Quy hoạch phát triển: Bài toán khó cho nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai

14:03 25-09-2018 | :1252

Laocaitv.vn - Nghề nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai đang bộc lộ những tồn tại, bất cập, trong đó, quy hoạch phát triển là bài toán lớn nhất chưa có lời giải.

Thấy một số gia đình đầu tư trang trại nuôi cá nước lạnh hiệu quả, ông Nguyễn Văn Lũy ở thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã tận dụng diện tích ao hồ cạnh nhà, cải tạo thành 3 bể nuôi cá hồi, tổng diện tích 900m2.

Đến nay, mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 20- 25 tấn cá hồi, trừ mọi chi phí lãi gần 2 tỷ đồng. Ông Lũy cho biết, nghề này nghe có vẻ “ngon ăn” nhưng cũng gặp không ít cay đắng.

Cách đây đúng 5 năm, trận lũ dữ ùa về Bản Khoang, cả trại cá của ông biến thành bãi đất đá ngổn ngang, hoang tàn. Hàng chục tấn cá trôi theo dòng nước lũ trong sự tuyệt vọng của ông. Năm đó, ông cùng các thành viên trong HTX Can Hồ trắng tay.

Tiếp tục vay vốn đầu tư trở lại, hai năm sau, một đêm tháng 3/2015, cả trại cá của gia đình ông Lũy bỗng dưng chết trắng, không còn một con.

Quy hoạch phát triển đang bài toán khó cho nghề nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai. (Ảnh: KT)

Không chỉ riêng gia đình ông Lũy, thi thoảng ở Sa Pa lại xảy ra việc cá tầm, cá hồi chết hàng loạt một cách bất thường. Người nuôi thì cho rằng, có kẻ dùng thuốc sâu đổ vào nguồn nước để hãm hại.

Cũng liên quan đến nguồn nước, vào mùa mưa khi lũ quét tràn về, ở những khe nước được cho là an toàn để nuôi cá, hiện giờ dòng chảy biến động không ngờ, lũ ào về nhanh cuốn trôi tất cả. Chính vì trong quá trình đầu tư, người nuôi không nghiên cứu kỹ sự ổn định của nguồn nước, dẫn đến nhiều nhà trắng tay trong tích tắc.

Bên cạnh đó, có năm vào mùa khô, một số xã của huyện Sa Pa do hạn hán kéo dài, nguồn nước lạnh phục vụ cho các trang trại nuôi cá gần như cạn kiệt, làm cho cá tầm, cá hồi của một số cơ sở bị chết hàng loạt. Cũng do hạn hán mà xảy ra tranh chấp nguồn nước giữa các cơ sở nuôi cá.

Ông Nguyễn Đình Hải, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết, chính vì độ rủi ro trong đầu tư nuôi cá nước lạnh cao, nên việc cho vay vốn lĩnh vực này được đơn vị hết sức cẩn trọng: “Việc đầu tư cho vay nuôi cá nước lạnh, đối với môi trường đòi hỏi phải có nguồn nước tốt và phải có tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với việc đầu tư chăn nuôi. Cho nên việc cho vay vốn cũng gặp nhiều khó khăn”. 

Nuôi cá nước lạnh đang là nghề ăn nên làm ra và phát triển khá nhanh tại Lào Cai. Tính đến tháng 6/2018, Lào Cai có trên 51.500m3 bồn bể, sản lượng ước đạt trên 360 tấn, chủ yếu là cá hồi vân và cá tầm. 96 cơ sở nuôi giải quyết công ăn việc làm cho 300 lao động tại địa phương mang lại giá trị sản xuất của ngành ước đạt trên 75 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, bên cạnh những thành công, sau nhiều năm phát triển, nghề nuôi cá nước lạnh trong tỉnh cũng bộc lộ nhiều tồn tại. Điển hình như việc các hộ dân vẫn chăn nuôi tự phát, không tuân theo quy hoạch. Nhiều cơ sở chung một nguồn nước gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng đến việc quản lý dịch bệnh và chất lượng sản phẩm.

“Đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai không điều chỉnh để tăng quy hoạch nuôi cá nước lạnh vì có một số nguyên nhân. Thứ nhất, việc nuôi cá nước lạnh đều ở vị trí có nguy cơ thiên tai cao, mất an toàn cho cả sản xuất và con người. Thứ hai là nguồn tài nguyên nước ở những nơi có đủ điều kiện cũng đã không còn", ông Nguyễn Xuân Nhẫn cho hay.

Do đó, theo ông Nhẫn, giải pháp liên quan đến vấn đề này chủ yếu là nâng cao năng suất, đưa khoa học công nghệ vào để nuôi với mật độ cao hơn, tăng sản lượng lên nhưng không mở rộng về quy mô và diện tích. Đối với những vùng thực sự có nguy cơ cao về thiên tai thì khuyến cáo người dân và cảnh báo chính quyền địa phương có biện pháp cưỡng chế để người dân không chăn nuôi ở vùng này.

Để khắc phục những khó khăn mà nghề nuôi cá nước lạnh đang gặp phải, trước mắt tỉnh Lào Cai cần khảo sát cụ thể để xác định địa điểm nguồn nước lạnh ở từng địa phương, từ đó xây dựng quy hoạch phát triển nghề này. Việc tổ chức quy hoạch vùng nuôi phải trong tầm tay của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương./.

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết