Laocaitv.vn - Giao thông thuận lợi thì sản phẩm nông lâm nghiệp bà con làm ra không những dễ tiêu thụ, giá thành cao hơn nhiều mà còn giải phóng được sức lao động của con người. Xác định ý nghĩa đó, bà con nhân dân bản Bùn 3 xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên đã đóng góp trên 250 triệu đồng mở các tuyến đường vào khu sản xuất.
Nếu như trước đây để vào được khu rừng sản xuất bà con bản Bùn 3, xã Bảo Hà chỉ bằng cách đi bộ. Lâm sản làm ra đem đi tiêu thụ, chủ yếu được sử dụng bằng sức người, hoặc dùng trâu kéo, tốn rất nhiều công sức, thời gian, nên hiệu quả kinh tế thấp. Thế nhưng giờ đây, bà con Bùn 3 có thể di chuyển bằng xe máy trên con đường dài hơn 2km để vào khu trồng rừng. Đường tuy chưa thật dễ đi, nhưng xe trọng tải 5 tấn có thể lưu thông được trên toàn tuyến. Quan trọng hơn, mọi sản phẩm bà con làm ra, vật tư sản xuất đều được vận chuyển bằng xe cơ giới. Gia đình bà Đỗ Thị Thương có trên 1ha đất rừng, bà đã đóng 7 triệu đồng để mở tuyến đường này. Ngay khi hoàn thành, bà đã khai thác đồi cây và bán được gần 130 triệu đồng, mà trước đó thời điểm chưa có đường thương lái chỉ trả trên 50 triệu đồng.
Để có được những con đường như vậy, quan trọng nhất là phải có sự đồng sức, đồng lòng của người dân. Bằng cách làm công khai, dân chủ họp các hộ có đất rừng, phân tích những lợi ích khi mở đường, lựa chọn cách làm sao cho hiệu quả, vận động các hộ hiến đất khi làm đường đi qua. Sớm nhận thức được điều này, bà con nhân dân đều đồng thuận và sẵn sàng hiến đất, góp công, góp của để thực hiện. Không chỉ hộ có rừng mà nhiều hộ đất rừng ngay cạnh nhà, cạnh đường đi lẽ ra không cần phải hiến, nhưng vì cái chung của tập thể, vì sự phát triển của thôn bản, các hộ vẫn sẵn sàng để bà con sẻ đồi làm đường đi qua.
Từ năm 2016 đến nay, bản Bùn 3 đã mở được 5 tuyến đường, tổng chiều dài trên 4km vào khu sản xuất. Nếu theo đơn giá nhà nước, mỗi km đường mở mới, mặt đường rộng 3,5m – 4m cần kinh phí trên dưới 100 triệu đồng. Nhưng ở đây người dân thực hiện chỉ tốn một nửa con số đó, do tất cả các chi phí, kinh phí thi công đều được giảm một cách tối đa. Ông Phạm Minh Huy – Bí thư chi bộ bản Bùn 3 xã Bảo Hà cho biết: Thực tế với trên 20 hộ có đất rừng, bà con đã đóng góp trên 250 triệu đồng, trung bình mỗi hộ đóng góp từ 5 triệu đến 7 triệu đồng, hộ đóng nhiều nhất là trên 20 triệu đồng để thuê máy móc san gạt đất đá, tạo nền đường. Đây là một số tiền không hề nhỏ đối với một bản còn nhiều khó khăn như Bùn 3, nhưng hiệu quả mà nó mang lại đối với sự phát triển của bản cũng đã được khẳng định. Từ khi đường được mở, gỗ rừng trồng, sắn, ngô của bà con chỉ cần xuống đến chân đồi là có ô tô, thương lái vào tận nơi thu mua, giá cả cũng cao hơn nhiều so với trước.
Phát triển kinh tế rừng đang là hướng đi bền vững và được xem là một thế mạnh của huyện Bảo Yên. Việc người dân bản Bùn 3, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên chủ động mở những tuyến đường sản xuất mà không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước là việc làm rất có ý nghĩa. Thiết nghĩ Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để có nhiều thêm những tuyến đường như vậy, góp phần thay đổi tập quán sản xuất manh mún, hướng tới sản xuất hàng hóa nâng cao đời sống cho đồng bào vùng cao.
Trung Kiên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết