Laocaitv.vn - Sáng ngày 31/10, tại thành phố Lào Cai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; cùng đại biểu đại diện cho 21 tỉnh tham gia đề án.
Quang cảnh hội nghị.
Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số” của Chính phủ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tại 21 địa phương trong cả nước. Qua 3 năm triển khai thực hiện với những cách làm sáng tạo, phù hợp, tính đến tháng 8/2018 có trên 845.000 trẻ dân tộc thiểu số đến trường. Trong đó, trẻ em người dân tộc thiểu số tại các địa bàn xã khó khăn đi học tăng gần 51.000 em; số học sinh dân tộc thiểu số đi học 2 buổi/ngày tăng trên 104.000 em… Với việc được tiếp cận nhiều phương pháp, vốn tiếng Việt của học sinh phong phú hơn, các em phát âm chuẩn tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt hiệu quả trong quá trình học tập, giao tiếp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Lào Cai luôn quan tâm ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục, nhất là giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cuối năm 2015, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 06 về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” với kinh phí trên 1.600 tỷ đồng, cùng nhiều cơ chế, chính sách khác… Hiện nay các điều kiện thực hiện nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” đã góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí thực hiện đề án đến nay đạt trên 73 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Qua 3 năm thực hiện đề án có trên 39.000 trẻ được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi, đạt 100% và đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới giáo dục, tỉnh Lào Cai còn nhiều khó khăn như 2/3 số cơ sở giáo dục, giáo viên ở vùng cao; trên 70% là học sinh dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị, nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong việc thực hiện đề án đã được các đại biểu chia sẻ, như việc huy động nguồn lực thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ; tạo dựng môi trường học tập tiếng Việt thân thiện và khoa học cho học sinh; tích hợp nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em trong các hoạt động giáo dục... Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao các ý kiến thảo luận, chia sẻ, kiến nghị đề xuất của các đại biểu. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện đề án trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu ngành Giáo dục cần phối hợp và tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện đề án để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo mục tiêu và chất lượng đề án; huy động các nguồn lực cho thực hiện đề án; xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả, thực hiện tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và cộng đồng trong thực hiện đề án.
Các kiến nghị đề xuất của các đại biểu tại hội nghị sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu để tham mưu điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.
Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết