Tranh thờ trong đời sống người Dao

10:19 13-10-2017 | :13756

Với một lịch sử lâu đời và dân cư khá đông đúc, người Dao trong quá trình hình thành và phát triển, đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong kho tàng di sản đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong đó phải kể đến kỹ thuật làm tranh, viết sách đạt đến trình độ điêu luyện

Nằm ở lưng chừng núi, Bản Pờ Sìn Ngài, xã Trung Chải, huyện Sa Pa được mọi người biết đến bởi nơi đây là vùng đất quần cư lâu đời của cộng đồng dân tộc Dao đỏ, với những nét đẹp văn hóa còn được lưu giữ.

Con đường đến với bản Pờ Sìn Ngài như thử sức với những ai lần đầu đặt chân đến nơi đây, đường ngoằn ngoèo, uốn khúc ôm lấy bản làng trên cao. Cả bản có 34 hộ người Dao sinh sống, quần tụ bên nhau từ nhiều đời nay. Vùng đất này mùa đông thì sương mù giăng kín, mùa hè thì nắng chang chang. Nhưng những con người của núi rừng nơi đây vẫn vươn mình đứng dậy, sống giữa bao la, điệp trùng bên núi cao hùng vĩ.

Nói đến ông Chảo Sành Nhàn, một “Thầy Tào” có tiếng ở vùng này ai cũng biết. Bởi ông là người coi sóc tâm linh cho cả bản, đồng thời là nghệ nhân vẽ tranh thờ nổi tiếng. Hiện nay, cộng đồng người Dao ở Lào Cai và các tỉnh khu vực Tây Bắc chỉ có duy nhất mình ông vẽ được tranh thờ.

Ông Chảo Sành Nhàn (hay còn gọi là Thầy Tào, tức thầy cúng của người Dao)

Theo thầy học nghề, rồi tự chuyên tâm nghiên cứu để có được những bức vẽ sinh động, ông Nhàn đã phải trải qua không ít khó khăn, thất bại trong lúc hưng cũng như khi suy của dòng tranh thờ. Chính vì vậy, hơn ai hết Thầy Tào - Chảo Sành Nhàn là người nắm vững mọi công đoạn để làm nên một sản phẩm vừa mang yếu tố thẩm mĩ, vừa mang yếu tố tâm linh – đó là tranh thờ.

Tranh thờ của người Dao thường được lưu giữ qua nhiều đời, nên rất coi trọng đến chất liệu giấy. Giấy vẽ tranh là giấy dó, có xuất xứ từ miền xuôi vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là loại giấy thường được các làng tranh nổi tiếng như Đông Hồ sử dụng do đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, ẩm mốc. Trước kia, người Dao cũng thường tự làm được giấy dó, nhưng hiện nay trên thị trường sẵn có, nên họ không tự làm, mà ra chợ mua về dùng.

Sau khi mang giấy về, gia chủ sẽ chế biến một loại keo đặc biệt, có độ bền dính cao được làm từ gạo nếp, bì trâu băm nhỏ, và vài lát cây rừng…tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi đun sôi nhỏ lửa khoảng 2 ngày, 2 đêm để tạo ra chất hồ kết dính dùng để bồi giấy.

Khi đã tạo ra chất hồ kết dính, họ trải giấy dó ra rồi phết hồ lên từng tấm giấy, cứ như vậy khoảng 10 đến 15 tấm giấy dó được bồi vào nhau tạo nên một tấm giấy dày khoảng 0,3mm (độ rộng, dài của giấy theo một khuôn mẫu nhất định mà người vẽ tranh qui định). Khi đã hoàn thiện xong, tấm giấy được treo ở chỗ thoáng gió, dưới bóng râm, để lớp keo kết dính khô từ từ, sau đó giấy được mang treo trên gác bếp để tránh ẩm mốc, hư hỏng.

Mỗi bộ tranh thờ thường có 36 bức, với kích cỡ rộng 50cm dài khoảng 1m, được nghệ nhân hoàn thiện trong vòng 1 năm. Tương đương với đó là có khoảng gần 600 tờ giấy dó được sử dụng. Việc chuẩn bị giấy là công đoạn đầu tiên trong quy trình làm tranh phức tạp mà ông Nhài và những người đàn ông trong dòng tộc tự tay thực hiện với sự cẩn trọng, tôn nghiêm nguyên tắc, lề luật của dân tộc mình.

Tranh thờ của người Dao mang sắc thái và giá trị thẩm mỹ rất riêng. Tranh có bố cục lạ, hẹp, dài, với dày đặc các nhân vật thần linh. Các nhân vật này lại tuân theo một quy tắc xã hội, nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, và các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, nhỏ. Màu sắc tranh thờ thường là màu nước, hình thành do các sắc tố dưới dạng bột được hòa tan vào nước tạo ra một dung dịch có màu sắc không pha trộn.

Một trong những điều đáng chú ý nhất là phong cách nghệ thuật trong tranh thờ được sử dụng triệt để, tạo nên hiệu quả rất cao. Nghĩa là trong cùng một khuôn tranh, người ta bắt gặp đủ các lớp không gian, thời gian, thực và ảo khác nhau, các thần chính, thần phụ, ma quỷ và con người trên cùng một mặt tranh. Lại có những bức tranh thờ vẽ đủ các cảnh, từ mặt đất lên bầu trời, từ núi sông tới biển cả, từ địa ngục tới tiên cảnh, tùy theo trí tưởng tượng của người vẽ. Điều ấy khiến không gian tranh mênh mang, thời gian trong tranh vô tận, chứ không ghim chặt vào một thời điểm sáng hay chiều nào. Xét về mặt nào đó, đây là một sự giải phóng về mặt tư tưởng, là một thành công trong tư duy sáng tác của người vẽ tranh.

Màu sắc của bức vẽ cũng tùy thuộc vào chủ đề hay nhân vật mà đưa ra những gam màu có đặc thù tương ứng, như bức Tam Thanh thì gam màu chủ đạo cũng như trang phục là màu xanh da trời, màu xanh lá cây, màu trắng. Điểm chung trong các bức tranh vẽ thần linh là các vị thần đều thể hiện được nét uy vũ trên nền hào quang.

 

Tranh thờ của người Dao với các nhân vật thần linh huyền bí

Nội dung của tranh thể hiện quan niệm của con người thủa sơ khai về vũ trụ, theo tục thờ đạo Giáo đã được người Dao bản địa hoá thành bản sắc văn hoá đặc trưng. Trong đó, thần tiên chính là thế lực bảo trợ cho cuộc sống của con người, thông qua ba vị thần có quyền lực tối thượng cai quản ở 3 nơi, là: Thần Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời); Thần Thượng Thanh (thần cai quản trần gian); Thần Thái Thanh (thần cai quản âm phủ)

Trong 3 vị thần linh này, thì thần Ngọc Thanh có vị trí cao hơn cả, ba vị này có khi được vẽ độc lập trong từng bức tranh, nhưng cũng có khi được vẽ chung với nhau, hoặc các vị này được vẽ hòa cùng với hàng loạt các vị thần linh khác. Nhưng tựu chung lại, thì ba vị thần Tam Thanh luôn giữ vị trí trung tâm trong các bộ tranh thờ của người Dao.

Trong các nghi lễ thờ cúng của người Dao, dù là lễ cúng có quy mô của một gia đình nhưng luôn tập trung rất đông bà con trong dòng họ, làng bản. Các bức tranh cúng thường treo kín trên vách nhà được những người hiểu biết về nội dung chỉ dẫn cho người chưa biết. Điều đó đã tạo được sức lan tỏa trong giáo dục con người, nâng cao nhận thức về thế giới quan, về vũ trụ và mối quan hệ chặt chẽ giữa vạn vật hữu linh. Nó cũng mang lại niềm tin cho con người vào thế giới tự nhiên để hướng tới giá trị cốt cách hướng thiện.



Trong nghi lễ thờ cúng, người Dao luôn sử dụng rất nhiều tranh thờ, và trong mỗi nghi lễ, như ngày Tết, lễ Cấp sắc, tết Nhảy… lại có những loại tranh riêng.

Với những ý nghĩa của tranh thờ (bỏ qua yếu tố tâm linh huyền bí) ta sẽ thấy nội dung trong tranh chứa đựng nhiều giá trị giáo dục, mang tính nhân văn mà con người hướng đến. Vì thế, tục thờ tranh dân gian, được người Dao bảo tồn từ đời này qua đời khác, trở thành bản sắc riêng có của cộng đồng dân tộc Dao trên đất nước Việt Nam.

Bài, ảnh: Thành Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết