Triển khai bộ tiêu chuẩn Quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm

08:51 22-01-2018 | :433

Laocaitv.vn - Bộ Công Thương đã thông báo áp dụng tiêu chuẩn về chợ kinh doanh thực phẩm tại Văn bản 12311/BCT-TTTN ngày 29/12/2017, quy định này là bộ các yêu cầu và phương pháp đánh giá chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017.

Theo đó, “chợ kinh doanh thực phẩm” (Food business market) là: Chợ truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu của khu vực dân cư, trong đó số cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định (cơ sở được giao hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ) chiếm từ 30% tổng số cơ sở kinh doanh cố định tại chợ trở lên. Điểm kinh doanh tại chợ bao gồm: Quầy hàng, sạp hàng, ki-ốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng chợ, có diện tích quy chuẩn tối thiểu là 3m2/điểm.

Chợ kinh doanh thực phẩm có các yêu cầu về: Vị trí, địa điểm; bố trí; thiết kế; hệ thống chiếu sáng; nước sử dụng trong chợ và hệ thống thoát nước; kho, khu vực bảo quản thực phẩm; khu bán gia cầm sống và khu giết mổ gia cầm; an toàn phòng cháy và chữa cháy; vệ sinh môi trường; nhà vệ sinh; có nội quy chợ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có quy định về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm kinh doanh tại chợ, nội quy được niêm yết tại chợ và phổ biến cho các hộ kinh doanh thực hiện; có tổ chức quản lý chợ; đáp ứng các yêu cầu bắt buộc tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; yêu cầu đối với người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm tại chợ; yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, còn có yêu cầu chi tiết chung đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ và yêu cầu chi tiết riêng cho các cơ sở kinh doanh gồm: Sản phẩm động vật; thủy hải sản tươi sống; rau, củ, quả; dịch vụ ăn uống; thực phẩm khô và các loại thực phẩm khác.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 77 chợ (gồm 13 chợ hạng II và 64 chợ hạng III), trong đó có 22 chợ nằm ở khu vực thành thị và 55 chợ nằm ở khu vực nông thôn. Giai đoạn 2011-2017, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng kiên cố 21 chợ, trong đó có 03 chợ thành thị (chợ Sa Pa, chợ Mường Khương, chợ Bắc Hà) và 18 chợ nông thôn. Tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng từ các nguồn vốn Ngân sách tập trung, Ngân sách địa phương, Nghị quyết 30a, Nghị quyết 37, Nông thôn mới. Đối với đầu tư chợ bằng vốn ngoài ngân sách, đã có 05 dự án xây dựng chợ được cấp chứng nhận đầu tư gồm chợ Nguyễn Du, chợ du lịch Phố Mới, chợ Châu Úy, chợ Na Lốc, chợ Phố Ràng (trong đó riêng chợ Nguyễn Du đã đi vào hoạt động gần 10 năm); tỉnh Lào Cai đang tích cực mời gọi đầu tư chợ Nam Cường và chợ Trung tâm huyện Bát Xát, chợ Chiềng và chợ Bản Vược cũng đang được xem xét cơ chế đầu tư trên cơ sở đề xuất của các nhà đầu tư theo quy định tại Quyết định 14/2017/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của UBND tỉnh Lào Cai về phát triển và quản lý chợ.

Hiện nay, UBND tỉnh Lào Cai đang giao cho Sở Công thương Lào Cai nghiên cứu tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, từ đó hướng dẫn các cấp, cá ngành liên quan xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trong khuôn khổ triển khai Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số những năm tiếp theo./.

Cao Bá Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết