Vu Lan - mùa báo hiếu

15:41 24-08-2018 | :1334

Laocaitv.vn - Mỗi độ thu về báo hiệu một mùa Vu Lan tới. Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người con Việt.

Trao quà tặng các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại pháp hội Vu lan báo hiếu năm 2018 được tổ chức ở chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), ngày 12/8/2018. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN

Nói đến Vu Lan là nói đến mùa báo hiếu. Xuất phát từ truyền thuyết về Tôn giả Mục Kiều Liên, đệ tử xuất chúng của đức Phật đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngục quỷ, Vu Lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ về ân đức sinh thành dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, tổ tiên và muốn làm việc gì đó để đền ơn đáp nghĩa.

Hiếu hạnh là vấn đề quan trọng được đức Phật quan tâm và đề cao. Trong trăm điều thiện, chữ hiếu đứng ở vị trí hàng đầu. Theo truyền thống nguyên thủy, có bốn việc người con hiếu hạnh cần nằm lòng để thực hiện, đó là sự tôn trọng và quý kính cha mẹ; sự tự ý thức trách nhiệm về việc phụng dưỡng cha mẹ, gìn giữ sản nghiệp, bảo vệ gia phong - văn hóa tâm linh gia tộc; đem lại niềm vui bằng việc cung dưỡng cả đời sống vật chất cũng như tinh thần; hướng dẫn tu tập Phật pháp để tự mình có thể gỡ bỏ được mọi đau khổ.

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mùa Vu Lan hiếu hạnh nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn giáo dưỡng của thầy Tổ và nhất là công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, Anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Từ niềm hiếu đạo sâu kín, thiêng liêng của truyền thống đạo đức phương Đông, tinh thần hiếu thảo trong mùa Vu Lan đã trở thành bông hoa đạo lý, nhắc nhớ con cái hãy sống có hiếu hơn, đạo đức hơn nữa để đáp đền tình thương bao la rộng lớn của cha mẹ - những người đã hy sinh cả cuộc đời, cả tâm hồn và thể xác cho con.

Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình, chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người. Phận làm con phải hiểu rõ tình thương và sự hy sinh cao cả ấy, hiểu để đền ơn đáp nghĩa với đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người.

Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, nên tinh thần Vu Lan báo hiếu cũng như đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân. Cứ đến dịp Rằm tháng Bảy, nhà nhà lại soạn sửa lễ vật cúng giàng, thành tâm cầu chư tăng chúng Phật, cầu cho linh hồn ông bà tiên tổ, cha mẹ được siêu thoát.

Đại đức Thích Tâm Thuần, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng không chỉ báo hiếu mỗi mùa Vu Lan về mà mỗi người cần thực hiện 5 điều hiếu trong đạo Phật: hiếu kính, hiếu dưỡng, hiếu hạnh, hiếu tâm và hiếu đạo. Thực hiện 5 điều hiếu đó mới là báo hiếu.

Ngày nay, chữ hiếu lại càng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Việt. Khi mà những tác động xấu của xã hội đang ngày ngày len lỏi vào mỗi gia đình, khi đạo đức xã hội đang dần xuống cấp, con cái đối xử bất hiếu với cha mẹ, thậm chí, giết cả người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình khôn lớn, thì việc giáo dục đạo hiếu càng cần được xem trọng hơn bao giờ hết.

Các Phật tử thực hành Nghi thức "Bông hồng cài áo" tại lễ Vu lan báo hiếu và dâng y (cà sa) ở chùa Phật Tổ (phường 4, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau), ngày 18/8/2018. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Trong chương trình nghị sự tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước những vấn đề như bạo hành gia đình, bạo lực trong trường học, những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ tâm tư của cử tri “ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội được như ngày xưa. Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn nói trên có nhiều nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp của đạo đức”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) từng đặt câu hỏi “điều đó phải chăng là hồi chuông cảnh báo về những thách thức đang đặt ra đối với giá trị cốt lõi trong đạo đức văn hóa Việt?”.

Văn hóa không chỉ là nhân tố nội sinh thúc đẩy con người hoàn thiện nhân cách mà còn là mục tiêu động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Yếu tố cơ bản góp phần làm nên sự phát triển nhanh chóng của Nhật Bản và Hàn Quốc là họ biết phát huy, gắn các đặc điểm ưu việt của nền văn hóa truyền thống và quá trình phát triển bền vững đất nước.

Vì vậy, để đất nước phát triển, vì tương lai của dân tộc, vấn đề văn hóa, mà cụ thể hơn là những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc như sự hiếu đạo, luôn cần được đặt lên hàng đầu. Hòa chung dòng chảy lịch sử của dân tộc, Phật giáo Việt Nam hơn 2.000 năm qua luôn quan tâm giáo dục cho Phật tử triết lý Phật giáo “Chân - Thiện - Mỹ” và truyền thống dân tộc qua Tứ trọng ân: ân quốc gia xã hội, ân cha mẹ, ân Tam bảo sư trưởng và ân chúng sinh vạn loài.

Theo Báo Tin tức


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết