Kiêng kị ngày Tết: Văn hóa và hủ tục

07:00 09-02-2019 | :3357

Laocaitv.vn - Đón Tết Nguyên đán, các dân tộc, các vùng miền trên đất nước Việt Nam đều hân hoan đón chào năm mới với những phong tục cầu may và kiêng kị rất phong phú. Nghi thức cầu may và kiêng kị khác nhau, nhưng đều rất giống nhau ở mục đích là mong muốn sự tốt đẹp và tránh xa cái xấu cái ác.

Tục kiêng kị với những quy ước khá đa dạng, rất tỉ mỉ, được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác. Có những kiêng kị là tập quán phổ biến, được mọi nhà, mọi người tôn trọng ở nhiều vùng miền. Có những kiêng kị chỉ được thực hiện ở mức hạn chế trong nhà này, nhà khác, vùng nọ vùng kia, và có thể rơi rụng lãng quên trong quá trình chọn lọc, đến nay chỉ còn trong kí ức của người cao tuổi.

Trong cuốn Ghi chép về văn hóa dân gian Mông, nhà văn Mã A Lềnh đồng thời là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã ghi lại phong tục kiêng kị trong ngày Tết của dân tộc H'Mông như sau:

“Mồng một Tết là ngày nghỉ trọn vẹn, không phải dậy từ canh ba nấu ăn để đi nương đi ruộng như ngày mùa. Người thức dậy đầu tiên đi chặt một cành lá xanh đem về cắm ở cửa chính. Việc cấm bang không có nghĩa là làm ám hiệu không cho người ngoài vào, mà là ngăn cách không cho ma hoang quỷ dại lẻn vào, vì ngôi nhà có ngọn lửa ấm cùng với hồn người, hồn thiêng của tiên tổ và các vị thánh thần lành hiền khác biệt với ma hoang quỷ dại, với các vị thần dữ. Mồng một cũng là ngày phải kiêng khem nhiều, như không thổi lửa, không hót rác, không đánh đổ cơm, nước điếu, cơm mới nấu không chan canh, không to tiếng, không xúc phạm nhau, không đi chơi xa, không uống rượu say, không ăn mặc rách rưới, không động đến các loại dụng cụ lao động trừ dao tay, không đánh yến ngoài trời…”

Các dân tộc khác ở vùng cao cũng có những tục kiêng kị tương tự, có thể thêm bớt ít nhiều.

Trong ngày đầu năm kiêng làm đổ vỡ, kiêng quét nhà, kiêng văng tục... (Ảnh minh họa)

Trong cuốn Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính xuất bản từ năm 1915, cách đây đã 104 năm có ghi lại các tục kiêng kị của người Việt Nam dài tới hơn 4 trang, trong đó có những tục kiêng ngày Tết.

Theo truyền tụng trong dân gian, có rất nhiều điều kiêng kị trong ngày đầu năm mới: Kiêng nợ nần dây dưa qua năm để làm ăn suôn sẻ. Kiêng không để xích mích mâu thuẫn kéo sang năm mới. Kiêng để công việc dang dở dây dưa. Đầu năm mới kiêng đòi nợ để tránh sự không hay về tiền bạc làm xui xẻo cả năm, kiêng động thổ, kiêng giã chày cối, kiêng làm đổ vỡ, kiêng quét nhà, kiêng đổ rác, kiêng văng tục, kiêng xích mích, người lớn kiêng quát tháo, trẻ em kiêng quấy khóc, kiêng mặc đồ màu tối xám, xuất hành kiêng giờ xấu, kiêng gặp đàn bà, kiêng để tắt lửa bếp, kiêng đem lửa ra khỏi nhà, kiêng cho người ngoài xin lửa, sợ mất đi đỏ đắn…

Trong phần lời bình, Phan Kế Bính dường như phủ nhận tất cả sự kiêng kị là “lắm sự nực cười, không có nghĩa lí gì”.

Thiết nghĩ, ý kiến phủ nhận sạch trơn là cực đoan. Đúng là có những kiêng kị rườm rà, không có ý nghĩa, thậm chí là tác hại, nhưng có những kiêng kị có ý nghĩa nhắc nhở người ta không dây dưa công việc, phải sòng phẳng dứt khoát trong bán mua, vay mượn, phải thận trọng khéo léo không để xảy ra đổ vỡ, phải giữ không khí thuận hòa êm ái, phải ý tứ trong nói năng… là những kiêng kị làm giàu thêm ý nghĩa nhân văn trong ngày Tết linh thiêng, vui vẻ và đầm ấm, để cầu mong một năm mới mọi sự tốt đẹp hanh thông.

Trình độ dân trí ngày càng nâng cao, người ta biết chọn lựa sàng lọc để giữ lại những phong tục tốt đẹp và loại trừ dần những tập tục rườm rà hủ lậu. Ở vùng cao, đồng bào các dân tộc cũng đã bớt đi những kiêng kị khắt khe, gò bó, biết lưu giữ những phong tục làm nên bản sắc đẹp đẽ, đồng thời tiếp thu cái mới mẻ hiện đại. Nhìn chung, khi năng lực làm chủ cuộc sống ngày càng cao, những kiêng kị gò bó, rườm rà, ảnh hưởng đến sinh hoạt tự nhiên và lao động sản xuất đã được loại bỏ dần, nhưng vẫn giữ lại những phong tục thực sự có ý nghĩa văn hóa nhân văn, làm cho ngày Tết trở nên có ý nghĩa sắc màu văn hóa phong phú.

Cao Văn Tư


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết