Tuyên truyền công tác dân số theo phương pháp "Mưa dầm thấm lâu"

05:45 11-07-2018 | :1199

Laocaitv.vn - Tỉnh vùng cao, biên giới Lào Cai khi được tái lập lại là một địa bàn rộng. Diện tích tự nhiên 8.045km2, gồm 10 huyện, thị xã, 180 xã phường với 622 nghìn người của 27 dân tộc anh em sinh sống. (Khi đó, huyện Than Uyên vẫn thuộc về tỉnh Lào Cai).  Là một tỉnh nghèo, nền kinh tế xã hội của tỉnh phát triển ở mức độ chậm. Lào Cai được Chính Phủ đánh giá là một trong những tỉnh nghèo ở miền núi phía Bắc. Do điều kiện nền kinh tế xã hội chậm phát triển, cộng với nhiều hủ tục lạc hậu nên công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ tăng dân số tự  nhiên trước ngày tái lập lại tỉnh (1/10/1991) là 4,3%, một con số cao nhất, nhì trong cả nước.

Trước tình hình đó, ngay sau ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Lào Cai đã có những chính sách cụ thể trên từng lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình cùng các ngành, nhất là các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình. Ngay từ khi được thành lập, Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình đã xây dựng kế hoạch cùng với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lào Cai đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình về công tác dân số và gia đình đến với các nơi trong tỉnh. Đáng chú ý là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Từ năm 1991, hàng tuần trong chương trình thời sự tiếng Việt, trên sóng phát thanh mở chuyên mục ”Dân số - Tài nguyên - Môi trường”. Sau một thời gian đổi thành chuyên mục "Dân số và phát triển", thời lượng từ 10 đến 20 phút. Tiếp đó, trong các chương trình thời sự tiếng Giáy, tiếng Dao, tiếng Mông, tiếng Thái hàng tuần đều có chuyên mục bàn về công tác dân số và gia đình. Còn riêng trên sóng truyền hình, mỗi tháng xây dựng 1 chương trình chuyên đề bàn sâu về công tác dân số trong tỉnh. Một năm trong các chương trình phát thanh tiếng Việt, tiếng Mông, tiếng Dao, tiếng Giáy và tiếng Thái đã xây dựng 260 chuyên mục Dân số và phát triển. Nếu tính trong 26 năm, các thứ tiếng đã giành thời gian cho gần 10 nghìn chương trình chuyên đề tuyên truyền cho công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Đến năm 2004, chuyên mục một lần nữa được đổi tên là "Dân số-Gia đình và Trẻ em". Từ đây, Chuyên mục tuyên truyền mang tính chất rộng mở hơn. Bao gồm thêm cả mảng gia đình và trẻ em trong tỉnh. Năm 2004, khi huyện Than Uyên được Chính phủ điều chỉnh địa giới về tỉnh Lai Châu, chương trình tiếng Thái của Đài đã dừng phát sóng bởi số người Thái đến lúc này chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu dân số trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Như vậy, chuyên mục dân số phát bằng các thứ tiếng dân tộc vẫn được tiếp tục duy trì là tiếng Mông, tiếng Giáy và tiếng Dao.

Chị em phụ nữ đăng ký khám và nghe tư vấn CSSKSS/KHHGĐ trong Chiến dịch. (Ảnh: Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Lào Cai)

Công tác tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình những năm đầu tái lập lại Lào Cai có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Công tác dân số khi đó là một trong 7 chương trình trọng điểm quốc gia được quan tâm. Cho nên vừa hoạt động theo tỉnh mới Lào Cai, Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình đã kết hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lào Cai xây dựng các chuyên mục phù hợp tuyên truyền đến với từng nhóm đối tượng cụ thể, có tác động sâu sắc trong đồng bào thực hiện công tác này. Đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Trong các chuyên mục tuyên truyền về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, Đài sử dụng rất nhiều hình thức đa dạng: Kịch ngắn truyền thanh, tấu, tiểu phẩm, người tốt việc tốt, nêu những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến cũng như phê phán những hủ tục lạc hậu đẻ dầy, đẻ nhiều ảnh hưởng đến phát triển nền kinh tế - xã hội. Ngoài phạm vi phủ sóng phát thanh, truyền hình hàng ngày, Đài tỉnh còn chỉ đạo Đài Truyền thanh và Truyền hình các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp sóng các chuyên đề, chuyên mục về đân số và phát triển. Các Đài cơ sở còn sản xuất hàng loạt tin, bài vừa tuyên truyền ở cơ sở, vừa cộng tác làm cho chuyên mục "Dân số và Phát triển" của Đài Lào Cai thêm đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa rất lớn. Không chỉ có phóng viên Đài tỉnh đảm nhiệm, chuyên mục còn có sự tham gia, tư vấn tích cực từ những người có chuyên môn sâu của Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh. Dù bận công tác chuyên môn, song Chủ nhiệm Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lào Cai Giàng Seo Tính; Phó chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Ngọc Lợi, Đặng Thị Yến; Trưởng Phòng kế hoạch tài chính Nguyễn Văn Huấn; Trưởng Phòng thông tin tuyên truyền Lê Đức Vinh đã có nhiều tin, bài chuyên sâu, chuyên ngành phát trong các chuyên mục. Những tác phẩm đó có tác động tích cực làm cho công tác dân số gia đình và trẻ em của Lào Cai có bước phát triển mạnh mẽ, được Trung ương đánh giá rất cao.

Hiện nay Lào Cai tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,8%. (Ảnh: Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Lào Cai) 

Ngoài phương tiện ti vi, radio và lực lượng tuyên truyền viên dân số ở các xã phường trong tỉnh, mỗi cán bộ phóng viên, biên tập viên của Đài khi đi cơ sở đều có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực giúp cho đồng bào hiểu rõ hơn công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Đồng bào dân tộc Mông, Dao thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, những vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế, văn hóa trình độ hiểu biết của đồng bào còn hạn chế, nên nhận thức về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình còn gặp nhiều khó khăn, cho nên những từ ngữ dùng để chỉ những đồ dùng tránh thai, hoặc cách tránh thai làm sao cho đồng bào dễ hiểu, thì người Mông, người Dao lại không có nên rất khó khăn cho việc tuyên truyền. Ví dụ: trường hợp “đình sản” trong đồng bào cũng rất khó nói, dù có nói thế nào thì đồng bào vẫn quan niệm là bị thiến, bị hoạn. Đã quan niệm như vậy đồng bào cho là sau khi đình sản người sẽ bị đần độn, không được nhanh nhẹn như trước. Anh chị em đã phải giải thích cho đồng bào nhìn thấy thực tế những người đình sản khỏe mạnh, bình thường bấy giờ họ mới tin và thực hiện. Trước đây đồng bào Dao, đồng bào Mông không thực hiện biện pháp triệt sản thì nay rất nhiều người đã áp dụng  thực hiện biện pháp này.

Qua từng thời gian, Ban biên tập đều nhận được thư và những ý kiến từ cơ sở gửi về các chương trình. Có những lá thư mộc mạc nhưng rất chân tình của các bạn nữ trẻ vùng sâu huyện Than Uyên hỏi về cách hãm đẻ, Ban biên tập chương trình đã trả lời trên sóng và viết thư riêng cho các bạn 4 phương pháp tránh thai hiện đại mà cả thế giới và Việt Nam đang áp dụng. Đó là triệt sản nam, nữ, dùng viên uống tránh thai, dùng bao cao su và xuất tinh ngoài âm đạo. Áp dụng các biện pháp này, ngay trong đồng bào vùng cao Lào Cai cũng giảm đáng kể tỷ lệ sinh, góp phần cùng toàn tỉnh hạ tỷ lệ dân số xuống mức được chấp nhận.

Duy trì thường xuyên chuyên mục "Dân số và phát triển" trong các buổi phát thanh tiếng Việt, các thứ tiếng dân tộc và trên sóng truyền hình Lào Cai là hết sức quan trọng và cần thiết. Áp dụng cách tuyên truyền này theo phương pháp ”Mưa dầm thấm lâu” nghe mãi, xem mãi cũng phải chuyển biến. Vấn đề trăn trở với Đài hiện nay là làm thế nào để duy trì được chuyên mục đều đặn mà vẫn thu hút được bạn nghe đài, bạn xem truyền hình. Đây cũng là vấn đề thách thức đối với những người đảm nhiệm chương trình này.

Từ năm 1991 đến nay, công tác tuyên truyền bằng sóng phát thanh, truyền hình của Đài PTTH Lào Cai đã có tác động thiết thực góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, từ chỗ tỷ lệ tăng tự nhiên ở mức 4,3% trước năm 1991 thì đến năm 2001 chỉ còn dừng ở mức 2,7% và hiện nay đang dừng ở con số 1,8%. Mặc dù mức sinh con còn cao song Lào Cai cũng rất cố gắng góp phần cùng cả nước tạo ra những tích cực trong chiến lược dân số và đã được tổ chức UNETCO đánh  giá rất cao: Việt Nam là một trong những nước thực hiện có kết quả chiến lược phát triển dân số giảm mức sinh tự nhiên và tỷ lệ dân số ở mức cho phép. Trước hết là tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào dần có hẹp, trẻ em trong độ tuổi được cắp sách đến trường, người có bệnh được đến cơ sở y tế điều trị… Từ sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương và các ngành, các cấp đã tác động một phần rất lớn làm thay đổi nhận thức trong đồng bào. Nhiều gia đình trước đây rất nghèo khó nhưng do thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và biết tính toán làm ăn đã trở nên khá giả có của ăn của để. Nhiều người đã trở thành tuyên truyền viên tích cực vận động đồng bào không đẻ mau, đẻ dầy và mỗi cặp vợ chồng chỉ nên đẻ tối đa là 2 con để còn nuôi dạy cho tốt và đảm bảo chất lượng cuộc sống. Qua tuyên truyền về công tác này, nhiều thanh niên ở vùng cao, vùng sâu đã thực hiện nếp sống mới, không cưới tảo hôn và rất nhiều phụ nữ tham gia vào câu lạc bộ không sinh con thứ 3.

Dân số của một vùng, một đất nước hay một địa phương có tác động rất mạnh đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Ở đâu được quan tâm nhiều hơn thì ở đó có sự phát triển vượt bậc. Lào Cai cũng là một trong những địa phương chăm lo khá tốt công tác dân số gia đình và trẻ em. Ngày 30 tháng 3 năm 2018, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành kế hoạch số 130 thực hiện Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Kế hoạch nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2030, thực hiện đạt và duy trì mức sinh thay thế. Đảm bảo cơ cấu dân số hợp lý. Kế hoạch nhấn mạnh Đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số. Đưa công tác dân số là một trong những nội dung thường xuyên liên tục được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2020 là mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội. Tận dụng cơ cấu dân số vàng và nâng cao chất lượng dân số.

Với ý nghĩa đó, ngành y tế và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lào Cai tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng chuyên mục "Dân số, Gia đình và Trẻ em". Trực tiếp là Chi cục dân số tỉnh và các phòng chuyên môn của Đài thường xuyên có những trao đổi, bàn bạc để chuyên mục ngày càng có sức lan tỏa hơn. Làm sao để Dân số luôn là mục tiêu hàng đầu tác động đến phát triển nền kinh tế - xã hội của Lào Cai trước mắt cũng như lâu dài.

Nguyễn An Chiến


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết