Nông dân Lào Cai đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước

11:19 16-10-2017 | :967

Với lực lượng hội viên đông đảo, chiếm tới gần 80% tổng số hộ nông dân trong toàn tỉnh, trong những năm qua, Hội Nông dân Lào Cai đã tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sự đổi thay rõ rệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Hiện nay, Hội Nông dân Lào Cai có trên 94 nghìn hội viên, sinh hoạt tại gần 2 nghìn chi hội- Là tổ chức đoàn thể có đông hội viên nhất và có mặt ở tất cả các thôn, bản trong toàn tỉnh. Hoạt động của các cấp hội ngày càng đa dạng, phong phú, theo hướng mở rộng các dịch vụ hỗ trợ nông dân, lấy lợi ích thiết thực của nông dân làm động lực thúc đẩy, thu hút, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội. Duy trì đều đặn các phong trào thi đua yêu nước, mà nổi bật là 3 phong trào lớn: Phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” và Phong trào “Nông dân thi đua đảm bảo quốc phòng an ninh”.

Đặc biệt phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được triển khai hàng chục năm nay và kết quả đạt được năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện nay, toàn tỉnh có 15.272 hộ nông dân được suy tôn là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm tới 13% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, có tới trên 62 % số hộ sản xuất kinh doanh giỏi là đồng bào dân tộc thiểu số….Đây là những gương mặt điển hình, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, tìm mối liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ở vùng cao, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng số hộ sản xuất giỏi có thu nhập cao tới cả tỷ đồng mỗi năm ở Lào cai đã không còn hiếm. Đây là những nhân tố tích cực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để giúp nông dân sản xuất hiệu quả, phát triển kinh tế, Hội Nông dân  tỉnh đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền vận động, mở hàng chục buổi đối thoại  trực tiếp giữa nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với nông dâ, giữa Nông dân ới đại diện các cơ quan uản lý nhà nước  để hướng dẫn, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo, khó khăn của người nông dân - Đó là thiếu vốn, thiếu đất canh tác, thiếu kiến thức làm ăn, thiếu sức lao động…Từ đó, chỉ đạo Hội nông dân các cấp có hướng giúp đỡ, cùng bà con tháo gỡ khó khăn, tìm hướng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Theo đó, ngoài việc tạo điều kiện cho  nông dân vay vốn; các cấp hội nông dân đã cùng các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, định hướng tiêu thụ nông sản cho nông dân…để giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất.

Với sự năng động của người dân, phong trào thi đua sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã phát triển tăng về số lượng, quy mô và hiệu quả kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao, đó là điều kiện quan trọng để  bà con nông dân tích cực tham gia xây dựng Chương trình nông thôn mới. Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” trong những năm qua đã được các cấp Hội tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức phong phú. Trong đó, chú trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động. Thông qua các buổi sinh hoạt, các lớp tập huấn, tổ chức Hội thi Nhà nông đua tài với chủ đề "Xây dựng nông thôn mới" thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia học tập. Từ đó, nông dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của chương trình; thấy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện từng tiêu chí. Khắp nơi trong tỉnh đã dấy lên phong trào tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng nông thôn mới. Tính từ năm 2011 khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nông dân các dân tộc Lào Cai đã đóng góp trên 340 tỷ đồng, gần 3 triệu ngày công lao động, hiến trên 128 ha đất để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng kết cấu hạ tầng, vệ sinh môi trường nông thôn...Đó là con số rất nhỏ so với sự đầu tư của mỗi hộ gia đình để chỉnh trang nhà cửa, xây dựng công trình phụ, làm đường liên gia, mua sắm vật dụng sinh hoạt đáp ứng nhu cầu của các tiêu chí Vệ sinh môi trường, tiêu chí Văn hoá....Cho đến nay, toàn tỉnh đã có 28 xã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới, và dự kiến sẽ có thêm 6 tới xã hoàn thành toàn diện 19 tiêu chí trong năm 2017 này. Ở vùng thấp, việc xây dựng nông thôn mới đã khó khăn thì ở vùng cao, nhiệm vụ này còn khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt khó là các tiêu chí Thu nhập, giao thông và tiêu chí Vệ sinh môi trường... Bằng cách làm sáng tạo, Hội nông dân các cấp đã vận động hội viên của mình tham gia. Không chỉ đóng góp tiền của, công sức cụ thể, mà quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tập tục của đồng bào vùng cao. Ông Lương Văn Luân, chủ tịch Hội nông dân xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng cho biết, chung sức xây dựng nông thôn mới, Hội nông dân xã đã tích cực vận động hội viên của mình tham gia, từ đó đưa Phong Niên đạt được khá nhiều tiêu chí. Nhưng Hội vẫn còn rất trăn trở đối với tiêu chí Vệ sinh môi trường.

Đối với Phong trào “Nông dân thi đua đảm bảo quốc phòng an ninh”. Hội gắn kết chặt chẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở nông thôn, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chính sách người có công với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh. Các cấp Hội tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật, Kiến thức quốc phòng an ninh, Luật nghĩa vụ quân sự và chính sách hậu phương quân đội; phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý; buôn bán phụ nữ, trẻ em; Hiệp định, Hiệp ước biên giới, Luật biên giới; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và hòa giải ở cơ sở.

Những kết quả của công tác Hội và phong trào nông dân nêu trên đã góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn. Góp phần quan trọng giảm số hộ nghèo toàn tỉnh từ 53. 605 hộ ( tỷ lệ 34,3%) vào cuối năm 2015 xuống còn 43.835 hộ (tỷ lệ 27,41%) vào cuối năm 2016 (theo tiêu chí mới); từng bước thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn Lào Cai  phát triển.

Giai đoạn mới (2016 – 2020), mục tiêu của tỉnh Lào Cai đặt ra là bình quân mỗi năm giảm hộ nghèo từ 3 – 4%; phấn đấu đến năm 2020 sẽ có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 50 xã. Riêng năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 08 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Để đạt được các mục tiêu này, các cấp Hội nông dân đã và đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống các ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng người nghèo đóng chân trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp...cùng một số đơn vị, tổ chức hội liên quan để tạo điều kiện giúp đỡ các hộ nông dân về mặt chuyển giao tiến bộ  khoa học kỹ thuật, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của hệ thống ngân hàng hay liên kết, liên doanh trong việc sản xuất ra những hàng hoá nông sản an toàn, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm…Những hoạt động này ngày càng được tổ chức hội Nông dân các cấp đẩy mạnh, nhằm giúp phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh ngày càng mở rộng, đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu phát phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai trong những năm tiếp theo.                                                      

  An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết