Laocaitv.vn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tại diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”: Công nghệ số sẽ giúp báo chí Việt Nam thay đổi, thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn.
Laocaitv.vn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tại diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”: Công nghệ số sẽ giúp báo chí Việt Nam thay đổi, thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn.
Ngày 13/11, Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” do Bộ TT&TT tổ chức với mục đích để các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin chia sẻ, trao đổi thảo luận đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ phát triển ngành báo chí, truyền thông cũng như giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm của một số cơ quan báo chí đã và đang ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: “Công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực báo chí nhiều nhất. Nhưng hiện nay, báo chí đang là người đi sau về công nghệ. Trước những thách thức khác nhau của nhu cầu đổi mới công nghệ, nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn; hoặc đã bỏ cuộc hoặc chưa từng bắt đầu”.
“Thời đại kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng, tiếp cận những kho báu tri thức và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột... Có thể những người làm báo chúng ta nghĩ rằng công nghệ mới thì phức tạp, nhưng không nghĩ rằng, công nghệ sẽ giúp cho việc làm nghề của chúng ta đơn giản hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt một loạt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc chuyển đổi số báo chí cũng cần có những công ty công nghệ đi bên cạnh hỗ trợ. Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp viễn thông vừa qua đã có sự hỗ trợ rất thiết thực với báo chí, về kết nối và hosting cho báo chí điện tử. Dù giá trị chưa lớn, thế nhưng đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT Việt Nam chung tay hỗ trợ báo chí nước nhà.
Còn ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng: Nguồn lực báo chí và những giá trị do báo chí đem lại cho xã hội vô cùng lớn nhưng báo chí đang đứng trước một thực tế là “nguồn thu suy giảm mạnh”. Trên 41.000 người lao động với 936 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình nhưng trong năm 2018, tổng doanh thu của các cơ quan báo in, báo điện tử ước tính đạt khoảng 4.900 tỷ đồng; doanh thu của các đài truyền hình đạt khoảng 10.940 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo khoảng 9.631 tỷ đồng. Chỉ trong 10 năm, các cơ quan báo chí mất khoảng 50% thị phần quảng cáo. Hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu.
“Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa. Đây là Dự án được triển khai theo phương châm xã hội hoá các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của báo chí, và thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đến với xã hội”, ông Lưu Đình Phúc thông tin.
Mang đến Diễn đàn một ví dụ thực tế áp dụng công nghệ trong hoạt động báo chí, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết: Ra mắt từ ngày 13/11/2018, ứng dụng chatbot của VietnamPlus đã đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong báo chí. Theo đó, việc sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo, chatbot của VietnamPlus có khả năng cá nhân hóa cho mỗi người dùng, dựa vào lịch sử trao đổi, trò chuyện giữa người và máy. Người dùng có thể lựa chọn theo các chủ đề tin, nhập từ khóa nội dung mà họ muốn tìm kiếm hoặc ra lệnh bằng giọng nói. Mới đây, ứng dụng này đã được trao "Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn" của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA).
Giới thiệu về các thiết bị kích hoạt giọng nói hiện đại đang được áp dụng trên thế giới, ông Lê Quốc Minh khẳng định: Các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói được dự báo sẽ trở thành những "cửa ngõ" quan trọng để tiếp cận nội dung giải trí cũng như thông tin, kiến thức.
Dịp này, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024". |
Theo Baotintuc.vn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết