Laocaitv.vn - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sáng 6/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Laocaitv.vn - Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sáng 6/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Đẩy mạnh hướng nghiệp và tự chủ đại học
Nhằm làm rõ thêm phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội, sáng 6/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời, làm rõ thêm 5 vấn đề bức xúc, nổi cộm của ngành giáo dục, gồm: Phổ cập mầm non và các vấn đề tiêu cực, nhất là bạo hành trong cơ sở mầm non; tình trạng 200 nghìn cử nhân thất nghiệp; công tác phân tích, định hướng cho ngành, nghề cho học sinh; chất lượng đào tạo, đặc biệt là ở bậc giáo dục đại học; vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Về vấn đề phổ cập giáo dục mầm non và bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ở một số nơi, Phó Thủ tướng cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan tới chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Dẫn số liệu hiện nay có khoảng hơn 60% giáo viên mầm non có trình độ từ cao đẳng trở lên, trên 30% có trình độ trung cấp, Phó Thủ tướng cho rằng việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trong các trường sư phạm là rất quan trọng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm liên quan trong việc kiểm tra, xét cho mở trường và các nhóm lớp độc lập.
Bên cạnh đó, do độ bao phủ của bậc mầm non còn thấp, chỉ 27,7%, một số cơ sở giáo dục có xu hướng chọn đối tượng dễ chăm sóc nên không nhận trẻ từ đủ 3 tháng tuổi dù luật đã quy định. Từ thực trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng cần phát triển nhanh các trường, cụm lớp độc lập đủ điều kiện. Phó Thủ tướng mong muốn chính quyền tại các địa phương chung tay để cùng thực hiện tốt hơn vấn đề này, đặc biệt những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp nhằm giảm bớt nỗi lo và khó khăn cho công nhân. Ngoài việc lập trường công, rất cần mô hình nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ một phần cho trường tư mở địa điểm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với các giáo viên có bạo hành với trẻ em, Phó Thủ tướng cương quyết đề nghị trong mọi trường hợp phải đưa ra khỏi ngành, bởi “không thể vì một số cá nhân gây ảnh hưởng chung đến toàn ngành”.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Liên quan tới thực trạng 200 nghìn người có trình độ đại học bị thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp, chiếm tỷ lệ khoảng trên 4%, Phó Thủ tướng cho rằng, con số này ở nhiều nước trên thế giới trung bình là khoảng 7%. Do đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chúng ta yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc 100% là không đúng”, đây là “việc bình thường ở thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Để khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng, đầu tiên phải thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ trung học cơ sở. Sau khi phân luồng, trong quá trình học nghề học sinh sẽ tiếp tục được học văn hóa song song, nên không cần lo lắng sẽ có tình trạng học sinh vì học nghề sớm mà thiếu kiến thức văn hóa. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đẩy mạnh tự chủ, tăng cường kiểm định, xếp hạng đại học; thông qua phân tích số liệu tuyển sinh các năm để có định hướng cho học sinh về những ngành nghề có tương lai việc làm tốt hơn.
Phó Thủ tướng cho biết, các nhóm ngành đào tạo có tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm cao nhất là: Nhóm ngành đào tạo khoa học, giáo dục và nhóm liên quan đến các dịch vụ xã hội (19%), nhóm ngành về môi trường, pháp luật (17%).
Làm rõ hơn các ý kiến của đại biểu về vấn đề chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng giáo dục đại học, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian vừa qua; đồng thời cho rằng việc Việt Nam đẩy mạnh tự chủ, nghiên cứu và đặt ra các chương trình quyết liệt để đổi mới giáo dục đại học trong 3 năm vừa qua là điều rất đáng mừng, hướng tới đặt mục tiêu sau 3 năm tới Việt Nam có ít nhất một trường nằm trong top 1.000 của thế giới.
Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Phó Thủ tướng khẳng định có nhiều giải pháp để phân định các nhiệm vụ trong đổi mới này, trong đó có công tác đổi mới: Hệ thống, khung trình độ, chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy gắn với giáo viên, phương pháp kiểm định, đánh giá và thi cử, vấn đề về cơ sở vật chất, đổi mới quản lý nhà nước và quản trị các trường, các cơ sở giáo dục.
Hướng tới việc đổi mới toàn diện, Phó Thủ tướng yêu cầu cần khắc phục điểm yếu cố hữu trong giáo dục từ phổ thông đến đại học, đó là thói quen "nhồi nhét" kiến thức và không khuyến khích sáng tạo cá nhân của cả học sinh và giáo viên. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề hệ thống đào tạo thiếu liên thông, câu chuyện cố chạy theo bằng cấp, nặng về chỉ đạo hành chính, không khuyến khích tự chủ trong các trường đại học… cũng cần nhanh chóng thay đổi.
Chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thay mặt cho Bộ Nội vụ làm rõ thêm một số vấn đề của các đại biểu quan tâm.
Về vấn đề hợp đồng đối với giáo viên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Thời gian qua nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng để làm công tác chuyên môn rất lớn, một số đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cho được hợp đồng. Do đó, cần chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định; rà soát, sắp xếp lại ngay trong năm 2018. Để thực hiện nghiêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị cần đánh giá lại năng lực đối với các giáo viên thực hiện hợp đồng.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có quy định gián tiếp quản lý trong các cơ sở giáo dục, ưu tiên những người làm chuyên môn, nghiệp vụ phải chiếm tỷ lệ trên 65%, bởi hiện nay nhân sự làm công tác hành chính, quản lý chuyên môn chiếm tỷ lệ còn khá lớn. Bộ trưởng cũng đề nghị cần sắp xếp, tính toán lại định mức trong các trường trên cơ sở số lớp trong trường, số giờ dạy của giáo viên.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại những địa phương tăng dân số cơ học, bên cạnh việc nghiên cứu bổ sung biên chế để tránh trường hợp thiếu giáo viên hoặc thiếu người phục vụ trong các trường học, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế để xem xét lại những trường hợp địa phương tăng dân số cơ học, không thể tự cân đối, không để “người bệnh không có thầy thuốc, học sinh không có giáo viên giảng dạy”.
Hiện nay, vấn đề tuyển dụng đối với giáo viên mầm non đang được thực hiện theo quy định về tuyển dụng của công chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Trong Quyết định số 60 ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về chính sách đối với giáo viên mầm non trong giai đoạn 2011-2015: "Giáo viên trong đó bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non, kể cả công lập và dân lập được nhà nước hỗ trợ ngân sách để các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện trả lương cho giáo viên mầm non theo thang bảng lương quy định, được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên mầm non có cùng trình độ đào tạo đang làm việc hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập".
Bộ trưởng khẳng định đây là chính sách rất mở cho giáo dục mầm non. Trong Thông tư liên tịch 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ ngày 11/3/2013 cụ thể hóa về chính sách này đã thể hiện rõ, bổ sung thêm các khoản về chính sách đối với giáo viên mầm non. Nghị định số 06 của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/1/2018 Chính phủ cũng đã quy định về chính sách đối với giáo viên mầm non. Những đối tượng này nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ được ký hợp đồng lao động và xếp lương là chức danh giáo viên mầm non ở hạng 4 và hưởng chế độ chính sách quy định như giáo viên mầm non ở cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết