Laocaitv.vn - Vóc người nhỏ bé, sức khỏe dẻo dai và tư duy làm ăn trên thương trường vẫn rất rõ ràng, nhạy bén. Cựu chiến binh, thương binh 72 tuổi Phạm Thanh Xuân - người nông dân tỷ phú nổi tiếng bởi nghề nuôi ong lấy mật ở vùng đất Bảo Hà, tỉnh Lào Cai được rất nhiều người biết đến và cảm phục.
Say mê kể chuyện về những con ong mật, người cựu chiến binh, thương bình Phạm Thanh Xuân vẫn nhớ như in trong ký ức, thời điểm mà vợ chồng ông quyết tâm dắt díu nhau rời quê hương Hải Dương lên Lào Cai lập nghiệp, rồi chọn con ong mật là nghề sinh kế lâu dài.
Ngày ấy đã cách đây gần 30 năm.
Khi đó, trở về từ chiến trường Miền Nam với thương tật hạng 2/4, để lại một cánh tay nơi chiến trường ác liệt, trở lại cuộc sống đời thường, như bao nông dân thuần túy khác, người cựu chiến binh, thương binh Phạm Thanh Xuân phải đối mặt với những khó khăn cơm áo gạo tiền; Giữ vai trò là người đàn ông trụ cột trong gia đình, cùng vợ gánh gồng đàn con thơ dại.
Hơn mười năm trời lăn lộn nơi đồng sâu ruộng cạn, quên cả những đau đớn tái phát từ vết thương trên thịt da mỗi khi trái gió trở trời, thế nhưng cuộc chiến chống đói nghèo của gia đình anh thương binh Phạm Thanh Xuân vẫn rất khốc liệt. Nhiều đêm vắt óc nghĩ kế sinh nhai, để rồi một ngày, người thương binh, người chồng và người cha trách nhiệm Phạm Thanh Xuân đi đến một quyết định táo bạo: cùng vợ bồng bế đàn con thơ dại ngược lên vùng núi Lào Cai, tìm cuộc sống mới.
Đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, vùng đất Bảo Hà dẫu không còn rừng thiêng nước độc, nhưng dân cư vẫn thưa thớt ở các xóm thôn. Bù lại, vùng đất bồi bãi dọc ven sông Hồng đã cho người dân những vườn cây ăn quả đến mùa trái sai lúc lỉu. Bắt đầu là những vườn vải, vườn nhãn, mơ chua, rồi sâu hơn nữa trên các cánh rừng là hoa mỡ, hoa bồ đề mỗi bận xuân về nở hoa trắng xóa. Ngắm địa hình vườn bãi núi non ấy, tính đi tính lại, người thương binh, nông dân Phạm Thanh Xuân quyết định khởi nghiệp bằng nghề nuôi ong lấy mật.
Vua ong miền núi Phạm Thanh Xuân. (Ảnh: QPVN)
Khởi đầu từ đàn ong nội – vậy nhưng nghề nuôi ong chẳng hề dễ dàng. Năm 1993, việc tiếp cận thông tin để học hỏi kỹ thuật nuôi ong là vô cùng khó khăn. Kinh nghiệm thiếu, nên trong 1 – 2 năm đầu, 100 đàn ong của gia đình ông Xuân gần như chết sạch, vốn liếng đầu tư cũng theo bầy ong nội bay đi.
Không hề nhụt chí, cựu chiến binh Phạm Thanh Xuân bắt tay gây dựng lại từ đầu. Tìm đến những người nuôi ong mật có kinh nghiệm ở các địa phương khác để học hỏi; Rồi mày mò sách báo tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc đàn ong. Năm 1996, những đàn ong đã mang về cho gia đình ông Phạm Thanh Xuân những mùa mật ngọt. Khi đàn ong bắt đầu sinh sôi, cũng là thời điểm cây mơ chua ở Bảo Hà thất thế. Quả mơ chín rũ, chất đống không ai mua, nông dân Bảo Hà đành ngậm ngùi chặt hết những vườn mơ cổ thụ để dịch chuyển sang trồng trọt những loại cây mới. Cả vùng mơ chua vài chục ha bị phá bỏ, cũng đồng nghĩa đàn ong mật của ông Phạm Thanh Xuân không còn mùa hoa để hút mật.
Để theo đuổi giấc mơ làm giàu từ đàn ong mật của mình, người cựu chiến binh, thương binh Phạm Thanh Xuân bắt đầu cuộc hành trình kéo dài hết năm này qua năm khác, du di theo đàn ong đi kéo mật tại những địa phương có những vùng cây trái lớn. Từ chuyến du mục đầu tiên, rồi cứ thế một năm tứ mùa, theo lịch trình định sắn, đầu năm mùa hoa vải, đàn ong được gia đình ông Xuân đưa về Bắc Giang; sau đến mùa hoa nhãn, ong sẽ được đưa tới Hưng Yên, Sơn La; mùa hoa bồ đề, keo, đàn ong lại được đưa lên Lào Cai. Sau đó, tháng 6, 7, ong được đưa về Thái Bình để tìm mật ở rừng hoa sú, vẹt bạt ngàn; Đến tháng 8, 9, đàn ong “nghỉ dưỡng” tại Bắc Hà; Cuối năm, chúng được vào Tây Nguyên để tìm mật trên vườn hoa cà phê và tránh rét.
Trong những cuộc du di tìm hoa kéo mật ấy, tiếp xúc với nhiều người nuôi ong mật ở nhiều tỉnh, thành phố, ông Xuân đã quyết định chuyển đổi đàn ong nội của mình sang nuôi ong ngoại (giống ong Italia). Đây là một sự lựa chọn sáng suốt, để nghề nuôi ong của gia đình ông có những bước phát triển vượt bậc sau này.
Kinh nghiệm nuôi ong được tích lũy dầy nên theo tháng năm, đàn ong ngoại của gia đình thương binh Phạm Thanh Xuân theo đó cũng tăng lên theo cấp số nhân. Từ vài chục đàn ong mật ban đầu, nhân lên hàng trăm đàn... Và sau gần 30 năm, đến nay, gia đình ông Phạm Thanh Xuân đã sở hữu gần 900 đàn ong mật. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu được từ 25 – 30 tấn mật ong nguyên chất.
Một số sản phẩm mật ong do công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân sản xuất. (Ảnh: Internet)
Cũng trong những năm tháng dọc ngang đất nước theo đàn ong, bươn chải bán sản phẩm mật ong trên thị trường, lão nông Phạm Thanh Xuân nhận thức rất rõ rằng: để sản phẩm mật ong đảm bảo tính cạnh tranh, được người tiêu dùng biết đến, thì sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu rõ ràng. Vậy là Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân được thành lập. Sự đầu tư tâm huyết đã giúp những sản phẩm của công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân ngày càng trở nên nổi tiếng. Những sản phẩm chủ lực của Công ty như mật ong nguyên chất; Mật ong phấn hoa sữa ong chúa; Phấn hoa và sữa ong chúa… Liên tiếp được Bộ Nông nghiệp công nhận sản phẩm nông nghiệp chất lượng vàng Việt Nam, được tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước. Trở thành tỷ phú nhờ nghề nuôi ong, được những người cùng nghề tôn làm Vua ong miền núi, người thương binh – lão nông Phạm Thanh Xuân không khỏi tự hào bởi ông đã lựa chọn đúng hướng phát triển kinh tế, làm giàu của gia đình mình.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng chục lao động ở mỗi địa phương khi đàn ong vào mùa lấy mật. Nhưng hơn cả, là vua ong miền núi Thanh Xuân đã truyền được cảm hứng nuôi ong cho các con của mình. Hiện nay, cả 4 người con của ông đang là chuyên gia về ngành ong và góp phần làm cho công ty ngày càng phát triển.
Say mê đàn ong mật, thuộc làu làu từng tập tính sinh hoạt lẫn phân công lao động kỷ luật hết sức chặt chẽ của bầy ong, lão nông Phạm Thanh Xuân tự ví mình cũng như loài ong thợ, cần mẫn và đam mê để gom góp chút mật ngọt cho đời. Có lẽ chính vì vậy, khi cuộc sống không còn bị ràng buộc, quay quắt bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền, là người lính già, thương binh Phạm Thanh Xuân nghĩ đến việc nhường cơm, sẻ áo cho những đồng đội, thương bệnh binh có cuộc sống khó khăn vất vả hơn mình.
Sẵn sàng dang tay với những mảnh đời thua thiệt, ngay cả với nghề nuôi ong mật, vua ong miền núi Phạm Thanh Xuân cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phần nào kinh phí cho bất cứ ai muốn tìm đến học nghề nuôi ong. Phẩm chất người lính và tinh thần vì đồng đội ấy vẫn luôn cháy trong ông, chưa khi nào tắt lửa bởi ông quan niệm rằng: cuộc sống sẽ giàu có hơn, hạnh phúc hơn nếu như giúp được ai đó có được nguồn thu nhập ổn định như mình.
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết