Tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lào Cai

06:31 15-09-2018 | :4879

Laocaitv.vn - Thật tự hào, ít có địa phương nào ở vùng Tây Bắc như tỉnh Lào Cai luôn được Bác Hồ quan tâm và để lại nhiều tình cảm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc của vùng núi biên giới này qua dịp Bác lên thăm vào tháng 9/1958 cùng các bức thư, bài báo mà Hồ Chủ tịch viết biểu dương, định hướng cho quân và dân tỉnh Lào Cai vươn lên.

Làm ruộng bậc thang theo lời Bác dạy

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1903 – 2013) vùng du lịch nổi tiếng Việt Nam có vinh dự đặc biệt được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch công nhận ruộng bậc thang Sa Pa là “Danh thắng cấp quốc gia”.

Trước đó, đầu năm 2009 tạp chí du lịch danh tiếng Travel and Leisure (Mỹ) đã bình chọn: “Ruộng bậc thang Sa Pa nằm trong Top 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới”.

Thung lũng ruộng bậc thang Mường Hoa bao gồm các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Sử Pán cũng là địa danh nổi tiếng thế giới sau khi tạp chí du lịch Lonely Planet (Anh) năm 2011 đánh giá: “Sa Pa là 1 trong 10 địa điểm tuyệt vời trên thế giới cho môn du lịch đi bộ” càng làm cho người dân Sa Pa thêm tự hào về quê hương của mình.

Ruộng bậc thang Sa Pa hôm nay đã trở thành Danh thắng quốc gia và là điểm du lịch nổi tiếng của vùng Tây Bắc. (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)

Một số cán bộ lão thành ở Sa Pa cho rằng địa phương mình có niềm vinh dự đó chính là nhờ ơn Đảng và Bác Hồ dạy phải tích cực làm ruộng bậc thang.

Nhiều người dân cao tuổi ở xã Lao Chải (huyện Sa Pa) còn nhớ mãi hình ảnh ngày 16/11/1963, xã có vinh dự được đón Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách nông nghiệp lên làm việc tại tỉnh Lào Cai, đã lội rừng xuống thăm đồng bào xã Lao Chải đang hăng hái làm ruộng bậc thang để định canh, định cư lâu dài theo lời huấn thị của Hồ Chủ tịch khi Người lên thăm tỉnh Lào Cai ngày 24/9/1958.

Trong chuyến thăm này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khen ngợi cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Lao Chải giỏi làm ruộng bậc thang nhất huyện Sa Pa, và tặng địa phương tấm ảnh chân dung Hồ Chủ tịch cùng 17 chiếc Huy hiệu Bác Hồ, để xã làm giải thưởng tặng cho những xã viên có thành tích xuất sắc trong khai phá ruộng bậc thang.

Cũng trong dịp này cụ Lù A Páo và cụ Thào Thị Dinh cùng ở xã Lao Chải thọ 100 tuổi vinh dự được Bác Hồ gửi tặng thưởng Huy hiệu mang tên Người.

Năm 1963 và các năm tiếp theo, xã Lao Chải luôn là lá cờ đầu làm ruộng bậc thang của huyện Sa Pa và cả tỉnh Lào Cai. Do đó, báo Lao Cai đổi mới - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Lào Cai số ra ngày 15/1/1964 đã có bài xã luận “Noi gương xã Lao Chải ra sức đẩy mạnh làm ruộng, nương bậc thang và cày ải trước Tết”.

Trước đó, trên trang nhất số báo Lao Cai đổi mới ra ngày 10/1/1964, trang trọng đăng thư khen của Ủy ban hành chính tỉnh Lào Cai gửi cán bộ và nhân dân xã Lao Chải làm ruộng bậc thang giỏi, và bài viết dài đăng hết trang 2 với đầu đề “Mấy kinh nghiệm khai hoang và làm ruộng bậc thang của xã Lao Chải”.

Nghiêm túc làm theo lời huấn thị của Bác Hồ phải đoàn kết các dân tộc anh em và tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống đồng bào vùng cao Lào Cai, từ kinh nghiệm hay của xã Lao Chải, đầu tháng 11/1964 Tỉnh ủy Lào Cai đã ra Chỉ thị “Quy định một số điểm cụ thể khuyến khích nhân dân các dân tộc đẩy mạnh phong trào làm ruộng bậc thang”.

Chỉ thị đó của Tỉnh ủy Lào Cai đã đi vào cuộc sống ngay khi ra đời và được đông đảo đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh hưởng ứng. Kết quả là ngày nay không chỉ huyện Sa Pa mà các huyện vùng cao khác như Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai đã có thêm hàng ngàn héc-ta ruộng bậc thang, tạo ra vẻ đẹp mới cho quê hương, thu hút ngày càng đông khách du lịch tới thăm và làm nên sự trù phú cho nhiều làng bản vùng cao tỉnh Lào Cai.

Bác Hồ khen người tốt, việc tốt qua đọc báo địa phương

Trong truyền thống vẻ vang hơn 50 năm xây dựng và phát triển của mình, báo Lao Cai - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Lào Cai có vinh dự đặc biệt nhiều lần được Bác Hồ đọc báo Lao Cai đổi mới (trước đó là Bản tin Lao Cai) tiền thân của báo Lào Cai hiện nay.

Qua đọc Bản tin Lao Cai và báo Lao Cai đổi mới cùng nhiều tờ báo khác của Trung ương thời kỳ đó, Hồ Chủ tịch đã quyết định tặng thưởng Huy hiệu mang tên Người cho hàng chục gương “Người tốt, việc tốt” của tỉnh Lào Cai.

Xin nêu một số tấm gương đã được lưu danh trên Bản tin Lao Cai và báo Lao Cai đổi mới năm xưa: Đó là gương tốt của chị Triệu Thị Sinh, dân tộc Dao ở xã Bản Cái (Bắc Hà) có thành tích trong thực hiện sạch làng, tốt ruộng được Hồ Chủ tịch tặng Huy hiệu mang tên Người. (Bản tin Lao Cai ra ngày 14/11/1958). Anh bộ đội phục viên Lìu Dín Phù ở Bản Lầu (Mường Khương) thâm canh lúa mùa cao nhất tỉnh Lào Cai đã được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người. (Bản tin Lao Cai ra ngày 21/11/1958).

Báo Lao Cai đổi mới ra ngày 5/8/1964 đăng trang trọng tin trên trang nhất: “Hồ Chủ tịch đọc báo Lao Cai đổi mới có các gương: đồng chí Trần Đức Thảo là giáo viên miền xuôi lên dạy học ở xã Mường Vi (Bát Xát) có thành tích tổ chức và dạy học tốt, đặc biệt là cõng em Lý A Man bị tê liệt đi học ròng rã mấy tháng liền; ông Nùng A Ly ở hợp tác xã Lùng Vai (Mường Khương) tuy mù hai mắt nhưng khắc phục khó khăn chăn nuôi trâu cho hợp tác xã béo khỏe để phục vụ sản xuất; hai em Mùi và Ngữ ở thôn Đồng Tâm (Mường Khương) đã dũng cảm, mưu trí cứu bạn khỏi chết đuối. Qua Ủy ban hành chính tỉnh Lào Cai và huyện Mường Khương, Bác Hồ đã gửi tặng Huy hiệu của Người cho thầy giáo Trần Đức Thảo, ông Nùng A Ly và hai em Mùi và Ngữ”.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai trong dịp Người lên thăm tỉnh ngày 23/9/1958. (Ảnh tư liệu Báo Lào Cai)

Hiện nay, cơ quan báo Lào Cai có vinh dự đặc biệt đang lưu giữ bản in lần đầu tại nhà in Vũ Bích (Lào Cai) tháng 9/1958 “Lời huấn thị của Hồ Chủ tịch đối với cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai khi Người lên thăm địa phương ngày 24/9/1958”. Có lẽ đây là văn bản ghi đầy đủ nhất toàn văn bài phát biểu của Bác Hồ đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai khi Người lên thăm địa phương.

Dù trải qua mấy cuộc chiến tranh phải đưa tài liệu, báo chí đi sơ tán hết chỗ này tới chỗ kia, sau đó là thay đổi địa chỉ làm việc của tòa soạn do khó khăn ngày mới chia tách tỉnh, nhưng cơ quan báo Lao Cai đổi mới – báo Hoàng Liên Sơn và hôm nay là báo Lào Cai vẫn cố gắng lưu giữ hầu hết các số Bản tin Lao Cai và báo Lao Cai đổi mới, trong đó có những số báo đặc biệt đăng bài, ảnh chụp về chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Lào Cai ngày 23- 24/9/1958, có những bức ảnh, tư liệu đặc biệt quý về Bác Hồ đối với tỉnh Lào Cai chỉ có in trên báo Lao Cai đổi mới năm xưa.

Không ít tư liệu quý, ảnh đặc biệt do báo Lào Cai cung cấp cho cán bộ nghiệp vụ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai để biên tập cuốn sách “Lào Cai làm theo lời Bác”, do UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản, phát hành nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hồ Chủ tịch lên thăm Lào Cai (23/9/158 – 23/9/1998) và được nhiều bạn đọc đánh giá cao.

Cuốn sách “Những dòng hồi ức cách mạng” do nhà văn Mã A Lềnh, sưu tập và chủ biên, được Nhà xuất bản văn hóa dân tộc xuất bản, phát hành năm 2005, có tái bản nhiều bài viết đã từng đăng trên báo Lao Cai đổi mới, báo Hoàng Liên Sơn, báo Lào Cai về những tình cảm đặc biệt của Hồ Chủ tịch đối với quân và dân tỉnh Lào Cai, và nghĩa tình sâu nặng của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Lào Cai với Đảng, Bác Hồ kính yêu.

Dòng họ có nhiều người được tặng Huy hiệu Bác Hồ

Theo thông tin từ cuốn sách “Lào Cai làm theo lời Bác” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản, phát hành năm 1999): Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định khen thưởng nhiều Huân chương, Huy chương và Bằng khen tặng các đơn vị tập thể và cá nhân của tỉnh Lào Cai lập chiến công trong tiễu phí bảo vệ quê hương, và vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cuộc sống mới.

Ngoài ra, Hồ Chủ tịch còn tặng thưởng 86 Huy hiệu mang tên Người cho các cá nhân tỉnh Lào Cai là “Người tốt, việc tốt tiêu biểu”, trong đó huyện Mường Khương vinh dự nhất có tới 38 người được Bác tặng thưởng Huy hiệu.

Trong số đó tiêu biểu là dòng họ Lục, người dân tộc Giáy ở xã Bản Lầu, có tới 5 người của ba thế hệ trong dòng họ Lục được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu. Đó là cụ Lục Vĩnh Tường cùng các con của mình là các ông: Lục Bình Quyền, Lục Bình Thủy, Lục Bình Lợi và cháu gái Lục Thị Kim Hồng. Đặc biệt, ông Lục Bình Quyền có hai lần vinh dự được gặp trực tiếp Hồ Chủ tịch và 4 lần được Bác tặng Huy hiệu vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Lục Bình Lợi (người ngồi giữa ảnh) từng được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người. (Ảnh tư liệu Báo Lào Cai)

Huyện Mường Khương còn có ông Tráng Văn Mìn ở xã Lùng Vai cũng có vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ và 3 lần được Bác tặng Huy hiệu, 2 lần Bác tặng quà trong đó có chiếc ca-men rất đẹp in dòng chữ “Kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ” và “Quyết chiến, quyết thắng”.

Hai ông bà thông gia là Vàng Ngấn Dù và Ly Thị Chấn đều ở xã Tung Chung Phố (Mường Khương) có thành tích xuất sắc trong tiễu phỉ ở huyện Bát Xát, nên năm 1956 hai người đều được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ trong dịp đi dự Hội nghị mừng công do tỉnh tổ chức tại trường Đảng tỉnh Lào Cai.

Một điển hình khác rất nổi tiếng ở khu Tây Bắc sau ngày hòa bình lập lại được Hồ Chủ tịch biểu dương đích danh tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi, tổ chức từ ngày 17 – 19/3/1964 tại thủ đô Hà Nội, hiện đang sinh sống cùng con cháu tại phường Lào Cai, đó là bà Vi Thị Hóa, dân tộc Thái, nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Nghĩa Lộ và sau đó là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Báo Lao Cai đổi mới ra ngày 25/3/1964 đã đăng toàn văn bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi tháng 3 năm 1964, trong đó có đoạn Người biểu dương: “...Hiện nay chị em miền núi đã tiến bộ nhiều, như cô Vi Thị Hóa ở Nghĩa Lộ là Ủy viên tỉnh...’’

Vinh dự được Bác khen và suốt đời phấn đấu làm theo lời Hồ Chủ tịch dạy bảo, trong quá trình công tác của mình, bà Vi Thị Hóa đã lăn lộn với phong trào phụ nữ vùng Tây Bắc và tỉnh Hoàng Liên Sơn trong những năm khó khăn nhất của đất nước. Bà đã cùng Đảng bộ tỉnh Nghĩa Lộ, Hoàng Liên Sơn đào tạo, bồi dưỡng nhiều cán bộ phụ nữ các dân tộc, trong đó có không ít người trưởng thành. Bà Vi Thị Hóa cũng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng quý giá ghi nhận công sức đóng góp của bà với phong trào phụ nữ địa phương. Nhưng phần thưởng mà bà quý nhất, nhớ nhất là ba lần có vinh dự được Bác Hồ trực tiếp thăm hỏi, dạy dỗ, khích lệ trong bước đường công tác của mình.

            Phạm Ngọc Triển


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết