Nước, bùn thải sau sự cố vỡ đập ở Lào Cai đã đạt ngưỡng an toàn?

08:03 12-09-2018 | :843

Laocaitv.vn - Việc một lượng lớn nước, bùn thải của nhà máy phân bón DAP số 2 bị tràn ra ngoài sau sự cố vỡ đập khiến người dân lo ngại ảnh hưởng tới môi trường.

Dư luận đang lo ngại về việc một lượng lớn nước và bùn thải của Nhà máy Phân bón DAP số 2 (tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) bị tràn ra ngoài sau sự cố vỡ đập xảy ra vào trưa 7/9 vừa qua, nếu không khống chế triệt để sẽ rất nguy hại tới môi trường xung quanh, cũng như các sông suối ở hạ lưu.

nuoc bun tran ra tu bai thai cua nha may phan bon duoc xu ly the nao hinh 1
 
Ông Lê Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lào Cai phát biểu trước báo chí.

Trước vấn đề này, ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố, Sở đã chỉ đạo ngay Chi cục Bảo vệ Môi trường trực tiếp phối hợp với doanh nghiệp huy động vôi bột và sữa vôi cùng nhân công, máy móc nhanh chóng khống chế, xử lý acid trong nước và bùn thải.

Hai nhóm quan trắc được thành lập, phân làm hai hướng dọc theo hai con suối. Một suối chảy hướng xã Xuân Giao, một suối chảy hướng xã Phú Nhuận trước khi nhập vào sông Hồng.

"Chúng tôi đã cho anh em dùng thiết bị đo nhanh độ PH để xem mức độ lan truyền của nước thải từ trong hồ này ra đến đâu cũng như độ PH cụ thể ảnh hưởng trong các khe suối là như thế nào. Trên cơ sở đó cấp vôi xuống những vị trí dọc theo các suối, kết hợp với quan trắc để điều tiết liều lượng làm sao vừa trung hòa được acid vừa đảm bảo lượng vôi sử dụng không bị dư thừa", ông Dương cho biết. 

Sau quá trình triển khai liên tục, kết quả cho thấy đã khả quan. So với độ PH quan trắc ban đầu khi vừa xảy ra sự cố trên nguồn thải trực tiếp, cũng như trên các suối lân cận dao động từ 1,9 - 2,8 thì tới ngày 9/9, độ PH tại các nguồn đã ổn định trong ngưỡng cho phép từ 6,6 - 9,0.

Hiện chỉ còn vị trí chân đập, khả năng vẫn còn một lượng nước ngầm ở các địa hình xung quanh ngấm ra các khe suối là còn acid tồn dư,

Sở đã giao cho đội ngũ chuyên môn tiếp tục theo dõi, trong trường hợp độ PH thấp chưa đạt yêu cầu thì tiếp tục dùng sữa vôi để trung hòa.

Ngoài ra, trong tổng lượng 45.000m3 nước và bùn thải bị tràn ra môi trường sau sự cố, có một phần khi lực lượng chức năng chưa kịp có mặt xử lý đã thất thoát về phía hạ lưu, lượng acid trong đó chắc chắn chưa trung hòa hết.

Tuy nhiên, ông Dương cho rằng vấn đề này không quá lo ngại bởi thời điểm này đang mưa lũ, lượng mưa lớn.

Theo kết quả quan trắc nước trên sông Hồng và các sông suối ở phía hạ lưu trong đó có tỉnh Yên Bái cũng cho thấy độ PH nằm trong ngưỡng cho phép.

Đến chiều 10/9, chuỗi số liệu quan trắc cho thấy, nước trên các sông suối tại thượng nguồn đều đã đảm bảo.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã gửi đi thông báo tới các địa phương tại hạ lưu để thông tin cho người dân về việc có thể yên tâm khai thác, sử dụng nguồn nước trở lại.

Còn đối với lượng bùn thải tràn ra môi trường, hiện nay chưa xác định được khối lượng, nhưng cũng mang tính acid tương tự như nước thải và chủ yếu tích đọng tại chỗ ngay gần vị trí xảy ra sự cố, lượng thoát ra các khe suối rất ít. Sau khi khắc phục triệt để phần nước thải thì sẽ xử lý đến bùn.

Ông Dương cho biết thêm, đã yêu cầu Công ty Cổ phần DAP số 2 phải nạo vét toàn bộ số bùn này trả về lòng hồ như hiện trạng ban đầu.

Trong thành phần bùn có thể tồn tại một số kim loại nặng tuy nhiên hàm lượng và ngưỡng bao nhiêu, thì hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu về phân tích, cần phải chờ kết quả mới có đánh giá cụ thể./.

An Kiên/VOV-Tây Bắc

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết