Từ một vùng đất nghèo khó, ít người biết đến trên thượng nguồn sông Hồng của miền núi cao Tây Bắc Việt Nam, sau ngày tái lập tỉnh tới nay, nơi đây đang được nhiều du khách xa gần tìm đến thăm, khám phá những địa danh nổi tiếng của tỉnh Lào Cai như : “Cao nguyên trắng Bắc Hà” ; “Lào Cai – Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt”; “Sa Pa – Thành phố trong sương”...
Xin giới thiệu đôi nét về sự ra đời tên gọi mới của 3 địa danh du lịch nổi tiếng Lào Cai hiện nay cùng bạn đọc laocaitv.vn
1. SA PA – THÀNH PHỐ TRONG SƯƠNG
Bài hát “Sa Pa – thành phố trong sương” được Phó giáo sư - nhạc sỹ Vĩnh Cát, nguyên Phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội viết trong dịp đầu năm 1980 ông lên thăm Sa Pa theo lời mời của Tổng công ty rau quả Trung ương.
Kể chuyện về kỷ niệm sáng tác ca khúc này, nhạc sỹ Vĩnh Cát bảo: hồi ấy có người nói Sa Pa là thị trấn đổ nát, hoang tàn sau chiến tranh, làm gì đủ tiêu chuẩn gọi là “Thành phố trong sương” mà nhạc sỹ lại đặt tên cho bài hát như thế?
Sau hơn ba mươi năm bài hát ra đời thì người Sa Pa mới thấy sự dự cảm thần tình của người nhạc sỹ Hà Nội tài hoa này có tình cảm đặc biệt với “Thành phố trong sương”, bởi như ông tâm sự với chúng tôi: Sa Pa từ lâu là vùng núi có phong cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam và cả vùng Đông Dương. Tôi yêu vẻ đẹp của Sa Pa trong sương mù, gió lạnh, với bao kỷ niệm khó quên mà thời kháng chiến chống Pháp khi tôi còn nhỏ tuổi đã cùng đoàn văn nghệ thiếu nhi Việt Bắc có dịp hành quân vượt núi cao lên đây biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân thị trấn Sa Pa. Tôi thấy Sa Pa đẹp hơn cả khi vùng du lịch này khoác trên mình bộ áo choàng tuyệt mỹ của mây trắng núi Hoàng Liên. Vì thế khi tôi sáng tác ca khúc “Sa Pa – thành phố trong sương” mặc dù khi sáng tác bài hát ấy, nơi này chỉ là thị trấn đơn sơ, nghèo nàn, nhưng trái tim người nghệ sỹ mách bảo tôi rằng: Sa Pa trong tương lai sẽ là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
Vẻ đẹp huyền ảo của “Sa Pa – Thành phố trong sương”. Ảnh: Phạm Ngọc Triển
Tôi đã thật sự xúc động khi đọc cảm nghĩ của một du khách trẻ thành phố Hồ Chí Minh viết trên một tờ báo điện tử: “...Có ai đấy chưa một lần đặt chân tới Sa Pa nhưng cũng sẽ cảm nhận được sự tinh tuý của đất trời Sa Pa qua giai điệu da diết, ngọt ngào, đằm thắm lời ca “...Ơi Sa Pa! thành phố trong sương, bốn mùa hoa trái ngát hương. Mây mù, mưa bay, gió lạnh...” trong lời bài hát tuyệt hảo của nhạc sỹ Vĩnh Cát. Ca khúc đã thu hút được tình cảm của người dân Sa Pa và của nhiều người yêu nhạc suốt hơn 30 năm qua.”
Bài hát “Sa Pa – thành phố trong sương” được người dân thị trấn Sa Pa coi là “Huyện ca” và nhiều khách du lịch thích hát ca khúc này sau khi đi du lịch Sa Pa. Do đó địa danh “Thành phố trong sương” của vùng du lịch Sa Pa nổi tiếng này cũng được nhiều người nhắc đến.
Phó giáo sư - nhạc sỹ Vĩnh Cát cũng được nhiều người biết đến qua tác phẩm “Sa Pa – Thành phố trong sương” hơn là chức danh Giám đốc Sở văn hoá – thông tin Hà Nội, Phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội và người sáng tác ra một số bản giao hưởng có giá trị nghệ thuật về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và đất nước mến yêu...
Trao đổi với chúng tôi, nhạc sỹ Vĩnh Cát rất tự hào cho rằng mình là một trong số rất ít văn nghệ sỹ của Việt Nam được các thế hệ lãnh đạo huyện Sa Pa và nhân dân các dân tộc “Thành phố trong sương” phong cho là “Công dân danh dự của vùng du lịch Sa Pa”. Đó là phần thưởng lớn nhất dành cho người nghệ sỹ.
2. CAO NGUYÊN TRẮNG BẮC HÀ
Địa danh “Cao nguyên trắng Bắc Hà” do nhà văn Mã A Lềnh đặt tên. Ông là người dân tộc Mông đầu tiên ở tỉnh Lào Cai được chọn vào lớp đại học viết văn Nguyễn Du khoá I của Việt Nam và sau đó ông lại được cử đi tu nghiệp tại Viện văn học Goóc ky của nước Nga .
Phong cảnh thơ mộng của “Cao nguyên trắng Bắc Hà” khi mùa xuân về. Ảnh: Phạm Ngọc Triển
Theo nhà văn Mã A Lềnh, nguyên Phó giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai, địa danh “Cao nguyên trắng” xuất xứ từ đầu đề của bài bút ký ông viết về vùng đất Bắc Hà ít lâu sau ngày mới tái lập tỉnh Lào Cai (tháng 10/1991). Đầu đề và một phần nội dung bút ký “Cao nguyên trắng” cũng được lãnh đạo huyện Bắc Hà, Ban định canh định cư tỉnh và kỹ sư Vũ Đức Lợi khi đó là Phó giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai, người có công đầu di thực và lai ghép thành công giống mận nổi tiếng Tam Hoa ở Bắc Hà cùng góp ý từ khi bản thảo mới được tác giả sơ thảo.
Sau gần 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai, cùng với địa danh du lịch Sa Pa nổi tiếng khắp toàn cầu, vùng đất Bắc Hà cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách xa gần khi lên thăm Tây Bắc.
Tạp chí Serendib (SriLanka) năm 2009 đã xếp chợ phiên huyện vùng cao Bắc Hà của Việt Nam là một trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Vì thế không ít du khách quốc tế đến thăm Lào Cai đều có mong muốn được đi chơi chợ phiên Bắc Hà là chợ vùng cao có nhiều nét cổ xưa của vùng núi Tây Bắc.
Du khách tới thăm “Cao nguyên trắng Bắc Hà” nên đi vào đầu mùa xuân là mùa hoa mận Tam Hoa nở trắng bản làng vùng Tả Chải, Bản Phố, Na Hối, Nậm Mòn, Lầu Thí Ngài, Lùng Phình... Du khách sẽ thích thú được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngút ngàn hoa mận trắng khoe sắc trong nắng xuân, ít nơi nào ở Tây Bắc có được như mùa xuân trên “Cao nguyên trắng Bắc Hà”.
Đây cũng là nguồn cảm hứng vô tận góp phần sáng tạo nên những tác phẩm văn học - nghệ thuật về vùng đất tuyệt đẹp này của các văn nghệ sỹ mỗi khi lên thăm vùng núi Tây bắc.
3. LÀO CAI – NƠI CON SÔNG HỒNG CHẢY VÀO ĐẤT VIỆT
Đây là lời trong bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhà thơ Dương Soái, nguyên Chủ tịch hội văn học - nghệ thuật tỉnh Yên Bái và được cố nhạc sỹ Thuận Yến, nguyên Trưởng đoàn văn công Quân khu II, nguyên Trưởng Ban ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng cùng tên được nhiều người yêu ca nhạc cả nước biết đến.
Trong một dịp lên thăm huyện biên giới Bát Xát và thành phố trẻ biên cương Lào Cai, nhà thơ Dương Soái rủ chúng tôi xuống bờ sông biên giới để ngắm nhìn thoả thích “Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt”. Và anh đã kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” mà nhà thơ Dương Soái đã viết trong dịp đi công tác trên biên giới Lào Cai đầu năm 1979 (khi ấy nhà thơ Dương Soái là phóng viên thời sự của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hoàng Liên Sơn). Anh bảo đó cũng là những cảm xúc chân thật của một người con sinh ra ở vùng châu thổ sông Hồng đã từng có hơn chục năm làm nghề địa chất, chuyên đi tìm “các kho báu” cho Tổ Quốc trên vùng thượng nguồn sông Hồng ở Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát...
Nhà thơ Dương Soái có lần tâm sự với tôi anh đã rất mừng khi bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” được đăng trang trọng trên trang thơ của Tuần báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) ngay sau khi bài thơ ra đời và được nhiều bạn đọc trẻ chép lại vào sổ tay cá nhân.
Ngã ba sông Hồng và sông Nậm Thi ở thành phố trẻ biên cương Lào Cai. Ảnh: Phạm Ngọc Triển
Xin nói thêm vị trí đầu tiên “Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt” chính là khu vực bản Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), là nơi dòng suối Lũng Pô trong xanh chảy từ huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và vùng Ý Tý (Việt Nam) chảy xuống hợp lưu với dòng sông Hồng cũng chảy từ phía Mạn Hảo, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đổ dòng về đất Việt của chúng ta.
Còn thành phố trẻ biên cương tỉnh lỵ Lào Cai cũng được mệnh danh “Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt”. Nơi này còn có thêm dòng sông Nậm Thi chảy từ phía Đông Nam huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Việt Nam. Đặc biệt, vị trí hợp lưu giữa dòng Nậm Thi nước xanh như ngọc với dòng sông Hồng đỏ lựng phù sa ngay ở khu vực cầu Hồ Kiều II trên biên giới Việt – Trung, là nơi nhiều người tìm đến ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm mỗi khi tới thăm cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu.
Tỉnh biên giới Lào Cai hôm nay trở nên quen thuộc với mọi người Việt Nam vì nơi đây có địa danh nổi tiếng “Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt” được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Phạm Ngọc Triển
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết