Laocaitv.vn - Sự phát triển không ngừng của internet và các thiết bị công nghệ số đã mở ra cơ hội tiếp cận thông tin, kiến thức đa dạng, dễ dàng, nhanh chóng, ở mọi lúc, mọi nơi đối với tất cả mọi người. Chuyển đổi số vì thế cũng tác động trực tiếp đến quá trình nhận thức, học tập của mỗi cá nhân, từng bước trở thành nền tảng cho việc học tập suốt đời.
Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, Tin học đã trở thành môn học bắt buộc với học sinh từ lớp 3 trở lên. Các phòng máy tính được đầu tư khang trang, hướng tới mục tiêu 100% học sinh được tiếp cận với máy tính, với mạng internet. Đây chính là nền tảng để học sinh của Lào Cai tiếp cận, khai thác hiệu quả công nghệ thông tin trong các hoạt động học tập, rèn luyện.
Em Vừ Thị Sấy, học sinh Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát chia sẻ: "Trên mạng có rất nhiều thông tin mà chúng em có thể tham khảo để vận dụng vào học tập và kĩ năng sống. Chúng em cũng được định hướng học tập có chọn lọc".
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Huy Phú, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bát Xát cho rằng, việc được học tin học từ sớm là phù hợp với xu thế hiện nay, cũng như chủ động với các tình hình dịch bệnh có thể phức tạp trở lại. "Nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho cả giáo viên và học sinh được thực hiện các hoạt động chuyển đổi số", ông Phú thông tin thêm.
Chuyển đổi số trong dạy và học giúp nâng cao chất lượng giáo dục.
Toàn tỉnh hiện có 509/612 trường với hơn 65% học sinh được tiếp cận, học môn Tin học. 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý, số hóa thông tin. Trên 3.030 giờ học kết nối đã được thực hiện. Những tiết học truyền thống với giáo án viết tay, bảng đen phấn trắng dần được thay thế, linh hoạt hơn với lớp học ảo, tài liệu số bởi hầu hết giáo viên đều có khả năng ứng dụng CNTT trong dạy học.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: "Không riêng trong môi trường giáo dục, thời gian qua, tỉnh Lào Cai cũng đặc biệt quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ trong việc đưa thông tin về cơ sở".
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai cũng đặc biệt quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ trong việc đưa thông tin về cơ sở. "Từ năm 2019 đến nay xe lưu động của thư viện đã đi đến nhiều nơi ở vùng sâu vùng xa, với 6.500 bản sách, 6 máy tính xách tay có truy cập internet và 1 máy chiếu. Chúng tôi mong muốn góp phần tuyên truyền, hình thành thói quen đọc sách, học tập cho Nhân dân và học sinh vùng sâu, vùng xa", chị Nguyễn Thị Hà, Phòng Phục vụ bạn đọc - Thư viện tỉnh Lào Cai cho biết.
Sóng di động, mạng internet đã được phủ tới trên 1.500 thôn bản khó khăn, xóa dần những vùng lõm. Truyền thanh thông minh, truyền hình đa nền tảng được ứng dụng phổ biến. Từ thuận lợi đó, tiếp cận chuyển đổi số, những chiếc máy tính, điện thoại thông minh dần trở thành công cụ hữu ích để người dân vùng khó mở mang kiến thức, thu nạp những điều mới mẻ, từ đó nâng cao dân trí, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời phát triển.
Thu Hường - Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết