Những điều không thể không biết khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018

22:25 30-12-2017 | :255

Laocaitv.vn - Không áp dụng hình phạt tử hình với người đủ 75 tuổi trở lên, nộp lại ¾ tài sản tham ô cũng sẽ không bị án “tử”, cản trở ly hôn có thể bị phạt tù tới 3 năm, không có giấy phép lái xe có thể bị phạt tù tới 10 năm, sa thải lao động nữ đang mang thai trái luật bị phạt tù đến 3 năm... là những điểm đáng chú ý tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ 1/1/2018.

Xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trần Thị Nga về tội ‘‘Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam’’. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN
 
Nộp lại 3/4 tài sản tham ô sẽ không thi hành án tử hình
 
Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật đã bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình.
 
Theo đó, hình phạt tử hình không áp dụng đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. 
 
Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ.
 
Cản trở không cho ly hôn có thể bị phạt tù đến 3 năm
 
Điều 181 Bộ luật hình sự quy định “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
 
Không có giấy phép lái xe có thể bị phạt tù đến 10 năm
 
Theo quy định tại Bộ luật này, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1.500 triệu đồng.
 
Sa thải lao động nữ đang mang thai trái luật bị phạt tù đến 3 năm
 
Tại Điều 162 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; Sa thải trái pháp luật đối với người lao động; Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.
Sa thải người lao động trái phép đối với các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với 2 người trở lên; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát.
 
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
 
Trốn đóng bảo hiểm xã hội, có thể bị phạt 7 năm tù
 
Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” như sau:
 
Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên.
 
Xử lý hình sự với pháp nhân
 
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. 
 
Theo đó, tại Điều 76 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh được liệt kê. Các tội danh này đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường. Chế tài áp dụng đối với pháp nhân gồm phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn./.
 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết