Xuất, nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy hải sản sẽ không dừng lại ở những con số thương mại

15:44 18-07-2018 | :391

Laocaitv.vn - Hoạt động xuất, nhập khẩu nói chung và hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây, thủy hải sản nói riêng qua địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định. Hàng hóa nông sản, thủy sản chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu. Chủng loại hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu ngày càng phong phú, đa dạng. Cho thấy, việc đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản, trái cây, thủy hải sản qua địa bàn Lào Cai còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện cơ quan tham mưu thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thì chúng ta sẽ không dừng lại ở những con số sau xúc tiến, xuất, nhập khẩu hàng hóa mà đã đến lúc chúng ta phải tính tới việc duy trì sự phát triển bền vững, đẩy mạnh chất lượng hàng hóa và cân bằng cán cân hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Xuất, nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy hải sản sẽ không dừng lại ở những con số thương mại

Kết quả đạt được thông qua việc xuất, nhập khẩu mặt hàng nông sản, trái cây và thủy hải sản qua địa bàn Lào Cai thời gian qua đạt những con số  rất khả quan. Kết thúc năm 2017 tổng số lượng các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất, khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt trên 500 nghìn tấn (tăng 155% so với năm 2016), giá trị đạt 280 triệu đô la Mỹ. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng số lượng các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất qua địa bàn tỉnh Lào Cai sang thị trường Trung Quốc đã đạt trên 400 nghìn tấn (tăng 166% so với cùng kỳ năm 2017) giá trị đem lại trên 305 triệu đô la Mỹ. Đạt sản lượng lớn nhất trong 6 tháng qua là mặt hàng nông sản, trái cây với tổng số đạt trên 390 nghìn tấn (tăng 169% so với cùng kỳ năm 2017) và đạt giá trị trên 270 triệu đô la, bao gồm các loại hàng nông sản, trái cây: Thanh long, hạt tiêu, củ sắn, dưa hấu và các loại nông sản trái cây khác. Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ yếu là tôm thẻ tươi, tôm sú tươi, cua biển tươi… với số lượng khoảng 2.400 tấn, giá trị đạt trên 38 triệu đô la. Tính rộng ra, kết thúc năm 2017, chương trình kết nối, xúc tiến thương mại, xuất, nhập khẩu các mặt hàng này qua các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Trung Quốc và có nhu cầu xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây, thủy hải sản đã đạt gần 97 tỷ đô la Mỹ, dự ước kết thúc năm 2018 tỷ trọng đạt được qua chương trình xúc tiến thương mại hai chiều này sẽ đạt trên 100 tỷ đô la Mỹ. Đây là những con số khẳng định hiệu quả từ chương trình kết nối, xúc tiến thương mại xuất - nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây, thủy sản mà các địa phương, trong đó có Lào Cai cần tiếp tục được triển khai thực hiện, thúc đẩy xuất, nhập khẩu có chất lượng và bền vững. Khẳng định về hiệu quả trong chương trình kết nối, xúc tiến thương mại trên tuyến hành lanh kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh qua 3 năm Bộ Công thương triển khai tại các tỉnh phía Bắc, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đánh giá: Với vị trí địa lý đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã và đang là “cầu nối”, là “cửa ngõ” của Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam, Trung Quốc rộng lớn, đồng thời là một trong những trung tâm của hành lang kinh tế Bắc - Nam trong hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS).

Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy, kết nối giao thương xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thứ 3 với thị trường Trung Quốc. Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm qua liên tục tăng trưởng ở mức cao, trong đó các mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu ngày càng có vị trí quan trọng trong tổng kim ngạch. Có được kết quả này là do tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã triển khai rất nhiều các giải pháp nhằm khai thác tối đa điều kiện thuận lợi về cửa khẩu và hỗ trợ cho hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó có việc tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây và thủy sản. Để tiếp tục khẳng định vai trò là “cầu nối”, tỉnh Lào Cai luôn khẳng định trách nhiệm của mình đối với các địa phương, các doanh nghiệp trong cả nước, trong việc thúc đẩy xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây và thủy sản trong thời gian tới. 

Có thể nói, Hội nghị kết nối, xúc tiến thương mại xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây và thủy hải sản năm 2018 tại Lào Cai thêm một lần nữa tạo cơ hội để các công ty, doanh nghiệp của hai nước Việt Nam - Trung Quốc có nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng nông sản, trái cây, thủy hải sản giới thiệu về cơ chế xuất, nhập khẩu và các yêu cầu đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu, các sản phẩm thế mạnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của cả 2 bên. Đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất với chính quyền địa phương, các ngành của 2 bên tạo điều kiện về mọi mặt trong quá trình thực hiện thông quan xuất, nhập khẩu để nông sản, thủy sản của các địa phương, doanh nghiệp qua cửa khẩu được thuận lợi và nhanh chóng nhất.

Với mặt hàng thế mạnh là quả thanh long, tổng diện tích hơn 27 nghìn ha, sản lượng xuất, khẩu mỗi năm đạt từ 16-17 nghìn tấn, tỉnh Bình Thuận (Việt Nam) hiện đã đạt tới 80% sản lượng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trong các năm gần đây, tỉnh Bình Thuận luôn chọn cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu để xúc tiến xuất nhập khẩu mặt hàng quả thanh long. Theo đánh giá, việc xuất, khẩu mặt hàng này đến nay tuy đã thuận lợi về mặt thông quan tại các cửa khẩu, nhưng số doanh nghiệp Trung Quốc tham gia nhập khẩu mặt hàng quả thanh long tại địa phương còn ít hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài khác, vì vậy tỉnh Bình Thuận rất mong muốn các doanh nghiệp thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia tích cực vào việc thu mua, nhập khẩu các mặt hàng trái cây, nhất là với quả thanh long của Việt Nam.

Với vai trò là cầu nối, là cửa ngõ của Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam, Trung Quốc rộng lớn, đồng thời là một trong những trung tâm của hành lang kinh tế Bắc - Nam trong hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), thì Lào Cai cần đề ra những giải pháp để duy trì vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mặt hàng nông sản, trái cây, thủy hải sản từ các tỉnh, thành phố, các công ty, doanh nghiệp trong cả nước, cũng như của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất, khẩu tại cửa khẩu Lào Cai được thông thoáng, thuận tiện hơn, qua đó, tăng thu cho ngân sách địa phương.

Luôn xác định thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh Lào Cai đúng như phương châm của tỉnh trong nhiều năm qua là “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tham gia định hướng, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ở giai đoạn thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia này thì Lào Cai đang lấy phương châm không chỉ đạt kết quả từ những con số tăng trưởng kim ngạch mà vấn đề cốt lõi đó là lấy tiêu chí chất lượng hàng hóa và xúc tiến bền vững, đảm bảo cán cân kim ngạch hai chiều ở thế cân bằng, cùng có lợi và phát triển.

Quỳnh Chi


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết