Laocaitv.vn - Trong những năm qua, các cấp các ngành tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, đã huy động được sự tham gia của chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong đấu tranh với thực phẩm không an toàn.
Tuy nhiên, các kết quả đạt được chưa bền vững, điển hình như năm 2017 tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính đã tăng mạnh từ 3,3 ca/ 100.000 dân (năm 2016) lên 24,2 ca/ 100.000 dân (năm 2017). Qua phân tích các vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy: việc quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa triệt để, có cơ sở nhiều năm không được kiểm tra; còn có cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác (như hoa quả, bánh kẹo, đồ uống trẻ em, thực phẩm đông lạnh); việc thực hiện điều kiện ATTP và kiểm tra, kiểm soát tại bếp ăn tập thể trong trường học còn hạn chế; tuyên truyền kiến thức ATTP chưa triển khai đầy đủ. Các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây phần lớn liên quan đến hạn chế về kiến thức, hiểu biết, thực hành ATTP của người dân.
Liên ngành tỉnh, thành phố kiểm tra vệ sinh ATTP tại chợ Duyên Hải. (Ảnh: Cao Bá Quý)
Năm 2018, để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm và giảm tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi tập quán trong chế biến, sử dụng thực phẩm không an toàn tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức thực hiện ký cam kết với chính quyền địa phương khi tổ chức bữa ăn đông người đến tất cả thôn/ bản/ tổ dân phố và hộ gia đình; các cơ quan chuyên môn về quản lý ATTP tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp, không để tiếp tục xảy ra tình trạng có cơ sở thuộc diện phải kiểm tra nhưng không được kiểm tra hàng năm.
Tỉnh Lào Cai đã quy định rõ trách nhiệm khi xảy ra sự cố ATTP, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, như sau: Tổ chức cá nhân cung cấp thực phẩm phải chịu trách nhiệm theo Điều 53 Luật ATTP; Nếu cơ quan/ ngành quản lý Nhà nước không thực hiện trách nhiệm đầy đủ, để cơ sở cung cấp thực phẩm gây ra sự cố ATTP hoặc sự cố ATTP xảy ra trực tiếp tại cơ sở thì cơ quan/ ngành đó chịu trách nhiệm; Nếu xảy ra tại hộ gia đình thì trách nhiệm thuộc chính quyền cơ sở (chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, đầu tư kinh phí, kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTP cho nhân dân).
Cao Bá Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết