Nới chính sách 1 con: Trung Quốc phá “bom nhân khẩu học” ra sao?

15:00 09-08-2018 | :645

Laocaitv.vn - Khi Trung Quốc nới lỏng chính sách 1 con, nước này vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn phát sinh.

Trung Quốc dường như đã quyết định đảo ngược chính sách kéo dài hàng thập kỷ nhằm hạn chế tăng trưởng dân số trong bối cảnh nước này đang muốn cố gắng giải quyết vấn đề phát sinh khi “quả bom hẹn giờ” nhân khẩu học của nước này manh nha phát nổ.

noi chinh sach 1 con trung quoc pha bom nhan khau hoc ra sao hinh 1
Chính sách một con của Trung Quốc đã được nới lỏng nhưng xã hội Trung Quốc vẫn cần thời gian để thích nghi. Ảnh: HuffPost.

Chính sách mỗi cặp vợ chồng ở Trung Quốc chỉ có 1 con kéo dài đến năm 2015 trước khi được nới lỏng một phần để cho phép một số cặp vợ chồng có hai con, nhưng việc triển khai chính thức cũng như bản thân sự đón nhận thay đổi của các gia đình ở Trung Quốc cho đến nay vẫn rất chậm chạp.

Một bài báo đăng trên tờ báo chính thống của Trung Quốc với tiêu đề: “Sinh con là vấn đề gia đình và cũng là vấn đề quốc gia” mới đây dường như là lời khuyến khích các cặp vợ chồng có thêm con và kêu gọi nhà chức trách cần có động thái chính thức để cho phép những người trẻ tuổi bắt đầu lập gia đình sinh thêm con.

Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc có bài viết cảnh báo “các tác động của tỷ lệ sinh thấp đến nền kinh tế và xã hội đã bắt đầu hiển hiện”. Bài viết được đăng trên trang mạng của Nhân dân nhật báo ngay lập tức thu hút hàng triệu lượt bình luận đã phần nào cho thấy sự quan tâm của người dân nước này đối với chính sách dân số.

Chính phủ Trung Quốc không lâu sau đó cho công bố một con tem bưu chính chính thức dường như là gợi ý về khả năng nước này có thể dỡ bỏ những hạn chế còn lại trong việc sinh đẻ đối với các cặp vợ chồng.

Con tem được phát hành trong tuần này để chuẩn bị cho năm Hợi 2019 (năm con lợn trong 12 con Giáp) sắp tới. Điểm đáng chú ý trên con tem này là hình ảnh một gia đình lợn với lợn bố, lợn mẹ và 3 chú lợn con. Một con tem kỷ niệm tương tự đã được phát hành vào năm 2016 để đánh dấu năm Thân (năm con khỉ). Khi đó, hình ảnh chỉ có khỉ bố, khỉ mẹ và 2 chú khỉ con – hình ảnh biểu tượng cho việc nới lỏng chính sách 1 con được duy trì suốt nhiều thập kỷ trước đó.

noi chinh sach 1 con trung quoc pha bom nhan khau hoc ra sao hinh 2
Con tem chào đón năm 2019 của Trung Quốc. Ảnh: CNN

Một con là không đủ

Trung Quốc đã đảo ngược chính sách dân số gây nhiều tranh cãi của nước này. Trong đó, phụ nữ buộc phải phá thai, phạt nặng và đuổi việc nếu cố tình sinh con thứ hai. Tỷ lệ sinh thấp đã khiến nước này gặp phải vấn đề về nhân khẩu học do thiếu trẻ em.

Lực lượng lao động của Trung Quốc đang bị thu hẹp lại. Thực tế cho thấy, có nhiều người trẻ ở Trung Quốc ngoài công việc còn chăm sóc cha mẹ của họ và cả ông bà nội, ngoại trong bối cảnh dịch vụ xã hội cho người già vẫn còn thiếu.

Trong năm 2017, tổng tỷ suất sinh trong cả nước ở Trung Quốc là 1,6 con/1 phụ nữ, thấp hơn mức trung bình 2,1 đã được ước tính là cần thiết để giữ cho dân số ổn định.

Vấn đề đặt ra là việc đảo ngược chính sách dân số đã tồn tại từ lâu khó có hiệu quả bởi tầng lớp trung lưu ở thành phố của Trung Quốc đã ổn định với tỷ lệ sinh thấp hơn cả so với ở các nước phương Tây.

Lý do chính ở đây được cho là do áp lực kinh tế. “Đặc biệt ở các thành phố, chi phí sinh và chăm sóc con ngày càng cao. Từ khi trẻ còn sơ sinh đến khi tới trường, chi phí đầu tư về kinh tế và thời gian đang tăng lên. Nhiều người trẻ sống ở các thành phố lớn không sẵn lòng sinh con”, tờ Nhân dân nhật báo viết.

Zhang Yiqi, tác giả của bài báo cho rằng, hành động của Chính phủ như cung cấp giáo dục, dịch vụ y tế là cần thiết để khuyến khích nhiều người có con hơn. “Khi đối mặt với mức sinh thấp, Chính phủ nên thực hiện nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề phát sinh và thỏa mãn mong mỏi của người dân, đó là theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

noi chinh sach 1 con trung quoc pha bom nhan khau hoc ra sao hinh 3
Biểu đồ già hóa dân số của Trung Quốc. Ảnh: CNN.

 Áp lực xã hội

Bài viết trên tờ Nhân dân nhật báo chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho một sự thay đổi hoàn toàn về vấn đề kế hoạch hóa gia đình hoặc thậm chí hướng tới việc khuyến khích sinh nhiều hơn.

Việc phát hành tem gia đình lợn là một thông điệp tinh tế và là “một dấu hiệu rõ ràng cho thấy giới chức Trung Quốc sẽ từ bỏ mọi hạn chế sinh đẻ”, Yi Fuxian, một nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison, nói với tờ Wall Street Journal.

Tháng trước, tòa án tối cao Trung Quốc đã bắt đầu xem xét giới thiệu một “giai đoạn bình tĩnh” trong 3 tháng cho các cặp vợ chồng muốn ly dị để họ có cơ hội xem xét lại quyết định của mình. Chính quyền một số tỉnh trong khi đó cũng đã trợ cấp tiền mặt cho các cặp đôi quyết định đi đến hôn nhân.

Tuy vậy, cũng có nhiều người lo ngại rằng việc khuyến khích có thêm con sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ - đối tượng phải chịu quá nhiều gánh nặng của chính sách một con trước đây.

Phụ nữ Trung Quốc đã phải đối mặt với những khó khăn đáng kể khi đi xin việc mặc dù luật lao động và các quy định cấm phân biệt đối xử về giới trong việc làm. Đã có những lo ngại một khi phụ nữ được sinh thêm con, cơ hội việc làm với họ càng bị thu hẹp lại.

Cuộc khảo sát của trang web tìm kiếm việc làm 51job.com năm ngoái cho thấy, có tới 75% các công ty phải miễn cưỡng khi thuê lao động là nữ giới khi Trung Quốc nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép một số gia đình có 2 con.

Một báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) chỉ ra rằng, nhiều nhà tuyển dụng ở Trung Quốc đã loại những phụ nữ chưa có con khỏi vòng ứng tuyển để tránh phải trả tiền cho chi phí thai sản của người lao động. HRW cũng dự đoán, hậu quả của việc nới lỏng chính sách một con “có thể làm trầm trọng hơn sự phân biệt đối xử về giới” khi tuyển dụng.

“Bên sử dụng lao động sẵn sàng bỏ qua những ứng viên là phụ nữ chưa có con cái vì lo ngại rằng giờ đây, họ có thể sẽ phải chịu áp lực từ việc chi trả chi phí thai sản 2 lần cho lao động nữ đó trong quá trình làm việc”, HRW nhận định./. 

Hùng Cường/VOV.VN

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết