Laocaitv.vn - Chỉ bằng những thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử như máy tính, laptop, điện thoại thông minh có kết nối mạng, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với rất nhiều cuốn sách để tra cứu, học tập hay giải trí. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc đọc sách online đã trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ, học sinh sinh viên. Dù là khác về hình thức, nhưng đọc trong không gian số cũng góp phần không nhỏ để lan tỏa văn hóa đọc trong học đường.
Học sinh vùng cao có thêm kiến thức, kĩ năng nhờ không gian số.
Ngoài các giờ Tin học, phòng máy này cũng là địa điểm yêu thích của nhiều học sinh Trường THCS Bản Lầu mỗi khi có nhu cầu tra cứu thông tin phục vụ cho học tập. Truy cập vào các trang e-book, các em được tiếp cận với hàng nghìn đầu sách ở tất cả các lĩnh vực, kể cả sách tham khảo, sách giáo khoa... Em Trương Quỳnh Như, học sinh Trường THCS Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: "Em rất thích đọc sách, nhưng thư viện trường em vẫn còn nhỏ, nhiều sách em muốn tìm lại không có. Trên không gian mạng, em có thể dễ dàng tìm được rất nhiều sách hay, hấp dẫn, các sách tham khảo rất hữu ích cho việc học của mình".
Học sinh Lào Cai sớm được tiếp cận với Internet, thông qua việc được học tin học ngay từ bậc tiểu học. Tại nhiều trường, các phòng máy tính cũng đã được đầu tư khang trang, hiện đại hơn. Đây chính là nền tảng để các em chủ động tiếp cận, khai thác hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động đọc. Em Vừ Thị Sấy, học sinh Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát cho biết: "Trên mạng có rất nhiều thông tin mà chúng em có thể tham khảo để vận dụng vào học tập và kĩ năng sống. Chúng em cũng được định hướng học tập có chọn lọc".
Bằng nhiều cách, sách vẫn tìm đến được với học trò vùng cao, vùng khó khăn.
Để khuyến khích học sinh tham gia đọc trong không gian số, nhiều nhà trường đã bước đầu xây dựng thư viện thông minh, chủ động đăng tải các tài liệu phục vụ học tập, những mẩu chuyện hay, chia sẻ kinh nghiệm học tập lên trang web của trường. Ở đây, học sinh không chỉ đọc mà còn được nêu ý kiến, nhận xét, bình luận, thậm chí chia sẻ trên các trang mạng… Chính điều đó đã lan tỏa tích cực hơn phong trào đọc sách trong học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Phượng, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Lùng Phình 2, huyện Bắc Hà cho biết: "Thư viện trực tuyến sẽ giúp các em được tiếp cận với các tài liệu trên kho học liệu số. Mình cũng phải quản lý, bởi mạng Internet có hai mặt, thông tin cho các em phải có chọn lọc. Mình có những đường link đã được phê duyệt tra cứu".
Tại các địa bàn khó khăn hơn, mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng sách vẫn tìm đến được với học trò bằng nhiều cách. 8 năm qua, hơn 70.000 đầu sách đã được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ xây dựng các tủ sách vùng cao. Đặc biệt hơn cả, là những thư viện lưu động, thư viện số như thế này. Trên không gian số, những chân trời tri thức được mở ra, giúp học sinh vùng cao có thêm kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống.
Thu Hường – Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết