Uy tín của nhà giáo

15:47 20-11-2018 | :3253

Laocaitv.vn - Nghề nào trong xã hội cũng cần uy tín để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm. Nghề giáo là nghề đặc thù, uy tín của nhà giáo bởi thế cũng có ý nghĩa rất lớn và mang đặc thù rất rõ rệt. 

Từ xưa đến nay, xã hội luôn dành cho các nhà giáo một sự tôn trọng gắn với những kì vọng trong việc đem lại vốn tri thức cho mọi người, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Trước đây, giáo dục chỉ dành cho một số ít người. Trong số ít người được học hành ấy, chỉ một số rất ít có chí hướng và khả năng sôi kinh nấu sử để đỗ đạt làm quan, còn lại là đi học để “kiếm chút vốn liếng chữ nghĩa thánh hiền” làm người có học trong cộng đồng. Ông đồ là người hay chữ nhất trong vùng. Nội dung học chủ yếu là học chữ, rồi học kinh sách. Mục tiêu học là thuộc lầu kinh sách. Phương pháp giảng dạy truyền nối từ bao đời là thầy giảng, trò viết theo, đọc theo, về nhà ra rả học thuộc lòng. Các hình phạt bằng roi vọt, bắt quỳ là cách thức thực thi hằng ngày. Bởi vậy, nghề dạy học còn gọi là nghề “gõ đầu trẻ”. Tiêu chí uy tín của thầy được lưu truyền trong dân gian là “Thứ nhất hay chữ, thứ nhỉ dữ đòn”. Có vốn liếng chữ nghĩa nhiều mới dạy cho trò được nhiều. Dùng roi vọt phạt học trò nghiêm khắc thì học hành mới có hiệu quả. Tình trạng ấy đã đi vào dĩ vãng, nhưng tàn tích của nó đây đó vẫn còn rơi rớt.

Nền giáo dục hiện đại xây dựng trên nền tảng tư tưởng con người được tôn trọng và phát triển, trong tư tưởng Hồ Chí Minh là “nền giáo dục hoàn toàn mới, một nền giáo dục làm phát triển những năng lực sẵn có của các em”.

Trong nền giáo dục tiên tiến ấy, đội ngũ các nhà giáo mang những phẩm chất mới, hội đủ các nội dung: Có tư tưởng tiến bộ, có lòng yêu nước, yêu thương con người và tha thiết yêu nghề, có đạo đức và lối sống trong sáng, mẫu mực. Có kiến thức vững vàng, bao gồm kiến thức khoa học bộ môn và vốn tri thức xã hội phong phú. Có phương pháp giảng dạy và phương pháp giáo dục vững vàng.

Những phẩm chất nói trên một phần là tố chất và vốn liếng được rèn luyện từ bậc học phổ thông, khi quyết định chọn nghề và bước vào trường Sư phạm được đào tạo, rèn luyện và thực hành, thực tập, khi chính thức trở thành nhà giáo là cả một quá trình rèn luyện và tích lũy không ngừng theo nhu cầu tự thân và yêu cầu của các thế hệ học sinh, các phụ huynh và của toàn xã hội.

Uy tín của nhà giáo có ý nghĩa rất lớn và mang đặc thù rất rõ rệt. (Ảnh minh họa)

Đặc thù nghề nghiệp yêu cầu người thầy không chỉ sử dụng kiến thức và phương pháp sư phạm làm công cụ mà tất cả tư tưởng, tình cảm, đến phong cách cử chỉ nói năng, ăn mặc, đi đứng, tất cả mọi ứng xử của người thầy đều là công cụ giáo dục, đều tham gia trực tiếp và tác động liên tục đến người học hàng ngày, từng phút từng giờ. Đặc thù nghề nghiệp làm cho người thầy bộc lộ hết mình về vốn liếng kiến thức và năng lực trước học sinh, phải chịu trách nhiệm trực tiếp và cụ thể về quá trình và hiệu quả công việc. Dù có cả một hội đồng sư phạm, nhưng lao động của nhà giáo mang tính độc lập rất cao, bởi vậy, trách nhiệm từng người rất lớn lao và cụ thể.

Lối dạy đọc chép thì dựa hoàn toàn váo sách vở, vốn liếng đến đâu dạy đến đó. Phương pháp giáo dục mới đòi hỏi phát huy năng lực của người học, đích đến không chỉ là kiến thức, mà còn là năng lực, phương pháp tìm tòi để rồi phát triển kiến thức và có năng lực tự học suốt đời. Vì thế, người thầy phải có kiến thức sâu rộng để nắm bắt mọi tình huống tìm tòi của học sinh. Bao nhiêu học sinh là bấy nhiêu bộ óc linh hoạt, bấy nhiêu sự tìm tòi. Kiến thức người thầy hạn hẹp thì khó mà đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực học sinh.

Phương pháp dạy học bộ môn và phương pháp giáo dục nói chung đòi hỏi mỗi nhà giáo vừa là người thầy, vừa là người quản lí, nghĩa là phải thu hút được người học, tổ chức hoạt động có hiệu quả và xử lí được các tình huống diễn ra. Một lớp ba bốn chục học sinh, có khi đông hơn. Thế giới trẻ em vô cùng phong phú và đa dạng. Mỗi trẻ em là một thế giới sinh động. Mỗi em một tính cách, một năng lực, một đặc điểm tâm lí và sinh lí, một hoàn cảnh bản thân và gia đình. Phải có tấm lòng yêu thương chân thành mới tạo được sức thu hút trẻ em. Phải tinh tường, khéo léo mới phát hiện ra các tình huống. Phải độ lượng, bao dung, công bằng, phải sống cuộc sống của trẻ em mới xử lí được đúng sai nghiêm minh và thuyết phục. Nói tóm lại, phải có tấm lòng yêu thương và nghệ thuật sư phạm. Đích cuối cùng là hiệu quả giáo dục thể hiện ở từng học sinh theo mục tiêu đề ra.

Xã hội tôn vinh nghề thầy chính từ những yêu cầu đặc thù nói trên. Nhà giáo trở thành người của công chúng, được tôn vinh đồng thời cũng được dõi theo và đánh giá với yêu cầu cao, có cả sự nghiêm ngặt. Mỗi nhà giáo là một con người cụ thể, khó tránh khỏi những khiếm khuyết, thậm chí lỗi lầm. Trước bao nhiêu tình huống sư phạm diễn ra, dễ gì mọi tình huống đều được xử lí vẹn toàn. Vì học sinh, vì sự nghiệp chung, nhà giáo phải tự nghiêm khắc với mình. Nhưng cũng cần có sự phối hợp tận tình của xã hội, sự nhìn nhận thấu đáo để những khiếm khuyết nếu có sẽ được khắc phục êm thấm, có lợi cho việc giáo dục trẻ em.

Uy tín nghề nghiệp là kết quả của trí tuệ, nhiệt huyết yêu người yêu nghề được mỗi nhà giáo trau dồi, tích lũy thường xuyên, gắn liền với trách nhiệm toàn xã hội, tạo nên nguồn lực có ý nghĩa quyết định để thành công trong giáo dục, đem lại thành công của đất nước trong các lĩnh vực khác.

Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết