Laocaitv.vn - 6 hộ dân ở xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng thử nghiệm hơn 3 ha cây dược liệu. Đến thời điểm này, diện tích cây dược liệu thử nghiệm đã bắt đầu cho thu hoạch.
Laocaitv.vn - 6 hộ dân ở xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng thử nghiệm hơn 3 ha cây dược liệu. Đến thời điểm này, diện tích cây dược liệu thử nghiệm đã bắt đầu cho thu hoạch.
Qua chuyến đi tham quan học hỏi, kinh nghiệm tại huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, anh Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán nhận thấy mô hình phát triển cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của xã Quan Thần Sán và anh quyết định cùng với 5 hộ dân trong xã đầu tư vốn để trồng thử nghiệm một số cây dược liệu. Anh Sơn cho biết: Để việc trồng cây dược liệu có hiệu quả, anh đã trực tiếp liên hệ và mời cán bộ Viện nghiên cứu cây dược liệu Hà Nội lên khảo sát thực tế và tư vấn loại cây trồng phù hợp. Sau khi khảo sát nhận thấy xã Quan Thần Sán phù hợp cho việc phát triển 5 loại cây dược liệu là Đẳng Sâm, Bạch Truật, Bán Chi Liên, Phòng Phong, Đan Sâm.
Cây dược liệu nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch 3 - 4 lần/năm
Hiện nay có 6 hộ tham gia mô hình trồng thử nghiệm 5 loại cây dược liệu này, trong đó có 2000m2 cây Bán Chi Liên đã cho thu hoạch, năng suất thu được 1,3 tạ. Đối với cây dược liệu này, nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch 3 - 4 lần/năm, với giá bán trên thị trường là 120 nghìn/kg, ước tính mỗi ha có thể cho thu nhập trên 135 triệu đồng. Có thể thấy bước đầu việc trồng cây dược liệu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao so với việc trồng ngô, lúa. Đối với các cây dược liệu đang trồng thử nghiệm khác, cũng đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt, đây đều là những cây dược liệu ngắn ngày, sẽ cho thu hoạch sau một năm trồng.
Gia đình ông Thào Seo Sềnh, thôn Hồ Sáo Chải là một trong 6 hộ của xã Quan Thần Sán đang tham gia mô hình trồng thử nghiệm các giống cây dược liệu. Được biết, gia đình ông Sềnh trồng hơn 1 ha với 3 loại cây Đẳng Sâm, Phòng Phong, Bạch Truật. Khi tham gia trồng các cây dược liệu này, ông được Viện nghiên cứu cây dược liệu Hà Nội hỗ trợ giống và hướng dẫn các quy trình kỹ thuật, trồng và chăm sóc. Hàng tháng gia đình ông còn được các cán bộ kỹ thuật của Viện nghiên cứu trực tiếp đến tận vườn hỗ trợ kỹ thuật. Dự kiến đến cuối năm 2018, diện tích cây dược liệu của gia đình ông sẽ được thu hoạch.
Nhận thấy có thể phát triển mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, các hộ dân này đang chủ động tự nhân giống, với diện tích 400 m2 vườn ươm. Cấp ủy chính quyền xã Quan Thần Sán dự kiến sẽ tiến hành theo dõi việc trồng cây dược liệu trong 3 năm, sau đó sẽ tiến hành khảo sát đánh giá từng loại cây, giống cây nào phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu sẽ được đầu tư, nhân rộng.
Những thành công ban đầu từ việc trồng thử nghiệm cây dược liệu tại xã Quan Thần Sán sẽ mở ra một hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân nơi đây.
Phương Anh - Thào Loan
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết