triều Tiên.

Điều đáng nói ở đây là bản thân ông Trump, người đã từng chế nhạo ông Kim là “người tên lửa” dường như cũng đã quá vội vàng cho Hội nghị Thượng đỉnh được lên kế hoạch với Triều Tiên vào ngày 12/6 ở Singpore. Thậm chí Nhà Trắng còn phát hành tiền xu kỷ niệm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, mô tả Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên như đồng nghiệp.

Khi ông Kim Jong-un đồng ý phóng thích 3 tù nhân Mỹ hồi đầu tháng này, ông Trump cũng bày tỏ cảm ơn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì đã chấp thuận yêu cầu sớm thả tự do cho 3 công dân Mỹ và gọi đây là “một điều kỳ diệu”. Ông Trump gọi việc Triều Tiên thả ba công dân Mỹ là "hành động thiện chí".

Trước những diễn biến tích cực liên tiếp, Tổng thống Trump còn hồ hởi tuyên bố rằng “mọi người đều nghĩ” ông xứng đáng nhận được giải Nobel Hòa bình.

Tuy nhiên, nhiều tuần trôi qua, Mỹ vẫn không thể nắm bắt được ý định thực sự của Triều Tiên đối với Hội nghị Thượng đỉnh được lên kế hoạch. Sau hai chuyến đi đến Bình Nhưỡng, một trên cương vị Giám đốc CIA và một trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo vẫn không xác định được mục tiêu chung mà hai bên hướng tới trong cuộc gặp Trump-Kim.

Chính các phụ tá của Trump phá hỏng Thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ trở về với những điều mông lung thì Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton lại viện dẫn “mô hình Libya” đối với việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Phải lưu ý rằng, nhiều năm sau khi lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi từ bỏ vũ khí hạt nhân, ông ta đã bị lật đổ và bị giết.

 

Triều Tiên đương nhiên có lý do để giận dữ. Chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố rằng, như hầu hết các chuyên gia đã dự đoán, họ coi vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo an ninh cho đất nước.

Tại Nhà Trắng, nơi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới để gặp Tổng thống Trump nhằm cứu vãn Hội nghị Thượng đỉnh, ông Trump hứa sẽ làm cho Triều Tiên giàu có và đảm bảo sự an toàn cho ông Kim. Tuy vậy, ông Trump vẫn bỏ ngỏ khả năng liệu Mỹ có bắt buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay lập tức hay chấp nhận cách tiếp cận để Bình Nhưỡng dần dần loại bỏ.

Sau đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lại “đổ thêm dầu vào lửa”, viện dẫn đến "mô hình Libya" một lần nữa khi nói về vấn đề Triều Tiên. Bình Nhưỡng lập tên lên án và gọi phát ngôn của ông Pence là "vô tri và ngu ngốc".

Hàng loạt căng thẳng phát sinh chỉ trong thời gian ngắn có lẽ là một phần nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong khi Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông tự cảm thấy “bối rối và hối tiếc” thì nhiều nhà lập pháp Mỹ lại lên tiếng hoan ngênh động thái này của ông Trump.

Đã có những đồn đoán cho rằng, Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton – người có tư tưởng diều hâu đã cố tình đưa ra "mô hình Libya" để phá hỏng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Nếu điều này là sự thực, rõ ràng Tổng thống Trump đang phải đối mặt với thách thức cực lớn ngay trong nội bộ nước Mỹ về vấn đề Triều Tiên.

Bản thân ông Trump trong bức thư thông báo hủy Hội nghị Thượng đỉnh với Triều Tiên dù sử dụng những ngôn từ khẳng định sức mạnh quân sự nhưng vẫn xen lẫn vào đó hy vọng hồi sinh hội nghị này. “Nếu như Ngài đổi ý liên quan tới cuộc hội nghị quan trọng bậc nhất này, đừng ngần ngại mà hãy gọi điện hoặc viết thư cho tôi”, ông Trump viết./.

Hùng Cường/VOV.VN

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết