Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Lào Cai - Thực trạng và giải pháp

14:01 17-10-2017 | :2370

Những năm gần đây, công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) ở Lào Cai đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số và tạo tiền đề cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm đó là tình trạng mất cân bằng giới tính và số người sinh con thứ 3 có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 6/2017 có 813 cháu là con thứ 3 trở lên ra đời (tăng 08 cháu so với cùng kỳ); trong đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở một số huyện, thành phố tăng so với cùng kỳ: Bảo Yên tăng 2,78%; Văn Bàn tăng 2,59%; Bát Xát, Bắc Hà tăng 0,69%; thành phố Lào Cai tăng 0,19%. Đặc biệt, có nhiều trường hợp sinh con thứ 7, 8, 9 ở một số xã vùng cao, thậm chí có trường hợp sinh con thứ 11 ở xã Bản Hồ (Sa Pa). Tỷ số giới tính khi sinh là 115,9 trẻ trai/100 trẻ gái (tăng 03 trẻ trai so với cùng kỳ); trong đó, một số huyện, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao: Thành phố Lào Cai 133 trẻ trai/100 trẻ gái; Văn Bàn, Bảo Yên 121 trẻ trai/100 trẻ gái; Bát Xát 117 trẻ trai/100 trẻ gái;…Đây thực sự là những con số đáng báo động, vì mức chênh lệch giới tính khi sinh khá cao.

Nguyên nhân chính là do bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong ý thức và hành động của một bộ phận người dân. Bất bình đẳng giới dẫn đến quan niệm trọng nam khinh nữ của các bậc làm cha, làm mẹ. Họ quan niệm rằng, cần phải có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng tổ tiên sau này; con trai có trách nhiệm tiếp nối dòng dõi gia tộc, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già và tiếp tục sự nghiệp của gia đình. Vì thế, nhiều phụ nữ khi mang thai nếu kết quả siêu âm là con gái, họ sẵn sàng phá bỏ để đợi lần sau; phụ nữ ở vùng nông thôn không có điều kiện tiếp cận dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm thì cứ tiếp tục sinh con cho đến khi có con trai. Cùng với sự phát triển của hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và đội ngũ cán bộ ngành y, một mặt tạo điều kiện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn, mặt khác cũng làm gia tăng tình trạng lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn, xác định giới tính thai nhi. Thực tế cho thấy, hầu hết các bà mẹ mang thai đến khám và siêu âm đều được người cung cấp dịch vụ cho biết giới tính của thai nhi dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của cả khách hàng và người cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, nhận thức của người dân, đặc biệt là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về pháp luật liên quan tới việc lựa chọn giới khi sinh và hậu quả do mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra còn rất hạn chế.

Mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mức sống của người dân trên địa bàn, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác: Mất cân bằng giới tính sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số; làm gia tăng dân số nhanh do nhu cầu phải có con trai, sự phân bố dân cư giữa các vùng chênh lệch lớn sẽ xảy ra tình trạng có nơi thiếu lao động, có nơi lại thừa lao động, dẫn đến việc di dân giữa các tỉnh, thành phố. Mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi trưởng thành, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ. Nghĩa là sẽ có rất nhiều nam giới có thể không lấy được vợ. Điều này có thể gây ra những bất ổn về an ninh trật tự xã hội, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm khác.

Để bảo đảm sự phát triển theo quy luật tự nhiên và hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, theo chúng tôi cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; xác định công tác DS-KHHGĐ là một trong các nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kiên trì triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có giải pháp quản lý các cơ sở y tế trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ; đồng thời đề xuất chế tài, xử lý nghiêm các cơ sở y tế cố tình công bố giới tính thai nhi và cán bộ, đảng viên, viên chức vi phạm chính sách dân số.

Thứ hai, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vận dụng linh hoạt các loại hình tuyên truyền, phát huy vai trò Ban tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố và đội ngũ cộng tác viên dân số. Chú trọng tuyên truyền tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã có cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số; tuyên truyền trực tiếp tại các khu dân cư, các hộ gia đình với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thay đổi hành vi và nâng cao nhận thức của người dân về giới, hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm hạn chế các hành vi can thiệp để sinh đẻ không theo quy luật tự nhiên, đồng thời giúp người dân tự nguyện chấp nhận quy mô gia đình nhỏ “Dù gái hay trai chỉ hai là đủ”.

Thứ ba, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, đặc biệt là vấn đề y đức của đội ngũ cán bộ hành nghề y. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác DS-KHHGĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở.

Thứ tư, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; đa dạng hóa các biện pháp tránh thai để tăng thêm nhiều lựa chọn cho người sử dụng bảo đảm an toàn và hiệu quả. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp thị các biện pháp tránh thai cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng.

Thứ năm, huy động sự tham gia, ủng hộ và sự vào cuộc của cộng đồng dân cư, của cá nhân, tổ chức để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ. Tăng cường sự phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở.

Để nâng cao chất lượng công tác DS-KHHGĐ, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Lào Cai sẽ cải thiện được tỷ số giới tính khi sinh bảo đảm ở mức độ bình thường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống của nhân dân trên địa bàn.

                                                                                                                                                      Đoàn Ngọc Tuyến

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết