Tỷ lệ người Việt hút thuốc lá vẫn cao do giá quá rẻ

10:19 30-05-2018 | :1127

Laocaitv.vn - Giá của một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là 6.000 đồng/bao, phổ biến là ở mức dưới 20.000 đồng/bao.

Bác sĩ Phòng khám tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh kiểm tra nồng độ CO trong hơi thở của một bệnh nhân hút thuốc. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Ước tính từ cuộc Điều tra tình hình hút thuốc lá ở thanh thiếu niên (GYTS) Việt Nam năm 2015 cho thấy, 60,7% học sinh bắt đầu hút thuốc lá khá sớm (7-13 tuổi). 53,5% người không hút thuốc (28,5 triệu người lớn) phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà. 36,8 % người không hút thuốc, làm việc trong nhà (5,9 triệu người lớn) phơi nhiễm với khói thuốc tại nơi làm việc. Trong khi tại các nước phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi trong những thập kỷ qua, ngược lại, tại các nước đang phát triển, việc sử dụng thuốc lá có xu hướng gia tăng. Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.
 
40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá
 
Thông tin từ Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người một năm vào năm 2030.
 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Năm 2015, người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá số tiền là 31 nghìn tỷ đồng. Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỷ đồng một năm. 

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ. Các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc. 

Cùng với thuốc lá thông thường, những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử ở người lớn và thanh thiếu niên đã tăng lên kể. Hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử cũng là những người hút thuốc lá. Đa số người dùng thuốc lá điện tử đều coi đây là công cụ để bỏ thuốc lá hoặc giảm hút thuốc. Tuy vậy, thực tế cho thấy, trên tất cả các thương hiệu của thuốc lá điện tử, các thành phần chính trong chất lỏng đều là nicotine, propylene glycol hoặc glycerol và hương liệu. Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, hiện nay chưa có bằng chứng quốc tế chứng minh tính an toàn của thuốc lá điện tử. 

Nhiều nguy cơ đối với phụ nữ có thai 

Các nghiên cứu đều cho rằng, việc sử dụng các chế phẩm thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử trong quá trình mang thai là một trong những nguyên nhân quan trọng gây sảy thai, đẻ non, quái thai... 

Hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai làm suy giảm oxy hóa thai nhi do nicotine gây co thắt mạch dẫn đến trao đổi khí bất thường trong nhau thai, đồng thời do giải phóng carbon monoxit trong quá trình hút thuốc dẫn đến sự hình thành carboxyhemoglobin gây cản trở vận chuyển oxy. Nicotine cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi thông qua việc gây tăng tiết các chất trung gian thần kinh bất thường trong não, giảm đáng kể trọng lượng và thể tích phổi, rối loạn nhịp tim. 

 
Ngoài Nicotine, hơn 2500 chất độc khác được tìm thấy trong thuốc lá có thể tác động đến cơ thể mẹ và thai nhi. Đặc biệt, các độc tố này có thể gây tổn thương trực tiếp đến thành phần di truyền (Nhiễm sắc thể, ADN) của thai nhi dẫn đến các bệnh lý ung thư (ung thư máu). Hút thuốc lá trong thời kì mang thai làm tăng tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân. 

Hút thuốc lá làm giảm khả năng thụ thai ở khoảng 13% phụ nữ, tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, tăng huyết áp, hen có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Ung thư phổi trong thời gian mang thai là rất hiếm, nhưng nó là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (25 đến 39 tuổi) và được cho là tăng lên do các yếu tố nói trên. Di căn đến nhau thai và thai nhi cũng đã được báo cáo. 

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu thêm gần 50%. Thời gian phơi nhiễm, lượng tiếp xúc và tuổi của mẹ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển dị tật bẩm sinh khi tiếp xúc với khói thuốc lá. Trong một nghiên cứu khi so sánh hơn 14.000 trẻ sinh ra với khuyết tật bẩm sinh với hơn 60.000 trẻ không bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ dị tật tim đã được báo cáo ở nhóm trẻ tiếp xúc với khói thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ. Các dị tật tim bao gồm dị thường động mạch phổi, bất thường van phổi và các khuyết tật vách ngăn nhĩ. 

Các bệnh lý sau sinh có liên quan đến hút thuốc trong thời kỳ mang thai bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), nhiễm trùng đường hô hấp (như viêm phế quản, viêm phổi), hen, dị ứng, viêm tai giữa, đau bụng, viêm tiểu phế quản, tầm vóc ngắn, giảm tập trung chú ý, tăng động, béo phì ở trẻ em và giảm hiệu suất học tập. 

Giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới 

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do giá thuốc lá của Việt Nam vẫn rất rẻ, thậm chí ngày càng rẻ đi nếu so với thu nhập. Giá của một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là chỉ 6.000 đồng/bao, phổ biến là ở mức dưới 20.000 đồng/bao. Theo dữ liệu toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2017, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. 

Một lý do nữa là 20 năm qua, giá thuốc lá sau khi đã điều chỉnh lạm phát hầu như không tăng, thậm chí giảm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm, sản phẩm thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, với ngay cả nhóm thu nhập thấp và thanh thiếu niên. 

Thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá của Việt Nam áp dụng trên giá bán ra của cơ sở sản xuất, vì vậy mặc dù tỷ lệ thuế hiện nay là 70% và tăng lên 75% vào năm 2019, tỷ lệ thuế (tiêu thụ đặc biệt + VAT) trên giá bán lẻ chỉ chiếm từ 35% đến 40%, còn cách xa khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 70% giá bán lẻ. Với tỷ lệ 35% - 40% thuế trên giá bán lẻ, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thuế thấp nhất trên thế giới và khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Lào và Campuchia). 

Tại Hội thảo “Thuế thuốc lá: Nên tăng hay giảm thuế suất” được tổ chức tại Hà Nội hồi đầu tháng 5/2018 vừa qua, Bộ Tài chính đã đề nghị điều chỉnh phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá theo hai phương án. Phương án 1 là áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). 
 
Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 10.000 đồng/một điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ ngày 1/1/2020. Phương án 2 sẽ là tăng thuế suất thuế theo lộ trình: từ ngày 1/1/2020 tăng từ mức thuế suất 75% lên 80%; từ ngày 1/1/2021 tăng từ mức thuế suất 80% lên mức 85%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mức tăng này vẫn còn thấp và đề nghị mức thuế tuyệt đối cần tăng thêm 2.000 đến 5.000 đồng/bao. 

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cai nghiện thuốc lá 

Theo các chuyên gia y tế, cùng với tăng thuế để giảm tỷ lệ người hút thuốc, cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. 

Tính đến 3/2017, tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai (1800-6606) đã trả lời 7.128 cuộc gọi, tư vấn cai nghiện thuốc lá cho 4.462 khách hàng qua điện thoại, thực hiện gọi lại cho khách hàng được 520 cuộc để kiểm tra quá trình cai thuốc. Tư vấn trực tiếp cho 193 ca tới Phòng tư vấn và 187 ca là bệnh nhân tại Trung tâm hô hấp. 

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2016, trên 1.648 đầu số, có 469 người trả lời (28,4%), tỷ lệ bỏ thuốc tại thời điểm phỏng vấn là 8,9% (31,3% trên 469 người). Kết quả điều tra GATS cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc lá đến cơ sở y tế được nhân viên y tế tư vấn bỏ thuốc tăng 10,8% (từ 29,7% lên 40,5%). 

Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Quỹ đã hỗ trợ 9 bệnh viện trong toàn quốc thí điểm triển khai mô hình phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá để hỗ trợ cho người bệnh và người nhà người bệnh bỏ thuốc và người hút thuốc trong khu vực. Các bệnh viện này được lựa chọn để đại diện cho các miền và các tuyến bệnh viện. Các mô hình tư vấn cai nghiện sẽ được theo dõi và đánh giá hiệu quả để nhân rộng ra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trong toàn quốc. Riêng năm 2016, đã có tới 8.464 người bệnh được tư vấn ngắn về cai nghiện thuốc lá, 821 người bệnh được tư vấn cai nghiện thuốc lá chuyên sâu tại 9 bệnh viện. 

“Từ năm 2016, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai số 1800 - 6606 và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh số 1800 - 1214, đồng thời hỗ trợ 8 bệnh viện tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá. Các hoạt động tập trung vào việc tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các bệnh viện, nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sỹ, tư vấn viên trong bệnh viện về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá”.
 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết