TP Lào Cai khẩn trương triển khai ứng phó với bệnh lùn sọc đen phương Nam

09:20 04-01-2018 | :1079

Laocaitv.vn - Ngày 03/01/2018, thành phố Lào Cai đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó, phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại lúa vụ Xuân 2018 và các vụ tiếp theo trên địa bàn thành phố.

Bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa, do tác nhân gây bệnh là virus lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae. Đây là bệnh hại đặc biệt nguy hiểm, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ. Môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) truyền virus này. Ngoài cây lúa, bệnh còn gây hại trên ngô, lúa mì, cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng vì các loại cây này cũng là ký chủ của rầy lưng trắng, nên cũng là nguồn chứa virus để rầy lưng trắng truyền bệnh sang cây lúa. Rầy lưng trắng mang virus có thể sống qua Đông và di chuyển rất xa theo gió. Khi rầy mang virus trích hút vào cây lúa sẽ làm cây lúa bị nhiễm bệnh.

Khi cây lúa bị nhiễm bệnh giai đoạn mạ và thời kỳ đẻ nhánh làm cho cây lúa bị lùn xuống và lụi dần; thời kỳ lúa làm đòng làm cho lúa không trỗ bông được, nếu có trỗ được thì hạt bị lép hoàn toàn. Vụ Mùa 2017, trên địa bàn thành phố Lào Cai do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bão kết hợp với nắng nóng xen kẽ tạo điều kiện cho bệnh lùn sọc đen phương Nam phát sinh với diện tích và mức độ gia tăng đột biến so với nhiều năm gần đây, diện tích nhiễm 56ha, trong đó thiệt hại năng suất gần 40ha. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa đã được thu hoạch, tuy nhiên, nguy cơ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen phương Nam trên đồng ruộng còn rất cao, có thể tiếp tục gây bùng phát thành dịch hại lúa vụ Xuân 2018 và các vụ tiếp theo.

Lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen phương Nam. (Ảnh: Cao Bá Quý)

Với tính chất nguy hiểm của bệnh, để phòng chống bệnh lùn sọc đen phương Nam gây hại diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa, ngay sau khi thành lập Ban chỉ đạo cấp thành phố đã triển khai ngay các nội dung:

Yêu cầu thành lập ngay Ban chỉ đạo xã/phường với thành phần gồm: Chủ tịch UBND xã/phường làm trưởng ban; Phó ban là cán bộ nông nghiệp xã hoặc cán bộ khuyên nông viên xã; Thành viên là lãnh đạo các đoàn thể, trưởng thôn/tổ.

Tổ chức tuyên truyền cho nông dân về sự nguy hiểm của bệnh lùn sọc đen phương Nam đối với sản xuất lúa. Hướng dẫn cách nhận biết và kỹ thuật phòng trừ môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng; hướng dẫn các kỹ thuật canh tác và phòng trừ tổng hợp rầy hại lúa. Cụ thể là: Hướng dẫn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa, xây dựng các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, 3 tăng 3 giảm, SRI vào sản xuất để nâng cao sức đề kháng cho cây lúa hạn chế bệnh phát sinh gây hại. Hướng dẫn bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý cho từng vùng sinh thái, sử dụng các giống ngắn ngày để hạn chế rầy phát sinh nhiều lứa khó cho công tác phòng trừ; hướng dẫn toàn dân các vùng trồng lúa vệ sinh đồng ruộng, cày vùi gốc rạ ngay sau khi gặt để ngăn ngừa rầy lưng trắng lưu tồn trên đồng ruộng gây hại cho vụ sau; áp dụng xử lý hạt giống trước khi gieo và phun thuốc trừ rầy trước khi nhổ cấy để hạn chế bệnh lây lan. Tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng tờ rơi kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh, truyền hình; tuyên truyền qua các trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn; tuyền truyền qua hình thức phát động các phong trào của của các tổ chức chính trị xã hội.

Khuyến nông viên kiểm tra sâu bệnh trên lúa Mùa năm 2017 tại xã Hợp Thành – thành phố Lào Cai. (Ảnh: Cao Bá Quý)

Siết chặt quản lý thuốc Bảo vệ thực vật: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở cơ sở, xử lý nghiêm việc kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, tăng giá thuốc; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, các loại thuốc xử lý hạt giống, thuốc đặc trị rầy để các cơ sở chủ động cung ứng cho người sản xuất.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật ứng phó bệnh lùn sọc đen phương Nam: Làm đất sớm, vệ sinh đồng ruộng, cày vùi lúa chết và cỏ dại là ký chủ phụ của rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen phương Nam ở các khu vực đã bị bệnh để tiêu hủy triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng; những nơi có mật độ rầy lưng trắng cao phải phun trừ trước khi cày vùi, tiêu hủy. Kiểm tra, rà soát, lắp đặt mới hệ thống bẫy đèn để xác định đỉnh cao của rầy di trú, đặc biệt là rầy lưng trắng; lấy mẫu rầy vào đèn và mẫu rầy trên đồng ruộng giám định, xác định tỷ lệ rầy mang virus lùn sọc đen phương Nam để có biện pháp phòng trừ môi giới truyền bệnh và bố trí lịch thời vụ phù hợp. Giám sát chặt chẽ, bảo vệ diện tích mạ khỏi nguồn bệnh, đặc biệt ở các vùng đã bị bệnh lùn sọc đen phương Nam.

Khuyến cáo: che phủ nilon để chống rét, đồng thời ngăn rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh đối với mạ xuân; đối với mạ mùa che phủ lưới dày chống côn trùng; xử lý hạt giống bằng thuốc Bảo vệ thực vật trước khi gieo và thường xuyên kiểm tra tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus trên đồng ruộng để phun trừ kịp thời; phun trừ rầy cho mạ trước khi nhổ cấy; nếu phát hiện mạ có triệu chứng bệnh, tiến hành tiêu hủy cả luống hoặc cả ruộng sau khi đã phun trừ rầy; gieo bổ sung mạ đảm bảo đủ mạ cấy hết diện tích. Trong thời gian từ khi gieo cấy đến giai đoạn lúa làm đòng, phải thường xuyên kiểm tra, giám định tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus để phun trừ kịp thời, ngăn chặn rầy lây lan nguồn bệnh; thực hiện nhổ, vùi tiêu hủy những cây lúa bị bệnh, cấy dặm bằng cây lúa khỏe; chăm sóc bổ sung để cây lúa nhanh chóng phục hồi.

Cao Bá Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết