Những con người vượt lên số phận

15:20 27-04-2018 | :1118

Laocaitv.vn - Suy nghĩ, mình trở thành gánh nặng của gia đình luôn khiến nhiều người khuyết tật luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti. Với họ có được một công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe cho thu nhập nuôi sống bản thân cũng là ước mơ không dễ thực hiện. Hợp tác xã khuyết tật Tình thương ra đời như là chiếc phao cứu sinh giúp những người khuyết tật ở Lào Cai tìm được cuộc sống mới.

 

Người đứng lên thành lập Hợp tác xã này là anh Nguyễn Văn Cự, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng. Bị khiếm thị từ nhỏ, nhưng không cam chịu số phận, anh sớm rời quê hương Phố Lu đi bươn trải khắp nơi làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Sau một khoảng thời gian dài gắn bó hội khuyết tật ở Hà Nội, Vĩnh Phúc với chút nghề học được, anh Cự quyết định trở về quê hương nhằm mong muốn giúp đỡ những người chung số phận với mình. Tháng 6/2017, anh đứng lên thành lập Hợp tác xã khuyết tật Tình thương đầu tiên của tỉnh Lào Cai và kêu gọi những người khuyết tật ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh cùng tham gia. Anh Cự cho biết: “Những ngày đầu thành lập, chúng tôi gặp không ít khó khăn về vốn, mặt bằng, cũng như tìm thị trường cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, với một người không lành lặn thì việc làm quen với các công đoạn sản xuất tăm không hề dễ dàng. Thế nhưng bằng sự hỗ trợ giúp đỡ của nhiều người; nỗ lực vươn lên của những xã viên, Hợp tác xã cũng dần hoạt động ổn định”. Hiện Hợp tác xã đang tạo công ăn việc làm cho 18 người khuyết tật, với mức lương từ 1,5 - 3 triệu đồng. Với những người ở xa, Hợp tác xã đã tạo điều kiện về chỗ ăn, ở cho người lao động.

Sản xuất tăm tre của Hợp tác xã khuyết tật Tình thương. Ảnh: Trung Kiên

Mỗi người xã viên ở đây luôn mang trong mình khát khao được lao động, được trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội. Mặc dù học việc không hề dễ dàng, nhưng bằng ý chí, nghị lực vươn lên, chỉ sau một thời gian ngắn họ đều hoàn thành tốt công việc của mình. Chị Hoàng Thị Hà, bị khiếm thị vào làm việc ở đây ngay từ những ngày đầu Hợp tác xã thành lập hồ hởi nói: “Từ ngày vào làm việc ở đây, cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều. Công việc nhẹ nhàng, lại có thu nhập, mọi người thương yêu giúp đỡ nhau nên ai cũng cố gắng”.

Mong muốn của Hợp tác xã là tiếp tục mở thêm các ngành nghề khác để đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm giúp đỡ nhiều hơn cho những người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Đó mới chỉ là mong muốn của tương lai, còn hiện tại Hợp tác xã vẫn phải đi thuê, mượn địa điểm để làm cơ sở duy trì hoạt động sản xuất và làm nơi ở cho các xã viên. Thêm vào đó, do chưa được nhiều người biết đến nên các sản phẩm làm ra tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Điều mà anh Nguyễn Văn Cự cũng các xã viên Hợp tác xã khuyết tật tình thương mong mỏi là nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, giúp đỡ nhiều hơn cho những người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết