Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Xuân Phong – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo một số sở ngành; cùng các trưởng, phó phòng, đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác giải quyết thủ tục hành chính; UBND huyện Sa Pa, Bát Xát và thành phố Lào Cai.
Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, chỉ đạo, đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cơ quan, đơn vị, góp phần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC, cụ thể: công tác cải cách TTHC, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 545 TTHC thực hiện cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết, trong đó tập trung vào các TTHC có tần suất thực hiện giao dịch nhiều, bao gồm: 398 TTHC cấp tỉnh, 95 TTHC cấp huyện và 52 TTHC cấp xã. Kết quả, đến ngày 15/11/2018 có 37.395 lượt hồ sơ được thực hiện cắt giảm, tiết kiệm được 15,3 tỷ đồng đồng.
Đến hết năm 2017, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành việc chuẩn hóa bộ TTHC áp dụng trên địa bàn tỉnh theo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Tính đến 20/11/2018, tổng số TTHC trên địa bàn tỉnh được công bố là 2.046 TTHC (cấp tỉnh: 1.594 TTHC; cấp huyện: 320 TTHC; cấp xã: 132 TTHC). 100% TTHC được công bố đã được đăng tải trên trang dịch vụ hành chính công của tỉnh (tthc.laocai.gov.vn), trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố (theo 3 cấp) và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định, đồng thời được niêm yết, công khai tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC, rõ ràng, dễ tiếp cận, khai thác, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu.
Tính đến ngày 15/11/2018, toàn tỉnh có 476.550 hồ sơ yêu cầu giải quyết, trong đó các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh là 128.788 hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn đạt 98,4%, tỷ lệ quá hạn 1,6%; 37.156 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thành phố tỷ lệ đúng hạn đạt 97,8%, tỷ lệ quá hạn 2,2%; UBND các xã, phường, thị trấn là 310.606 hồ sơ, tỷ lệ đúng hạn đạt 99,9994%, tỷ lệ quá hạn 0,0006%. Hiện toàn tỉnh có 275 TTHC mức độ 3 và 94 TTHC mức độ 4. Năm 2018 có 14.907 hồ sơ mức độ 3 được tiếp nhận giải quyết, mức độ 4 là 1.340 hồ sơ.
Đồng chí Đặng Xuân Phong - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
UBND tỉnh xây dựng Hệ thống giám sát hoạt động của cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa và thu nhận ý kiến đánh giá của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan tại bộ phận một cửa tại 16 sở; 9 huyện, thành phố; 10 xã, phường, thị trấn. Qua giám sát - đánh giá, kết quả cho thấy: 95,1% ý kiến tham gia đánh giá Rất hài lòng và Hài lòng; 4,9% ý kiến tham gia đánh giá Chờ lâu, Nghiệp vụ kém, Thái độ kém.
Đối với Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, trong 10 tháng năm 2018, đã hợp nhất 2 cơ quan hành chính cấp tỉnh; thành lập mới 4 đơn vị sự nghiệp công lập; quy định, tổ chức lại, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy 27 đơn vị, trong đó có 8 cơ quan hành chính, 19 đơn vị sự nghiệp công lập. Như vậy, đã giảm được 16 đầu mối, trong đó giảm 1 sở, 4 phòng chuyên môn thuộc sở; 11 đầu mối đơn vị sự nghiệp.
Công tác quản lý công chức, viên chức tiếp tục được đổi mới trên cơ sở xác định vị trí việc làm; công tác phát triển kỹ năng lãnh đạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng. Tích cực tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ phận một cửa các cấp, các ngành theo hướng liên thông, hiện đại... Công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC được chú trọng và đi vào chiều sâu góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân hiểu về pháp luật và CCHC. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, với doanh nghiệp đã được cải thiện; hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng phục vụ ngày càng rõ nét hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện.
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Vịnh – Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Công tác cải cách hành chính có tác động mạnh mẽ đến mọi thành phần trong xã hội. Ở đâu, nơi nào làm tốt công tác cải cách hành chính thì nơi đó phát triển. Để phát triển được như hiện nay, công tác cải cách hành chính đã được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm từ những năm 2002, minh chứng cho việc đi đầu trong thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình CCHC trong thời gian qua: Sự chậm chễ, vướng mắc trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành dẫn đến sự chậm chễ trong cải cách hành chính dẫn đến khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tình trạng đùn đẩy công việc, thiếu năng động, sáng tạo, né tránh giải quyết các vấn đề nóng, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan; chất lượng công tác tham mưu, đề xuất điều hành, xử lý công việc có lúcc có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đã lãng phí thời gian, cơ hội đầu tư; Tình trạng cán bộ công chức, viên chức thờ ơ, lãnh cảm với nhân dân trong giải quyết TTHC vẫn còn; việc quản lý thông tin về quyhoạch, đất đai chưa tốt.
Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh nhấn mạnh: Trong 6 nội dung cải cách hành chính thì công tác Cải cách TTHC và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là hai nội dung quan trọng nhất mà các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện. Đồng chí yêu cầu mỗi cán bộ phải là cái gốc trong thực hiện cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương, đạo đức công vụ; tập trung vào giải quyết thủ tục hành chính, làm thế nào để thủ tục được giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất và người dân hài lòng nhất. Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, quán triệt đến các cấp các ngành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Giám đốc Sở Tài chính phát biểu thảo luận tại hội nghị.
Tại hội nghị các sở, ngành cùng các địa phương tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết các thủ tục hành chính chậm so với tiến độ. Các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ là do công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính giữa các sở ngành, các huyện còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó công tác chuyên môn của một bộ phận trực tiếp giải quyết TTHC chưa tốt, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ của một số cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục chưa cao.
Kết luận tại hội nghị đồng chí Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, chỉ số PCI, ICT index, PAPI của tỉnh Lào Cai luôn đứng thứ 10 trở lên, nhưng không vì vậy mà bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà phải phần đấu làm tốt hơn nữa. Để làm điều đó mỗi lãnh đạo, mỗi cán bộ, công chức cần tự đặt ra mục tiêu, tạo áp lực cho chính bản thân và cho cơ quan, đơn vị mình. Bởi không có áp lực sẽ không có sự phát triển.
Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong đó tập trung vào cải cách TTHC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tiếp tục thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương, chấp hành chế độ, đạo đức công vụ. Xử lý kỷ luật và bố trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm và người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra vi phạm nhiều lần, không có biện pháp khắc phục hoặc khắc phục nhưng không có hiệu quả. Thường xuyên giáo dục và nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức công vụ, kịp thời phát hiện để có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái về đạo đức công vụ. Chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành hoạt động; đồng thời đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, đơn vị./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết