Laocaitv.vn - Phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ em ở gia đình là trách nhiệm của cả ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, người bà, người mẹ có những thế mạnh vượt trội trong việc giáo dục kĩ năng sống, cần khai thác và phát huy.
Laocaitv.vn - Phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục kĩ năng sống cho trẻ em ở gia đình là trách nhiệm của cả ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, người bà, người mẹ có những thế mạnh vượt trội trong việc giáo dục kĩ năng sống, cần khai thác và phát huy.
Kĩ năng sống là năng lực thực hiện thành thạo, thuần thục những hoạt động nhằm đem lại kết quả tốt cho cuộc sống. Cuộc sống ngày nay yêu cầu mỗi người có nhiều kĩ năng để đáp ứng yêu cầu trong học tập, lao động nghề nghiệp, quan hệ gia đình và xã hội, ứng phó với môi trường và có đời sống sinh hoạt bản thân tốt đẹp. Nếu chia theo phạm vi hoạt động, có các kĩ năng lao động, kĩ năng giao tiếp xã hội, kĩ năng ứng xử với môi trường xung quanh, kĩ năng đời sống sinh hoạt hàng ngày và kĩ năng rèn luyện giữ gìn sức khỏe bản thân. Nếu chia theo chu trình hoạt động, có các kĩ năng quan sát đánh giá thực tế, kĩ năng đề ra mục tiêu và xây dựng kế hoạch thực hiện, kĩ năng triển khai thực hiện... Các kĩ năng cần có quá trình rèn luyện, tập dượt để hình thành và trở nên thành thạo từ thủa bé thơ, nâng cao dần trong quá trình trưởng thành để có kĩ năng thuần thục ngay trong cuộc sống hàng ngày và vững vàng bước vào đời.
Trong việc rèn luyện kĩ năng cho trẻ em ở gia đình, người ông, người bố có thế mạnh vượt trội ở lĩnh vực kĩ thuật nghề nghiệp, ở đức tính mạnh mẽ, táo bạo, dứt khoát. Người bà, người mẹ có thế mạnh vượt trội về kĩ năng cuộc sống gia đình và cuộc sống bản thân, ở đức tính mềm dẻo, khéo léo, tế nhị, chỉn chu, bền bỉ, kiên trì. Những mặt mạnh vượt trội của người bà, người mẹ phát huy rất có hiệu quả trong việc rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ em giai đoạn tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đến lúc bắt đầu trưởng thành, kĩ năng sống trong giáo tiếp xã hội, trong cuộc sống gia đình, cuộc sống cá nhân, đặc biệt là với trẻ em gái.
Giai đoạn từ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển con người, không chỉ bởi lứa tuổi này còn non yếu mà quan trọng là giai đoạn hình thành những nhân tố cơ sở, căn bản cho con người trưởng thành. Tình yêu thương của bà, của mẹ, sự chỉn chu khéo léo, sự tế nhị, tính kiên trì của bà của mẹ không chỉ là sự chăm sóc mà quan trọng là hình thành nền nếp thói quen trở thành kĩ năng cơ sở cho trẻ em lớn lên, mang theo suốt cuộc đời. Kĩ năng thao tác các công việc tự chăm sóc bản thân, kĩ năng xếp dọn vệ sinh nhà cửa, kĩ năng nấu nướng và cao hơn là kĩ năng quản lí thời gian ở nhà, quản lí tiền nong cá nhân, mua sắm thức ăn, tổ chức bữa ăn từ khâu chuẩn bị đến nấu nướng, bầy xếp cho đến lúc thu dọn. Nhưng kĩ năng nói trên cần cho cả trẻ em trai và gái. Dù cuộc sống có thay đổi thế nào, kĩ năng tổ chức đời sống cá nhân và đời sống gia đình vẫn là kĩ năng cơ bản cần thiết cho mỗi con người. Có kĩ năng đó, sau này sẽ là người biết chăm lo cuộc sống gia đình tốt, vợ chồng biết chia sẻ công việc trong sự phối hợp hài hòa. Kĩ năng tự chăm lo đời sống cá nhân cần cho cả trẻ em trai và gái, nhưng với trẻ em gái, cần quan tâm rèn luyện kĩ năng chăm lo đời sống bản thân tỉ mỉ hơn mang tính đặc thù giới tính. Chính người bà, người mẹ cần đặc biệt quan tâm giáo dục kĩ năng sống theo đặc điểm nữ giới của trẻ em. Đó là rèn luyện kĩ năng biết mạnh dạn, táo bạo mà vẫn ý tứ dịu dàng, biết làm đẹp một cách tự nhiên, biết vệ sinh thân thể, biết giữ gìn vệ sinh phụ nữ, biết tự bảo vệ mình trong cuộc sống phức tạp, đa dạng hiện nay.
Tuy nhiên, thế mạnh vượt trội của người ông, người bố và thế mạnh vượt trội của người bà, người mẹ rất cần bổ sung cho nhau trong quá trình giáo dục rèn luyện kĩ năng sống cho con cháu cả trai và gái. Phát huy những thế mạnh vượt trội nói trên với sự phối hợp khéo léo chính là biện pháp quan trọng vừa đảm bảo bình đẳng giới, vừa phát triển đặc điểm giới tính một cách hài hòa, tạo nên vẻ đẹp toàn mĩ của con người, đảm bảo cuộc sống hạnh phúc bền vững.
Cao Văn Tư
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết