Laocaitv.vn - Ngày 23/9/1958 luôn được “khắc ghi” trong trái tim mỗi người dân Lào Cai. Bởi đây là ngày Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai vinh dự được đón Bác Hồ lên thăm, được trực tiếp nghe Bác căn dặn, chỉ bảo và với những người con của Lào Cai may mắn được trực tiếp gặp Bác trong chuyến lên thăm này, hoặc được gặp Bác trong quá trình chiến đấu, học tập, công tác năm xưa … thì đó mãi là một kỷ niệm, là động lực thúc đẩy mọi người không ngừng cố gắng, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Ông Hoàng Trá Quang, ở tổ 1, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, trí nhớ cũng không còn được minh mẫn như xưa nữa, nhưng khi được hỏi về chuyện được gặp Bác Hồ cách đây 60 năm, khi Người lên thăm Lào Cai, thì tất cả những kỷ niệm về sự kiện trọng đại ấy lại ùa về vẹn nguyên. Ông nhớ lại: Ngày ấy, tôi mới 26 tuổi, là người dân tộc Nùng, lúc ấy tôi là Phó bí thư tỉnh đoàn Lào Cai. Sau một ngày thăm mỏ, sáng ngày 24/9/1958, Bác có buổi nói chuyện với Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến tỉnh và đại biểu các huyện, thị. Khách mời còn có đại biểu huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) và các em thiếu nhi Việt kiều. Đúng 7h30, Bác nói chuyện trong không khí rất đầm ấm tại đồi 117 - trụ sở Tỉnh uỷ khi ấy. Ông Hoàng Trá Quang nhớ lại: Tôi được ngồi ở hàng đầu. Bác thăm hỏi sức khỏe nhân dân, công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ. Bác nhìn mọi người rồi chỉ vào tôi và hỏi: Cán bộ như cháu này đã đào tạo được nhiều chưa?, khi ấy tôi còn lúng túng chưa kịp nói gì thì đồng chí Hoàng Trường Minh, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy đáp: “Thưa Bác, chưa được nhiều ạ. Cháu này là Hoàng Trá Quang, dân tộc Nùng, nhà ở Mường Khương, đang là Phó bí thư Tỉnh đoàn”. Bác nói: "Phải đào tạo thật nhiều cán bộ như thế này". Rồi Bác hỏi đồng chí Trường Minh: "Thế cháu ở đâu?". Đồng chí Trường Minh đáp: "Dạ, thưa Bác, cháu là người Tày ở Bắc Kạn về đây công tác từ năm 1947 ạ". Bác lại nói tiếp: "Bác mong cán bộ miền xuôi và cán bộ địa phương phải đoàn kết, chung sức học tập và công tác tốt, phục vụ nhân dân. Nếu làm được như thế thì Lào Cai sẽ phát triển, sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Ăn cơm trưa xong, Bác hỏi đồng chí Trường Minh: "Gạo dẻo này ở đâu?" Bí thư Hoàng Trường Minh thưa Bác: "Gạo này của đồng bào Dao làm trên nương ạ". Bác nói: "Dẻo lắm, ngon lắm. Phải quy hoạch sản xuất để đưa gạo ngon này thành hàng hoá, nhưng không được phát rừng, đốt nương bừa bãi"… Tác phong làm việc của Bác rất nhanh nhẹn, tiết kiệm thời gian. Bác bảo: Bác từng nghiên cứu tài liệu về Sa Pa, nơi đó nghỉ mát rất tốt không chỉ cho Lào Cai mà cho cả nước mình, cần phải làm đường to đến đấy. Rồi Bác chỉ xuống sông Hồng, nói: “Đây chính là con đường đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, phải cải tạo sông để thông thương hàng hoá”. Bác lại chỉ sang phía Trung Quốc: “Các đồng chí nên tranh thủ đi học tập kinh nghiệm để xây dựng Lào Cai”.
Lời Bác dặn, chàng trai trẻ Hoàng Trá Quang khi ấy đã không quản ngại gian nguy tham gia tiễu phỉ, rồi lại trở về công tác vận động thanh niên thực hiện các phong trào thi đua sản xuất giỏi, khi ấy nổi bật là phong trào "diệt giặc dốt và giặc đói" thi đua lao động sản xuất kiến thiết nước nhà và mỗi người làm việc bằng hai ủng hộ sức người sức của giải phóng niềm Nam thống nhất đất nước. Rồi tiếp tục nhận và hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương giao phó. Sau đó Ông Hoàng Trá Quang còn vinh dự được gặp Bác thêm một lần nữa trong buổi nói chuyện ở hội trường Ba Đình trong Hội nghị cai nghiện thuốc phiện và bỏ trồng cây thuốc phiện. Khi ấy ông đại diện cho vùng cao Lào Cai lên báo cáo điển hình với thành tích giúp 5 nghìn người bỏ thuốc phiện, vận động nhân dân phá bỏ 3 ha cây thuốc phiện ở Mường Khương, thay vào đó là trồng cây đậu tương. Nghe ông đọc báo cáo xong, Bác Hồ lên tận bục bắt tay và nói: "Tất cả 300 huyện của cả nước phải học tập và làm theo cháu này” và dặn ông “cháu cần phải cố gắng phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình”. Cứ như vậy những lời căn dặn của Bác đã trở thành “kim chỉ nam” cho ông trong cuộc sống, công tác. Cho đến tận bây giờ khi “tuổi già xế bóng” ông vẫn luôn tâm niệm và làm theo lời Bác dạy năm xưa.
Không may mắn được gặp Bác trực tiếp khi Người lên thăm Lào Cai, nhưng trong quá trình học tập, công tác ông Đỗ Xuân Mai, ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai cũng đã vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ. Ông Đỗ Xuân Mai nhớ lại: Năm 1959, tôi còn khá trẻ về học lớp bồi dưỡng múa tại khu văn công Cầu Giấy Hà Nội. Đây là lớp học đầu tiên do Vụ nghệ thuật Bộ Văn hoá tổ chức, gồm các diễn viên múa của đoàn văn công chuyên nghiệp từ tỉnh Nghệ An trở ra. Hôm ấy, lớp học vừa hết tiết múa cơ bản Ba lê, bỗng thấy một đoàn người rất đông đi giữa là một cụ già mặc bộ quần áo bà ba màu nâu đi về phía cửa phòng tập. Anh Văn Trực, giáo viên của lớp, nhìn thấy vui mừng reo lớn: “Bác Hồ! Bác Hồ! các em ơi!”, thế là cả lớp học ào đến, vây quanh Bác. Những ai khoẻ và nhanh nhẹn, thì chen vào trong được đứng gần Bác hơn, trong đó có ông. Ông Mai xúc động cho biết: Đây là lần đầu tiên trong đời, ông được đứng gần bên Bác. Ngắm nhìn Bác với tất cả tình cảm, lòng yêu kính từ thuở còn ấu thơ... Bác ở rất gần ông, trong bộ quần áo bà ba và đôi dép cao su đen giản dị. Bác trìu mến nhìn mọi người khắp lượt và hỏi han mọi người tập luyện, việc ăn và ở của mọi người. Biết ông Mai ở Lào Cai về, Bác nói: Cháu ở Lào Cai phải cố gắng học tiếng dân tộc, nói được tiếng dân tộc. Học múa, học hát giỏi… Từ lời căn dặn của Bác, với 50 năm gắn bó gắn bó với nghệ thuật, ông đi sâu vào tìm hiểu những điệu múa, những bản sắc của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai, .
Lần thứ 2 ông được gặp Bác là năm 1962, trong lễ tổng kết phát thưởng của hội diễn mùa xuân tại Thường Tín tỉnh Hà Đông do Vụ nghệ thuật Bộ Văn hoá tổ chức. Ngoài giải của đoàn tỉnh Lào Cai, còn có ba giải Huy chương vàng cho cá nhân: Đó là chị Khánh Nguyệt, chị Hà Té và ông. Ông Mai nói: Lần trước, tôi được gặp Bác ở sàn tập, lần này thì được biểu diễn cho Người xem...”. Nhớ lời Bác dạy, ông Mai luôn cố gắng học tập, rèn luyện, chịu khó tìm tòi học hỏi, sáng tác, phục chế những điệu múa của các dân tộc như múa trên đường về bản của dân tộc Xa Phó, múa gậy tiền của dân tộc Mông, múa xòe chiêng… Về hưu năm 2008, ông hăng hái tham gia công tác địa phương và tận tâm tận lực với phong trào văn hóa văn nghệ cho các cụ người cao tuổi.
Qua hồi ức của những người vinh dự được gặp Bác Hồ năm xưa hiện còn sống ở Lào Cai, hình ảnh Bác hiện lên vô cùng gần gũi, bình dị và ấm áp. Những tình cảm, sự quan tâm, động viên của Bác đã trở thành động lực thôi thúc họ vươn lên trong cuộc sống, công việc. Tin tưởng, hướng về Bác, những người được gặp Bác Hồ năm xưa nói riêng, đồng bào các dân tộc Lào Cai nói chung vẫn luôn nguyện một lòng phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo xây dựng mảnh đất biên cương địa đầu Tổ Quốc Lào Cai ngày càng giầu đẹp, văn minh.
Mai Huệ
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết