Sức mạnh của Gia đình Việt Nam

05:34 28-06-2018 | :5448

Laocaitv.vn - Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt. Gia đình được coi là xã hội thu nhỏ. Nhiều gia đình gộp lại sẽ là một xã hội rộng lớn. Cho nên gia đình Việt Nam có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng ở bất cứ thời đại nào. Ngày nay, trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các gia đình đã chung sức, chung lòng cùng với toàn Đảng và toàn dân tộc làm nên một Việt Nam ngời sáng, trở thành một quốc gia uy tín, có tiếng nói trong khu vực và trên trường quốc tế.

 

Gia đình hạnh phúc góp phần tạo nên sự thành công trong cuộc sống. (Ảnh minh họa)

Xác định gia đình có vai trò quan trọng trong đời sống-xã hội, Chính phủ đã quyết dịnh lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm là Ngày gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh giá trị truyền thống của gia đình. Đây cũng là dịp để các gia đình có điều kiện xem lại mình qua một năm làm được gì, chưa làm được gì, cái gì cần rút kinh nghiệm và tiếp tục có hướng mở cho tương lai. Khác với gia đình của các nước trên thế giới, gia đình Việt Nam vừa mang tính Á Đông vừa có nét rất đặc thù của một quốc gia có nề nếp gia phong từ ngàn xưa. Khi có giặc đến xâm lược, các thành viên trong các gia đình hợp lại với nhau thành nghĩa quân dưới sự chỉ đạo của thủ lĩnh quyết chiến đấu đến cùng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Khi đất nước độc lập, thống nhất, mọi gia đình bắt tay vào làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ giang sơn. Truyền thống quý báu đó đã trở thành nét đặc thù rất Việt Nam. Ngày nay, gia đình  đóng một vai trò, vị trí quan trọng hơn bao giờ hết. Đất nước muốn phát triển đi lên, trước hết là ý thức, trách nhiệm của từng gia đình trong cộng đồng xã hội. Có một thời, tất cả đều đổ dồn cho Nhà nước, mọi người chỉ biết vun vén cá nhân, làm thế nào đem về túi của mình càng nhiều càng tốt. Bây giờ, nhận thức đã thay đổi hẳn. Rất nhiều công trình, phần việc đều do Nhà nước và nhân dân, gia đình cùng làm. Do có sự đồng tâm nhất trí cao, trong hơn 30 năm đổi mới do Đảng khởi xướng, nền kinh tế-xã hội của Việt Nam đã có bước phát triển rực rỡ. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Việt Nam từ một nền kinh tế hạch toán theo cơ chế quan liêu, bao cấp đã chuyển động sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hàng hóa thiếu thốn, từ chỗ phân phối từ cái kim, sợi chỉ thì nay cung cơ bản đáp ứng cầu. Thậm chí hàng hóa dồi dào đã coi “Khách hàng là thượng đế”. Thành công ấy có sự đóng góp không nhỏ của các gia đình Việt Nam.

Tất cả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, các gia đình Việt Nam không quản hy sinh gian khổ, đóng góp sức người, sức của cho đất nước phát triển. Lớp lớp con em ra tiền tuyến đánh giặc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lập nên chiến công hiển hách có một không hai của thế kỷ XX. Sau khi đất nước thống nhất, lớp lớp con em các gia đình lại bắt tay vào học tập, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nghiên cứu các vùng kinh tế trọng điểm, đầu tư vào làm kinh tế xây dựng đất nước. Rất nhiều công trình lớn ra đời có sự đóng góp của các chuyên gia Việt Nam, thay vì trước đây các công trình trọng điểm đều do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm. Tất cả các chuyên gia, chuyên viên ấy đều xuất phát từ gia đình Việt Nam mà ra.

Ngày nay, rất nhiều gia đình Việt Nam trở thành những tấm gương tiêu biểu, đóng góp hết sức tích cực cho sự nghiệp chung. Nhiều gia đình đã bán cả đàn trâu, đàn bò mấy chục con để mua Công trái xây dựng Tổ quốc. Nhiều gia đình đã hiến đất làm nhà công vụ, làm đường giao thông công cộng mà không đòi hỏi một chế độ gì. Nhiều gia đình đã ủng hộ hàng tỷ đồng để xây dựng trường học cho con em được học hành dưới mái trường khang trang, sạch sẽ. Rồi các phong trào “Lá lành đùm lá rách”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà đại đoàn kết”, “Quỹ vì người nghèo” luôn nhận được sự hảo tâm, lòng nhân ái của các gia đình, giúp những hoàn cảnh éo le sớm qua cơn hoạn nạn. Những lúc như vậy mới thấy giá trị của “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Bản chất gia đình Việt Nam rất trong sáng và luôn sống có tính cộng đồng rất cao. Xây dựng và phát huy gia đình truyền thống là một việc làm cần thiết. Qua đó góp phần tôn vinh nét đẹp của gia đình Việt Nam ở bất kỳ thời đại nào.

Bên cạnh những gia đình nền nếp, thường xuyên nuôi dạy con cái biết kính trên nhường dưới, rèn nhân cách giúp con trẻ bước vào đời và có ích cho xã hội, vẫn còn có gia đình trên không hòa, dưới không thuận, nội bộ mất đoàn kết, gia phong bị đảo lộn, cha nghiện ngập, thường xuyên đánh vợ, chửi con. Suốt ngày ầm ỹ làm mất trật tự hàng xóm. Thậm chí có nhiều gia đình còn có con nghiện hút, không chịu lao động mà lại ăn tàn phá hại tiền của của gia đình. Ở một số nơi còn gia tăng bạo lực gia đình làm mất đi nét đẹp truyền thống của cha ông ngàn xưa để lại. Trong số có hành vi bạo lực gia đình, không ít trường hợp học hành đến nơi đến chốn, có chức sắc, cương vị trong xã hội, thậm chí có người còn xuất thân là con nhà gia giáo. Những thói hư tật xấu ấy cần được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm chỉnh sửa, giáo dục, nhắc nhở để gia đình Việt Nam luôn luôn xứng đáng là những hạt nhân tốt ở mọi lúc, mọi nơi, trong cộng đồng và xã hội.

Xây dựng gia đình Việt Nam kiểu mẫu, trở thành sức mạnh của toàn dân tộc mới là cốt lõi của chúng ta. Khi gia đình tốt thì xã hội sẽ có sức mạnh. Như vậy, chúng ta mới đủ sức vững vàng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam rồi đây sẽ là một nước lớn mạnh trong khu vực và trên thế giới bởi chúng ta có sự đoàn kết, thống nhất, tất cả phấn đấu vì sự phồn vinh của đất nước.

Kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 28 tháng 6 năm nay, Lào Cai cũng như cả nước tiếp tục phát huy truyền thống cha ông, quyết tâm xây dựng gia đình Việt Nam ngày càng bền vững theo tiêu chí: Ông bà, cha mẹ là tấm gương mẫu mực, con cháu hiếu thảo, học giỏi, chăm ngoan. Tất cả cùng chung tay góp sức dựng xây vì một Việt Nam phồn vinh, phát triển và đổi mới. 

Nguyễn An Chiến

 

                                                                     


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết