Laocaitv.vn - Xung đột thương mại Mỹ-Trung nảy sinh nhiều thách thức nhưng cũng tạo thêm các cơ hội cho công tác xuất khẩu của Việt Nam.
Laocaitv.vn - Xung đột thương mại Mỹ-Trung nảy sinh nhiều thách thức nhưng cũng tạo thêm các cơ hội cho công tác xuất khẩu của Việt Nam.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng. Cùng với đó, Bộ Công Thương cần đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc…
Sức ép cạnh tranh rất lớn
Nhận định từ Bộ Công Thương cho thấy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, cơ hội được tạo ra là khi hàng hóa Trung Quốc gặp khó khăn tại thị trường Mỹ sẽ tạo cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ. Mặt khác, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại này sẽ khiến Trung Quốc tìm cách xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại giữa hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu buộc phải giảm chi phí, giảm giá thành.
Theo Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) TP Hà Nội, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực xuất – nhập khẩu hàng hoá. Trong đó, một điều có thể nhận thấy rõ, thách thức cạnh tranh đặt ra rất lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, chính là hàng hóa của Trung Quốc và Mỹ khi có nhiều thế mạnh sẽ đi tìm các thị trường mới, trong đó có thị trường Việt Nam.
“Thách thức lớn nhất về xuất khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế lớn có xung đột về thương mại, đó là việc cả hai quốc gia này cùng giảm giá thành sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh. Khi đó, những mặt hàng cùng chủng loại của Việt Nam muốn xuất khẩu buộc phải giảm chi phí, giảm giá thành. Sức ép cạnh tranh của sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ càng mạnh hơn nếu các nhà xuất khẩu không đẩy mạnh được năng suất cũng như chất lượng sản phẩm”, ông Phú nói.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này, theo ông Phú các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế khi nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, nhất là từ Mỹ khi nguồn nguyên liệu này khó xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ chuyển hướng đến thị trường Việt Nam với mức giá giảm hơn, kéo theo cơ hội giảm giá thành của sản xuất sản phẩm sản xuất trong nước, giảm giá thành sản phẩm…
“Những loại hàng hóa giá rẻ của Mỹ cũng như của Trung Quốc từ cuộc chiến thương mại này cũng có nhiều cơ hội để vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường việc quản lý chất lượng, kiểm soát các yếu tố đầu vào, đặc biệt đối với hàng thực phẩm để tăng cơ hội cho người tiêu dùng sử dụng hàng hóa có chất lượng cao, giá thành giảm”, ông Phú lưu ý.
Phản ứng tỷ giá phù hợp
Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lợi ích của Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính là việc mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ nhờ sức cạnh tranh về giá.
“Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có nhiều cơ hội hơn nhưng không phải là quá lớn. Chính vì thế cần lưu ý để giảm thiểu tác động khi những mặt hàng Việt Nam đang lợi thế xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ là những mặt hàng tiêu dùng thông thường, có độ co giãn về giá thấp, trong khi đang có rất nhiều quốc gia khác cũng đẩy mạnh xuất vào Mỹ các mặt hàng cùng chủng loại", ông Thắng nói.
TS. Trần Toàn Thắng cũng bổ sung thêm, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tìm mọi cách để có phản ứng tỷ giá phù hợp với diễn biến mới, đặc biệt là chú ý tới dự trữ ngoại hối và thu hút thêm FDI nhằm cái thiện cán cân ngoại hối; ngoài ra cần có các phương án phù hợp do Mỹ có thể gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, khi Mỹ và Trung Quốc bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại, nền kinh tế Việt Nam cần quan tâm đến sự xáo động về tài chính - tiền tệ, bởi đây vốn là vấn đề nhạy cảm và nó ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô nếu không có giải pháp phù hợp.
Còn theo ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), để duy trì sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh biến động tiền tệ và dòng thương mại toàn cầu từ cuộc chiến thương mại, chính sách tỷ giá của Nhà nước cần duy trì tính linh hoạt và mau lẹ. Mức độ điều chỉnh phải lớn hơn nữa mới có thể bù lại chênh lệch của thay đổi tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cần ưu tiên, nỗ lực thiết lập các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… nhằm đảm bảo tính ổn định của thị trường xuất khẩu cũng như đa dạng thị trường xuất khẩu. Chính sách lãi suất cần tập trung hơn vào sự ổn định vĩ mô, thay vì nhấn mạnh đến tăng trưởng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết